Thứ Sáu, 04/01/2013, 05:35 (GMT+7)
.

Thạnh Lộc - xây dựng nông thôn mới trên miền đất khó

Được chọn nằm trong số xã điểm của tỉnh triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười, Thạnh Lộc đang đứng trước những cơ hội phát triển đầy hứa hẹn.

PHÁT HUY VAI TRÒ CỤM DÂN CƯ VƯỢT LŨ

Thạnh Lộc nằm trong vùng ngập lũ sâu phía Tây của tỉnh, Trong những trận lũ lớn, xã chịu thiệt hại nặng nề về mọi mặt. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh chủ trương xây dựng Khu dân cư vượt lũ Thạnh Lộc với quy mô 100 hộ dân liền kề bên chợ Thạnh Lộc ngày nay.

Nằm án ngữ các tuyến giao thông thủy, bộ trọng yếu, huyết mạch của toàn vùng: kinh Nguyễn Văn Tiếp và đường tỉnh 865, Khu dân cư Thạnh Lộc được đưa vào sử dụng năm 1999, chỉ sau 13 năm hoạt động đã góp phần giúp nhân dân chung sống với lũ an toàn; đồng thời còn phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm cho bà con, từ đó thúc đẩy xã chuyển dịch từ thuần nông sang đa dạng về cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp.

Thu hoạch lúa bằng cơ giới ở Thạnh Lộc.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới ở Thạnh Lộc.

Bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, để phát huy vị thế và nỗ lực chung sống với lũ, gần đây xã tranh thủ sự hỗ trợ của trên, đầu tư thêm trên nửa tỷ đồng xây dựng chợ Thạnh Lộc mới khang trang kề bên Khu dân cư Thạnh Lộc. Chợ có diện tích 1.000 m2 với trên 60 gian hàng kinh doanh cố định, chưa kể những khu vực dành cho nhà nông tiêu thụ nông sản.

Đây cũng là một trong những ngôi chợ bề thế, buôn bán sung túc và nhộn nhịp ở tuyến đường tỉnh 865 chạy suốt vùng Đồng Tháp Mười thuộc các huyện vùng lũ Tiền Giang: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành. Nhờ có ngôi chợ này, việc giao thương, buôn bán của bà con nơi đây ngày một phát đạt, giúp tạo việc làm, cũng như mở ra cơ hội lập nghiệp cho những hộ dân năng động chuyển đổi ngành nghề ngay trên đất thuần nông ngày trước.

PHẤN ĐẤU CHO MỤC TIÊU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI ĐẾN NĂM 2020

Trong các năm qua, Thạnh Lộc đạt nhiều kết quả trong việc thực hiện Nghị quyết về Tam nông (nông nghiệp, nông dân, nông thôn). Toàn xã có 2.384 ha đất tự nhiên, trong đó đất nông nghiệp 2.135 ha, trên 85% hộ dân sống bằng nghề nông. Được chọn thực hiện Chương trình xây dựng NTM đến năm 2020, Thạnh Lộc có thuận lợi lớn nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Hoàng, trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM, hiện xã đã đạt được 7 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2014 đạt thêm 2 tiêu chí mới là cơ sở vật chất văn hóa và chợ nông thôn. Đến năm 2015 đạt thêm 4 tiêu chí mới và giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành 19/19 tiêu chí về xây dựng NTM.

Xây dựng NTM sẽ tạo động lực cho Thạnh Lộc khai thác tốt các tiềm lực kinh tế. Trước tiên, giúp xã phát huy tốt lợi thế về tài nguyên mà lũ lụt mang lại đối với đời sống, tạo chuyển dịch cơ cấu theo hướng phá thế độc canh cây lúa, mở mang ngành nghề nông thôn... Đảng và nhân dân Thạnh Lộc coi trọng việc huy động cả hệ thống chính trị nỗ lực xây dựng NTM tại đây, trong đó phát huy vai trò của nhân dân sở tại được hưởng lợi.

Trên cơ sở đó tích cực vận động bà con góp công sức, góp vốn kiến thiết hạ tầng, xây dựng và nhân rộng những mô hình làm giàu nông thôn, nâng chất lượng hệ thống chính trị đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước... Xã xác định tổng nguồn vốn cần cho mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2020 lên đến trên 551 tỷ đồng, riêng giai đoạn 2012 - 2015 cần trên 292 tỷ đồng trong đó 47,97% vốn do nhân dân đóng góp, còn lại là vốn từ ngân sách cấp, vay tín dụng, doanh nghiệp...

Ngay trong năm 2012, Thạnh Lộc triển khai thi công hàng loạt công trình kiến thiết hạ tầng: giao thông, thủy lợi, phúc lợi xã hội trong chương trình xây dựng NTM đạt tiêu chuẩn. Đó là các công trình đường Nam kinh Hai Hạt dài gần 5 km, kinh phí 1,35 tỷ đồng; 2 cầu dân sinh: cầu kinh Lấp và kinh Hai Biện tổng kinh phí 900 triệu đồng; đang triển khai tuyến dân cư Tây kinh Chà Là chiều dài 6 km và cầu bắc ngang kinh Nguyễn Văn Tiếp; đồng thời phối hợp với ngành điện thi công nhiều công trình đường điện trung - hạ thế phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Ngoài ra, còn đưa vào sử dụng nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất như: kinh Mương Lộ, kinh ranh Tư Đạt giáp xã Phú Cường, kinh ranh giáp xã Mỹ Thành Nam.

Đến Thạnh Lộc trong những ngày đầu năm mới 2013 ai cũng vui mừng khi nhận ra một không khí lao động sản xuất hết sức khẩn trương, khi nhân dân tích cực chăm sóc 2.135 ha lúa vụ đông xuân 2012 - 2013 và xã đang hoàn thiện các tiêu chí để ra mắt xã văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để mọi tầng lớp nhân dân cùng chung tay xây dựng NTM trên địa bàn vì cơm no áo ấm cho mọi người, mọi nhà...

Cả một guồng máy xây dựng NTM ở Thạnh Lộc đang hoạt động ráo riết cho những mục tiêu mới hết sức thiết thực. Không chỉ dồn sức để đạt mục tiêu được công nhận xã NTM vào năm 2020 mà qua thực tiễn làm được, Thạnh Lộc còn giúp tỉnh đúc kết những bài học kinh nghiệm hay về xây dựng NTM tại những miền đất khó như vùng ngập lũ Đồng Tháp Mười.

MINH TRÍ

.
.
.