Bao giờ trở lại thời “hoàng kim” của ngành cá tra?
Ngành cá tra từng có giai đoạn phát triển mạnh, người nuôi đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp phất lên nhanh chóng và đem lại hàng tỷ USD kim ngạch xuất khẩu cho đất nước. Thế nhưng sự tăng trưởng “thần kỳ” này chưa được bền vững và Nhà nước đã đưa ra nhiều giải pháp để đưa ngành cá tra trở lại thời “hoàng kim”.
THĂNG TRẦM CÁ TRA
Theo Tổng cục Thủy sản, chỉ trong 10 năm trở lại đây, diện tích nuôi cá tra cả nước đã tăng 5 lần (đạt 6.000 ha), sản lượng tăng 36 lần (đạt 1,35 triệu tấn), giá trị cá tra xuất khẩu tăng 45 lần (từ 40 triệu USD lên 1,74 tỷ USD), chiếm 34,4% tổng giá trị xuất khẩu ngành Thủy sản và đóng góp 2,2% GDP của cả nước.
Thị trường xuất khẩu cũng có sự bức phá ngoạn mục khi cá tra được hơn 140 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nhập khẩu so với chỉ một vài nước ở châu Á và Mỹ sau sự kiện cá tra bị điều tra chống bán phá giá tại thị trường Mỹ vào năm 2003.
Đến nay, cá tra Việt Nam vẫn là sản phẩm “độc tôn” trên thị trường thế giới mà không có bất cứ loài thủy sản nào khác có thể cạnh tranh được. Cá tra được đánh giá có chất lượng cao, cơ thịt dai, mùi vị thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và có thể chế biến nhiều loại thức ăn; năng suất cá tra có thể đạt tới 300-400 tấn/ha chỉ trong 7-8 tháng nuôi với các loại thức ăn có nguồn gốc chủ yếu từ thực vật nên giá thành sản xuất rẻ.
Chính vì vậy, vào thời điểm “hoàng kim” của ngành cá tra, nông dân nuôi cá lãi hàng tỷ đồng chỉ với mỗi hecta ao nuôi cá tra là chuyện bình thường. Giá xuất khẩu cá tra phi-lê khi đó cũng lên đến 3,2 USD/kg, thậm chí 4 USD/kg.
Một điểm nuôi cá tra ở xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè. |
Sau thời “hoàng kim”, thời gian gần đây, nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu luôn gặp nhiều khó khăn, trong đó vấn đề thiếu vốn, cạnh tranh không lành mạnh, chi phí đầu vào nuôi cá liên tục tăng là những khó khăn lớn nhất mà ngành cá tra phải đối mặt.
Báo cáo của ngành Nông nghiệp cho thấy, trong vòng 5 năm gần đây, giá thành nuôi cá tra đã tăng hơn 1,8 lần, hiện ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg; trong đó chi phí con giống tăng 1,59 lần, thuốc và hóa chất tăng 1,67 lần, thức ăn tăng 1,7 lần, lãi vay ngân hàng tăng 3,76 lần.
Đáng chú ý, ngành cá tra gặp khó khăn nhất kể từ quý II-2012 khi các ngân hàng bắt đầu siết chặt cho vay, hạn mức tín dụng giảm mạnh, bắt buộc doanh nghiệp cá tra, nhất là các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào vốn vay phải bán tháo hàng với giá thấp để nhanh chóng thu hồi vốn trả nợ ngân hàng. Số lượng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra năm 2012 đã giảm 40% so với năm trước, từ hơn 136 doanh nghiệp xuống còn hơn 60 doanh nghiệp.
Đối với hoạt động nuôi cá tra, do giá cá không ổn định, giá bán dưới giá thành sản xuất thời gian dài, cộng với tình trạng thiếu vốn sản xuất nên đã phải giảm sản lượng hoặc ngừng nuôi. Bên cạnh đó, giá xuất khẩu giảm đã kéo theo giá thu mua nguyên liệu cá tra trong nước giảm tương ứng, từ mức 27.000 đồng/kg trong những tháng đầu năm 2012 xuống 22.000 đồng/kg vào giữa năm và hiện nay chỉ còn 21.000 - 22.000 đồng/kg; trong khi giá thành sản xuất đã là 23.000-24.000 đồng/kg.
Năm 2012, ngành cá tra cũng thể hiện sự “hụt hơi” khi lần đầu tiên không đạt kế hoạch, với giá trị xuất khẩu năm 2012 chỉ đạt 1,74 tỷ USD, giảm 3,4% so với mục tiêu 1,8 tỷ USD đề ra hồi đầu năm, trong khi tất cả các chỉ tiêu diện tích, sản lượng đều vượt so với năm trước.
ĐỂ CÁ TRA TRỞ LẠI THỜI “HOÀNG KIM”
Bước sang năm 2013, châu Âu được dự báo vẫn là thị trường hàng đầu tiêu thụ cá tra Việt Nam cho dù khủng hoảng kinh tế sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng ở khu vực này. Cơ sở để đưa ra điều này là bởi thời gian gần đây, người tiêu dùng châu Âu đang có xu hướng mua các sản phẩm cá thịt trắng giá rẻ hơn, cộng với việc cá tra philê cũng được các siêu thị tại EU lựa chọn để kinh doanh do nguồn cung ổn định, chi phí giao nhận hàng thấp. Hơn nữa, nhiều thị trường khác cũng đang tăng cường nhập khẩu cá tra để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng trong nước.
Đến nay, cá tra Việt Nam vẫn là loài cá “độc tôn” cung cấp trên 90% nhu cầu tiêu thụ cá da trơn trên thế giới, đây là lợi thế cạnh tranh đặc biệt để sản phẩm cá tra nâng cao giá trị và ngành cá tra hoạt động hiệu quả trong những năm tới.
Bên cạnh đó, cuối năm 2012, ngành cá tra Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu có 10% sản lượng cá tra đạt chứng nhận ASC (chứng nhận của Hội đồng Nuôi trồng thủy sản bền vững) và đến nay đã có 13 doanh nghiệp cá đạt chứng nhận này; đồng thời phấn đấu đến năm 2015 có 100% sản lượng cá tra được cấp chứng nhận nuôi có trách nhiệm, trong đó 50% đạt chứng nhận ASC.
Trên cơ sở những nỗ lực và thành quả của phía Việt Nam về việc tổ chức nuôi cá tra theo hướng có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu đến môi trường, đến các nhân viên của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư xung quanh thông qua chứng nhận ASC, Quỹ bảo tồn động vật hoang dã thế giới (WWF) đã đưa cá tra vào “danh mục xanh” trong cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng ở châu Âu để khuyến khích người tiêu dùng khu vực này lựa chọn cá tra trong thực đơn hàng ngày.
Ngoài ra, chứng nhận ASC cũng giúp nâng cao giá trị cá tra xuất khẩu hơn 20 cent/kg (hơn 4.100 đồng/kg), góp phần nâng cao uy tín và giá trị cá tra trong thời gian tới.
Mặc dù ngành cá tra đã có một số dấu hiệu tích cực nhưng để ngành hàng “đặc hữu” này khởi sắc trong thời gian tới cần phải có giải pháp căn cơ để giải quyết những khó khăn còn tồn tại. Nhận thấy rõ điều này, ngay từ đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư 37/2012/TT-NHNN đồng ý kéo dài thời hạn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản được vay ngoại tệ, lãi suất thấp đến hết năm 2013. Bên cạnh đó, Nghị định về quản lý sản xuất và xuất khẩu cá tra sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới cùng với việc thành lập Hiệp hội cá tra Việt Nam.
Đây sẽ là động lực để cơ cấu, sắp xếp lại ngành hàng cá tra mang tính chuyên nghiệp hơn, cân bằng giữa sản xuất nguyên liệu và xuất khẩu, tạo điều kiện để ngành cá tra trở lại thời “hoàng kim”, phát triển ổn định, hiệu quả và bền vững.
THÀNH CÔNG