Thứ Năm, 24/01/2013, 09:05 (GMT+7)
.

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam

Quan điểm phát triển của "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP.

Về vùng sông nước Tiền Giang. Ảnh Duy Sơn
Về vùng sông nước Tiền Giang. Ảnh: Duy Sơn

Mục tiêu cụ thể đặt ra là phát triển 7 vùng du lịch (Vùng trung du, miền núi Bắc Bộ; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung Bộ; vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long) với những sản phẩm đặc trưng theo từng vùng; 46 khu du lịch quốc gia; 41 điểm du lịch quốc gia; 12 đô thị du lịch và một số khu, điểm du lịch quan trọng khác tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch cho các vùng và cả nước.

Năm 2020, ngành du lịch phấn đấu thu hút 10,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 47,5 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng khách quốc tế là 7%/năm, nội địa là 5,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 372 nghìn tỷ đồng, tương đương 18,5 tỷ USD.

Đến năm 2030, tăng số lượt khách quốc tế lên 18 triệu lượt và 71 triệu lượt khách nội địa; tăng trưởng tương ứng 5,2% và 4,1%/năm. Tổng thu từ khách du lịch đạt 708 nghìn tỷ đồng, tương đương 35,2 tỷ USD.

Về phát triển sản phẩm du lịch, ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm chính như: hệ thống sản phẩm du lịch biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, hệ sinh thái biển; các sản phẩm du lịch văn hóa gắn với di sản, lễ hội; phát triển mạnh du lịch ẩm thực...

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Tổng cục Du lịch hướng dẫn các địa phương xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, quy hoạch các khu, điểm du lịch địa phương; xây dựng và thực hiện các quy hoạch vùng du lịch, quy hoạch khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia.

(Theo chinhphu.vn)

.
.
.