Kinh tế 2 tháng đầu năm 2013: Những tín hiệu khả quan
Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam |
Qua 2 tháng đầu tiên của năm 2013, dù có nhiều dự báo về khó khăn, thách thức song cũng không ít những hy vọng và sự quyết tâm đạt được thắng lợi. Nhờ đó, kết thúc 2 tháng đầu năm 2013, kinh tế trong nước tiếp tục có chuyển biến tích cực, những kết quả này dù mới chỉ là bước đầu song cũng đã để lại dấu ấn của những nỗ lực trong năm mới 2013.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong 2 tháng đầu năm 2013, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,8% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là chỉ số tồn kho trong ngành công nghiệp hiện vẫn còn cao. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-2-2013 tăng 19,9% so với cùng thời điểm năm trước.
Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng cao so với cùng thời điểm năm trước là: Sản xuất xe có động cơ tăng 142,5%; sản xuất dây, cáp điện tăng 64,1%; sản xuất các cấu kiện kim loại tăng 62%; sản xuất thiết bị truyền thông tăng 60,1%; sản xuất phân bón và hợp chất ni tơ tăng 58,1%; sản xuất bia tăng 49,4%; sản xuất thuốc lá tăng 49%; sản xuất mô tô, xe máy tăng 28,6%; may trang phục tăng 27%; sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn, bao bì từ giấy và bìa tăng 33,7%; sản xuất giày, dép tăng 31,9%; sản xuất đường tăng 28%; sản xuất hàng may sẵn (trừ trang phục) tăng 25,2%; sản xuất sắt, thép, gang tăng 24,6%...
Với thực tế này cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm công nghiệp vẫn rất thấp.
Mặt khác, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2-2013 tăng 1,32% so với tháng trước, đây là mức tăng thấp nhất so với tốc độ tăng của tháng 2 năm 2012, dù mức tăng không quá cao nhưng đây vẫn đang là thách thức.
Về tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hai tháng đầu năm 2013 ước tính đạt 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 3,6%.
Trong tổng mức hàng hoá bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, kinh doanh thương nghiệp đạt 328,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,7% và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn nhà hàng đạt 48,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% và tăng 13%; dịch vụ đạt 41,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% và tăng 14,5%; du lịch đạt 3,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,8% và giảm 4,4%...
Về thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến 20-2-2013, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cả nước đạt 630,3 triệu USD, bằng 38,1% cùng kỳ năm 2012, bao gồm: Vốn đăng ký của 99 dự án được cấp phép mới đạt 532 triệu USD (bằng 81,8% số dự án và bằng 46,1% số vốn cùng kỳ năm trước); vốn đăng ký bổ sung của 31 lượt dự án được cấp phép từ các năm trước với 98,3 triệu USD.
Trong hai tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 409 triệu USD, chiếm 64,9% tổng vốn đăng ký; ngành y tế và trợ giúp xã hội đạt 80 triệu USD, chiếm 12,7%; ngành kinh doanh bất động sản đạt 50,2 triệu USD, chiếm 8%; các ngành còn lại đạt 91,1 triệu USD, chiếm 14,4%.
Cả nước có 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới trong hai tháng, trong đó Đồng Nai có số vốn đăng ký lớn nhất với 208,3 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 117,6 triệu USD, chiếm 22,1%; Bình Dương 67,3 triệu USD, chiếm 12,7%; TP. Hồ Chí Minh 51,8 triệu USD, chiếm 9,7%.
Trong số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất với 228,3 triệu USD, chiếm 42,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Đài Loan 80,4 triệu USD, chiếm 15,1%; Thái Lan 54,3 triệu USD, chiếm 10,2%; Sin-ga-po 39,5 triệu USD, chiếm 7,4%...
Về kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài ra, với kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 17,3 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2012.
Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, xuất siêu cả nước ước đạt 1,68 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch hàng hoá xuất khẩu, trong đó xuất siêu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 2,96 tỷ USD và khu vực kinh tế trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu với gần 1,3 tỷ USD
Theo nhận định của các chuyên gia, phần lớn giá trị nhập khẩu là nguyên liệu, thiết bị để sản xuất hàng xuất khẩu, do đó cần thận trọng trong xuất siêu mà đặc biệt là xuất siêu dầu thô.
Nhận định chung của các chuyên gia kinh tế từ diễn biến của kinh tế 2 tháng qua cũng cho thấy, những chính sách mới của Chính phủ đã và đang phát huy hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Tuy nhiên, nợ xấu và sự đóng băng của thị trường bất động sản hiện vẫn đang là bài toán khó và các biện pháp kích cầu dường như mới chỉ đem lại hiệu quả phần nào. Do vậy, những khó khăn phía trước trong năm 2013 vẫn còn đỏi hỏi các cấp, ngành và nhân dân cả nước phải cùng đoàn kết, nỗ lực để vượt qua với những hy vọng tốt lành.
(Theo dangcongsan.vn)