Thứ Sáu, 25/01/2013, 05:13 (GMT+7)
.

Nuôi ếch, một vốn bốn lời nhưng không được chủ quan

Những năm gần đây, mô hình nuôi ếch Thái Lan quy mô nông hộ với diện tích từ vài chục đến vài trăm mét vuông đã phát triển mạnh và đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều nông dân trong tỉnh. Đặc biệt, từ đầu năm 2012 đến nay, giá ếch giống và ếch thương phẩm đều nằm ở mức cao nên nông dân làm nghề này có thể lãi từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, điều mà bà con đúc kết là việc nuôi ếch xem chừng dễ mà không dễ!

MỘT VỐN BỐN LỜI

Ông Phan Văn Có, nông dân có trại nuôi ếch rộng 300 m2 với 10 năm kinh nghiệm ở ấp 2, xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho (cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác  nuôi ếch xã Đạo Thạnh) cho biết, trại nuôi ếch của ông chủ yếu sản xuất ếch giống, thỉnh thoảng mới nuôi ếch thịt.

Vụ ếch năm ngoái, trại ếch của ông có 300 cặp ếch Thái Lan bố mẹ đẻ được hơn 10 thiên ếch giống (100.000 con) với giá bán tại trại từ 1.000-1.200 đồng/con, thu lợi nhuận trên 100 triệu đồng. Hiện nay ông còn trên 5.000 con ếch giống đang nuôi vỗ để tuyển chọn ếch bố mẹ chuẩn bị cho vụ sản xuất giống sắp tới và cung cấp ếch thịt cho thị trường.

“Năm nào cũng vậy, ếch giống sản xuất ra không đủ cung cấp cho thị trường nên không sợ tình trạng tồn đọng, rớt giá. Thậm chí, để có ếch giống nuôi vỗ, tuyển chọn thành ếch bố mẹ cho vụ sản xuất giống năm sau, tôi phải giấu ếch giống ra sau nhà, nếu không người ta vô năn nỉ mua hết thì năm sau không có ếch bố mẹ để cho đẻ”- ông Có vui vẻ tiết lộ.

Ông Phan Văn Có bên mô hình nuôi ếch mang lại hiệu quả khá cao của gia đình.
Ông Phan Văn Có bên mô hình nuôi ếch mang lại hiệu quả khá cao của gia đình.

Người cũng có thâm niên với nghề nuôi ếch ở xã này là ông Lê Văn Mẹo, ngụ ấp 4. Tuy nhiên, ông Mẹo chủ yếu nuôi ếch thịt còn sản xuất ếch giống thì không nhiều. Ông cho biết, hiện nay ếch thịt có giá từ 40.000 - 42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất (ếch giống, thức ăn, công chăm sóc…) trong 3-3,5 tháng nuôi, còn lời được khoảng 10.000 đồng/kg; cá biệt, gần tới mùa mưa, giá ếch lên tới 90.000 đồng/kg.

Nếu tính bình quân thì vào vụ thuận (tháng 3-7 âm lịch) cứ nuôi 1.000 con ếch thịt sẽ có lãi 6 triệu đồng, còn vụ nghịch (tháng 9-1 âm lịch) chỉ lời được 1 triệu đồng. “Vụ ếch thuận vừa rồi, tôi xuất bán 4.000 con ếch thịt, lời 23 triệu đồng và xuất bán 30.000 con ếch giống với giá từ 1.000-1.200 đồng/kg. Tổng cộng vụ ếch năm ngoái tôi thu lãi 60 triệu đồng từ mô hình này”.

Không chỉ ở xã Đạo Thạnh, nhiều hộ sản xuất giống và nuôi ếch thịt ở các vùng nông thôn thuộc các huyện: Châu Thành, Chợ Gạo, Cái Bè, Cai Lậy… cũng thu được lợi nhuận từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm tùy theo quy mô và kỹ thuật nuôi, góp phần nâng cao đời sống nông hộ và cải thiện bộ mặt kinh tế, xã hội ở nông thôn.

KHÔNG ĐƯỢC CHỦ QUAN

Mô hình nuôi ếch Thái Lan tính đến thời điểm hiện tại có thể nói là dễ làm, hiệu quả khá cao, bởi chỉ cần diện tích khoảng vài chục mét vuông là có thể nuôi ếch với lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ nuôi ếch mang lại hiệu quả cao thì vẫn có một số hộ nuôi ếch thất bại.

Theo đại diện Tổ hợp tác (THT) nuôi ếch xã Đạo Thạnh, khi mới thành lập, THT có 20 hộ thành viên nuôi ếch, nhưng hiện nay đã có 10 hộ nuôi ếch tạm ngưng hoạt động do sản xuất không hiệu quả. Phân tích nguyên nhân “bỏ nghề” sớm này, ông Phan Văn Có - Tổ trưởng THT nuôi ếch xã Đạo Thạnh cho rằng, nguyên nhân đầu tiên là do chủ quan, bởi nhiều người cho rằng ếch dễ nuôi nên không chú ý chăm sóc, học hỏi kinh nghiệm.

Ban đầu, chưa có mầm bệnh nên ếch phát triển thuận lợi, đạt hiệu quả cao, nhưng chỉ vụ nuôi thứ 2 trở đi là ếch bắt đầu bị các loại dịch bệnh tấn công. Nếu người nuôi không thường xuyên theo dõi ếch, không nắm kỹ thuật cơ bản dẫn đến hao hụt cao, bị lỗ. Để nuôi ếch đạt hiệu quả, người chưa có kinh nghiệm chỉ nên nuôi dưới 3.000 con ếch mỗi vụ để tiện theo dõi, chăm sóc.

Tiếp theo là do chất lượng con giống không đảm bảo, con giống bị thoái hóa. Nhiều thương lái mua ếch thịt và cung cấp luôn cả ếch giống cho người nuôi, nhưng chỉ dùng chung một dụng cụ chứa đựng duy nhất, trong khi ếch thịt bán trong mùa nghịch thường chỉ khi có dấu hiệu bị bệnh mới bán. Đây là nguyên nhân lây lan mầm bệnh, dẫn đến tình trạng chết hàng loạt trong quá trình nuôi.

Cuối cùng là giá thức ăn nuôi ếch liên tục tăng cao, dẫn đến giá thành nuôi ếch ngày càng tăng, lợi nhuận người nuôi ngày càng giảm. Mặt khác, hiện nay mô hình nuôi ếch vẫn chưa phát huy hết hiệu quả do chưa có nhiều nghiên cứu khoa học về đối tượng này, kỹ thuật nuôi ếch của người dân chủ yếu là tự mày mò học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau nên vẫn chưa hoàn thiện.

Nhiều nông dân sản xuất ếch giống cho biết, vấn đề khó hiện nay là làm sao cho ếch mẹ giữ được trứng cho tới mùa nghịch để cho đẻ ếch giống, nếu làm được như vậy thì giá ếch có thể trên 2.000 đồng/con (gấp đôi mùa thuận).

Trong mùa thuận, dù đã được cách ly hoàn toàn ếch đực và cái nhưng chỉ cần nghe tiếng kêu ếch đực thì ếch cái đã đẻ. Thậm chí, dù đã có mái che cho ếch, nhưng chỉ cần nghe tiếng mưa thì ếch cũng đẻ. Do đó, sang tới mùa nghịch thì ếch cái đã hết trứng không thể cho sinh sản trong khi nhiều đối tượng thủy sản khác như: cá rô đồng, cá sặt rằn… đã có thể giữ trứng cho đẻ vào mùa nghịch.

Bên cạnh đó, vấn đề nòng nọc ếch trong giai đoạn ương lên thành giống thường có tình trạng chết hàng loạt sau 2-3 đám mưa, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục, khiến người nuôi ếch bị thiệt hại nặng. Hiện nay, dịch bệnh trên ếch rất nhiều như: bệnh đỏ đùi, mù mắt, vẹo cổ, sình bụng… nhưng chưa có thuốc đặc trị mà chỉ dùng thuốc dành cho người để trị bệnh ếch.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 130 hộ theo nghề nuôi ếch Thái Lan (trong đó có 30 hộ có sản xuất ếch giống), tập trung ở TP. Mỹ Tho (31 hộ), huyện Châu Thành (27 hộ), Cai Lậy (52 hộ) và Cái Bè (20 hộ).

Ếch chủ yếu được nuôi trong vèo giăng dưới ao với kích thước khoảng 2m x 4m hoặc trong bể bạt, bể xi măng có kích thước khoảng 4m x 6m. Hàng năm, các hộ nuôi ếch này cung cấp cho thị trường 150 tấn ếch thịt và khoảng 400.000 con ếch giống, đáp ứng nhu cầu nuôi của tỉnh.

THÀNH CÔNG

.
.
.