Thứ Sáu, 18/01/2013, 07:13 (GMT+7)
.

Du lịch ĐBSCL: Cần có sản phẩm đặc trưng, không ngừng phát triển thương hiệu

Phải khẳng định rằng các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói chung và Tiền Giang nói riêng là vùng đất có nhiều giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn đặc sắc; được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi chằng chịt, đa dạng sinh học cao với các khu rừng nguyên sinh, vùng đất ngập nước… là tiềm năng vô tận để phát triển du lịch sinh thái.

Bên cạnh đó, những nét văn hóa độc đáo Nam bộ thể hiện qua các lễ hội, làng nghề, di tích văn hóa lịch sử đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch nhân văn giá trị.

Thế nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia, cho đến nay những tài nguyên du lịch độc đáo đó mới được khai thác ở bề nổi, những cái dễ, thường làm để đón tiếp, phục vụ du khách, chỉ chú trọng vào sản phẩm du lịch đơn giản như miệt vườn sông nước, nghệ thuật dân gian đờn ca tài tử, tham quan di tích lịch sử, lễ hội…

Những sản phẩm du lịch phổ biến vẫn chưa được đầu tư một cách bài bản, chưa có nhiều hàm lượng trí tuệ và sáng tạo mà mới khai thác đa phần dưới dạng “thô”, do vậy giá trị dịch vụ du lịch tạo ra rất thấp.

Tát mương bắt cá là một trong những dịch vụ phục vụ du khách ở Tiền Giang.
Tát mương bắt cá là một trong những dịch vụ phục vụ du khách ở Tiền Giang.

Năm 2012, ngành Du lịch Tiền Giang cũng đón trên 1 triệu lượt khách du lịch nhưng những tồn tại, bất cập của ngành cũng chưa được cải thiện rõ nét. Lâu lắm rồi du lịch Tiền Giang chưa đưa ra được sản phẩm mới nào mang tính đặc thù của tỉnh, phần nhiều cũng chỉ tập trung vào khai thác các sản phẩm truyền thống như sông nước miệt vườn, tham quan di tích…

Ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc công ty cổ phần Việt Phong Mekong cho biết, nhìn chung trong năm 2012 do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế nên các doanh nghiệp gặp khó khăn do tồn đọng hàng hóa, dịch vụ ế ẩm nên co cụm hoạt động kinh doanh. Sức mua giảm, lượng khách du lịch cũng giảm theo nên thị trường kinh doanh của các doanh nghiệp lữ hành cũng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt là sự cạnh tranh về giá giữa các đơn vị kinh doanh lữ hành càng làm tăng thêm khó khăn và kém hiệu quả cho hoạt động kinh doanh du lịch. Ngành Du lịch Tiền Giang còn nhiều tiềm năng nếu không khai thác sẽ mất cơ hội. Muốn khai thác những tiềm năng này, các cơ sở du lịch phải không ngừng phát triển thương hiệu, xây dựng sản phẩm mới.

"Do vậy, năm 2013 Công ty cổ phần Việt Phong Mekong sẽ mở ra những dịch vụ mới mang tính độc đáo, hấp dẫn và dựa vào du lịch sinh thái, văn hóa sông nước miền Tây; cải tạo phương tiện vận chuyển du lịch trên sông để bổ sung các loại hình kinh doanh du lịch và tận dụng công suất phương tiện hiện có”, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết.

Thế mạnh của các tình trong vùng về nông nghiệp là lúa nước, trái cây và thủy sản, có thể phát triển thành sản phẩm du lịch đặc trưng, trở thành thương hiệu nếu được đầu tư thiết kế hệ thống dịch vụ đồng bộ phục vụ khách tìm hiểu nông nghiệp, nông thôn, thưởng thức trái cây và ẩm thực.

Nhưng thực tế hiện nay, sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp vẫn là những hoạt động rời rạc, đơn lẻ và thiếu vắng những dịch vụ bổ sung đầy đủ, thiếu ý tưởng đáp ứng đúng nhu cầu, sở thích của du khách.

Từ tính chất khai thác tài nguyên theo kiểm bề nổi mà sản phẩm du lịch các tỉnh bị tình trạng sao chép lẫn nhau, dẫn đến sự trùng lắp giữa các khu, điểm du lịch, sản phẩm giản đơn, chất lượng thấp, thiếu chiều sâu và thiếu tính đặc sắc, khác biệt dẫn tới giá trị thấp và du khách dễ nhàm chán, lưu lại ngắn ngày và không đi tiếp các điểm khác trên tuyến hành trình; chưa làm nổi bật sản phẩm đặc trưng hay thương hiệu du lịch của vùng.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm toàn vùng đón đón trên 4,5 triệu khách du lịch, trong đó có trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Lượng khách quốc tế đến các tỉnh ĐBSCL chủ yếu qua cửa ngõ TP. Hồ Chí Minh và một phần qua cửa khẩu biên giới phía Tây giáp Campuchia.

Do tính chất sản phẩm du lịch lịch đơn giản, nên khách du lịch lưu lại ngắn ngày và chi tiêu thấp. Theo số liệu điều tra gần đây, độ dài lưu trú bình quân của một khách quốc tế là 1,95 ngày, đối với khách nội địa là 1,7 ngày trong khi vùng Đông Nam bộ tương ứng là 3,45 ngày và 2,05 ngày.

Mức độ chi tiêu của khách du lịch cũng thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Chi tiêu của khách du lịch trong năm 2011 là 59 USD/ngày khách quốc tế và 300.000 đồng/ngày đối với khách nội địa so với mặt bằng chung tương ứng là 95 USD/ngày đối với khách quốc tế và 430.000 đồng/ngày đối với khách nội địa…

PHƯƠNG ANH

.
.
.