Sản phẩm phần mềm dự kiến chịu thuế VAT
Các sản phẩm phần mềm sẽ không còn được hưởng chính sách miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) theo như dự thảo Luật Thuế VAT mà hiện Bộ Tài chính đang đưa ra lấy ý kiến đóng góp.
Cụ thể, Bộ Tài chính dự kiến đưa sản phẩm phần mềm vào đối tượng chịu thuế (hiện sản phẩm phần mềm đang thuộc đối tượng không phải chịu thuế VAT). Mức thuế suất VAT dự kiến sẽ là 10% và mức thuế suất 0% chỉ dành cho hàng hóa xuất khẩu như gia công phần mềm xuất khẩu, còn mức thuế suất 5% chỉ dành cho một số hàng hóa thiết yếu.
Gia công phần mềm tại Công ty FPT Software. Nguồn: FPT cung cấp. |
Các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành phần mềm cho rằng việc đưa sản phẩm phần mềm vào đối tượng chịu thuế VAT có thể sẽ ảnh hưởng tới giá sản phẩm cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế không mấy sáng sủa.
Ông Lữ Hồng Chương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Misa, đơn vị sản xuất phần mềm kế toán và quản lý nhân sự, nói rằng giá phần mềm hiện nay thấp mà vẫn khó bán được nay cộng thêm 10% VAT sẽ khiến đầu ra của sản phẩm càng gặp khó khăn hơn.
“Nếu việc đánh thuế là bắt buộc thì Bộ Tài chính nên có lộ trình đánh thuế từng bước một và tăng dần mức thuế lên 10%”, ông Chương nói.
Cũng theo ông Chương, năm vừa qua các doanh nghiệp phần mềm trong nước gặp khó khăn khi các doanh nghiệp và tổ chức đầu tư thắt chặt việc đầu tư cho công nghệ thông tin. Đầu ra của sản phẩm rất khó trong khi đó chi phí sản xuất vẫn tiếp tục tăng cao. Vì vậy, nếu áp mức thuế VAT 10% lên các sản phẩm phần mềm sẽ là một thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch hội Tin học TPHCM, cũng cho rằng việc đánh thuế VAT lên các sản phẩm phần mềm sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp phần mềm trong nước. Tuy nhiên, nếu việc đánh thuế là bắt buộc thì nhà nước nên có lộ trình cụ thể, tránh gây sốc cho doanh nghiệp.
(Theo thesaigontimes.vn)