Thứ Tư, 23/01/2013, 05:49 (GMT+7)
.

Nhiều cơ hội cho xoài, chôm chôm, thanh long…

Mặc dù chịu tác động của nhiều yếu tố khác nhau nhưng năm 2012 xuất khẩu nông sản, trong đó xuất khẩu trái cây (cả dưới dạng chế biến đông lạnh và trái tươi) vẫn tăng trưởng tốt.

Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH MTV Long Uyên (Khu công nghiệp Mỹ Tho) cho biết, công ty hiện đang xuất khẩu mạnh mặt hàng xoài cát chu cắt miếng cấp đông đi thị trường Hàn Quốc; mãng cầu gọt giỏ tách hạt đông lạnh đi đều đặn sang thị trường Malaysia và Trung Quốc; chôm chôm nguyên trái đi thị trường Hàn Quốc…

Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu các loại nông sản khác như: Khoai mì, khoai môn, chuối… sang thị trường châu Âu. Trong năm 2012, bên cạnh việc giữ thị trường tiêu thụ truyền thống, công ty còn mở rộng thêm thị trường mới là Pháp, với nhiều loại nông sản như dứa, đu đủ, nấm rơm, bắp non.

Mặt hàng xuất khẩu chính của công ty vẫn là xoài. Năm 2012 sản lượng xoài trong vùng tương đối lớn và cho trái cả năm, tất nhiên cũng có lúc giá cao lúc giá thấp nhưng vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu để công ty thu mua, chế biến xuất khẩu.

Xoài cắt miếng đông lạnh đang là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.
Xoài cắt miếng đông lạnh đang là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn.

Xoài chủ yếu xuất đi thị trường Hàn Quốc dưới hai dạng cắt miếng cấp đông, còn khoai mì đi thị trường  truyền thống là châu Âu. Khoai mì có thể xuất khẩu dưới dạng xay nhuyễn hay xuất nguyên củ để sống hoặc được nấu chín.

Nhờ thị trường tiêu thụ nông sản còn thuận lợi, nên kim ngạch xuất khẩu của công ty trong năm 2012 tăng khoảng 15% so với năm 2011, nhưng số lượng sản phẩm nông sản xuất khẩu có mức tăng trưởng cao hơn. Theo đó, năm 2012, công ty xuất khẩu khoảng 2.000 tấn sản phẩm nông sản các loại, trong đó chủ yếu là xuất khẩu trái cây.

Theo ông Pham Quốc Nam, nhu cầu tiêu thụ các loại nông sản ở các nước còn tương đối lớn và tùy thuộc vào mùa vụ. Các mặt hàng nông sản đông lạnh đang còn là thế mạnh do ở các nước phát triển hiện nay đang khống chế nhập trái cây tươi vì chưa đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Để đảm bảo các tiêu chuẩn về xuất khẩu, các loại nông sản của Việt Nam tới đây cần đạt được các tiêu chuẩn, ít nhất cũng là Global GAP.

Một số mặt hàng nông sản có thể duy trì tốc độ tăng trưởng tốt trong những năm tới là xoài, chôm chôm, khoai mì; trong khi đó trái dứa (khóm) nhu cầu thị trường tiêu thụ thế giới cũng còn tương đối lớn nhưng do giá nguyên liệu quá cao nên rất khó cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nước khác.

"Nguyên liệu nông sản của Tiền Giang hiện tương đối dồi dào là một trong những lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Trước những điều kiện hiện nay, công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy mới, diện tích 7.000 m2, dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 6-2013, với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng nhằm đảm bảo một cách tốt nhất các tiêu chí nhập khẩu nông sản của các nước", ông Phan Quốc Nam cho biết.

Ở khía cạnh xuất khẩu trái tươi, năm 2013 cũng được dự đoán có nhiều thuận lợi, nhất là đối với trái thanh long. Thanh long Việt Nam hiện nay đã xuất khẩu sang trên 30 quốc gia trên thế giới. Ông Trần Hữu Danh, Giám đốc Công ty TNHH Long Việt (Đăng Hưng Phước, Chợ Gạo) chuyên cung ứng trái thanh long xuất khẩu, cho biết theo dự kiến năm 2013 một số nước sẽ mua thanh long của Việt Nam nhiều hơn, chẳng hạn như Hàn Quốc.

Đài Loan cũng đang tiến hành rà soát các thủ tục để nhập lại trái thanh long Việt Nam sau thời gian tạm ngưng nhập khẩu. Đây là một trong những thị trường tiêu thụ trái thanh long rất mạnh, giá cũng khá tốt, trong khi thị trường tiêu thụ Mỹ hiện nay vẫn ổn định.

“Cần phát triển thêm nhiều mô hình trồng thanh long theo VietGAP để cho an toàn, vì nhiều thị trường tiêu thụ cũng đang hướng đến tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Thời gian gần đây, khách hàng đặt hàng đều đòi hỏi sản phẩm đạt tiêu chuẩn GAP”, ông Trần Hữu Danh nhận định.

PHƯƠNG ANH

.
.
.