Thứ Sáu, 01/02/2013, 14:38 (GMT+7)
.

“Chạy sô” dịch vụ tết

Bước sang tháng Chạp, những thợ sửa kiểng như ông Dương Văn Lựu (ở ấp Mỹ Lương, xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) đã vào mùa “chạy sô” để đáp ứng nhu cầu trang trí sân vườn đón tết. Cùng với lợi nhuận từ kinh doanh cây kiểng, gần chục năm nay, ông Lựu còn có thêm khoản thu nhập không nhỏ khi nhận chăm sóc sân vườn của nhiều gia đình.

Ông Lựu cho hay: “Khi cuộc sống kinh tế ổn định, mọi người chú trọng hơn đến vấn đề nhà sạch, vườn đẹp, nên bố trí hàng rào cây xanh, cây kiểng trang trí, thiết kế tiểu cảnh sân vườn tùy khả năng tài chính và niềm đam mê. Vì vậy, dịp cận tết, họ “đặt hàng” thợ sửa kiểng chăm sóc để tạo khuôn viên sạch đẹp đón năm mới”.

Công việc của một thợ sửa kiểng như ông Lựu là tháo kẽm, vô phân, uốn sửa, cắt tỉa, tạo hình… để sửa soạn cây đẹp đón tết. Tiền công một ngày khoảng 200.000 đồng/người trong địa bàn huyện, đi ngoài huyện hoặc ngoài tỉnh giá cao hơn. Tuy nhiên, muốn sửa cây kiểng đúng bài bản và có giá trị nghệ thuật đòi hỏi người sửa phải có kiến thức phong phú và đôi tay khéo léo, được tôi luyện qua thực tế nhiều năm.

Ông Dương Văn Lựu đang chăm sóc sân vườn cho khách.
Ông Dương Văn Lựu đang chăm sóc sân vườn cho khách.

Năm hết tết đến, nhu cầu chuyển tải thông điệp tình thân qua các món quà tết đã “tiếp sức” cho dịch vụ giỏ quà tặng. Những ngày này trên địa bàn huyện Cai Lậy, các cửa hàng tạp hóa lớn, nhỏ đều bày bán giỏ quà gói sẵn với nhiều mẫu mã, chủng loại, giá cả để khách hàng lựa chọn và nhận gói quà theo yêu cầu.

Theo ông Lê Văn Thành, Cửa hàng Trưởng Cửa hàng bách hóa huyện Cai Lậy, hai tuần qua, dịch vụ giỏ quà tết đã khởi động theo nhu cầu mua sắm của khách hàng và đơn đặt hàng của các cơ quan, doanh nghiệp.

Một giỏ quà có giá từ 100 - 500 ngàn đồng với các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt, rượu… được xếp khéo léo trong chiếc giỏ tre với giấy kiếng, nơ trang trí. Gọn gàng nhưng vẫn thể hiện được tính trang trọng là yêu cầu chung của khách hàng bởi không chỉ có giá trị vật chất, giỏ quà tết còn tượng trưng cho tấm lòng, sự chu đáo của người tặng.

Ngoài cung cấp giỏ quà, cửa hàng còn nhận giao quà tận địa chỉ người nhận theo yêu cầu của khách.

Chọn một góc phố để làm nghề chùi lư, mấy ngày qua, anh Phan Ngọc Duyên (khu phố 3, thị trấn Cai Lậy) đã đánh bóng chục chiếc lư đồng cho khách. Đối với anh, đây là nghề tay trái kiếm thu nhập khá trong dịp tết, đồ nghề khá gọn, tiền vốn không đáng kể gồm: 1 mô - tưa, bố gắn quanh trục, bột phấn và cục lơ.

Tùy theo loại lư mà giá tiền công khác nhau, nhưng thường từ 100.000 - 300.000 đồng/bộ. Bộ lư đồng là vật không thể thiếu trên bàn thờ tổ tiên của mỗi gia đình và có giá trị cao nên thợ chùi lư phải tỉ mỉ trong từng thao tác để bộ lư sáng bóng, đáp ứng yêu cầu của khách.

Thông thường, anh Duyên phải mất từ 1 - 3 tiếng đồng hồ mới hoàn thành 1 bộ lư. Anh cho biết hơn mười năm nay, cứ đến rằm tháng Chạp là anh lại mang đồ nghề ra góc đường để đánh bóng những bộ lư đồng cho khách quen; xong dịp tết, anh trở về với công việc cũ. Khách mang lư đến đánh bóng nhiều nhất là từ 23 tháng Chạp đến 29 tết.

Chỉ làm việc trong thời gian ngắn nhưng những người chùi lư đồng như anh Duyên kiếm thêm khoản thu nhập không nhỏ để xài tết. Với đôi bàn tay khéo léo và cần mẫn trong công việc, họ  còn góp phần làm đẹp cho bộ lư hương - vật trang trọng nhất trên bàn thờ tổ tiên ở các gia đình trong ngày tết.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.