Thứ Tư, 06/02/2013, 05:31 (GMT+7)
.

Cái Bè: Du lịch làng nghề cần có cơ chế đầu tư phát triển

Năm 2003, huyện Cái Bè đã trình UBND tỉnh đề án phát triển du lịch làng nghề, nhằm gìn giữ các làng nghề truyền thống cũng như giới thiệu đến khách trong và ngoài nước nét đặc trưng của quê hương Cái Bè. Do gặp nhiều khó khăn nên đến nay đề án vẫn chưa thực hiện được.

Làng nghề bánh phồng ở Thị trấn Cái Bè. Ảnh Việt Ngân
Làng nghề bánh phồng ở thị trấn Cái Bè. Ảnh: Việt Ngân

Cái Bè hiện có 2 làng nghề chính thức được công nhận là làng nghề bánh phồng ở thị trấn Cái Bè và làng nghề bánh tráng ở xã Hậu Thành. Nếu trước đây làng nghề bánh phồng có hơn 500 hộ sản xuất, thì hiện tại chỉ còn gần 300 hộ, giảm gần 50%. Còn làng nghề bánh tráng Hậu Thành giảm gần 70%, từ hơn 300 hộ trực tiếp sản xuất đến nay còn chưa đầy 60 hộ ( trong đó có 30 hộ làm thời vụ).

Ông Lê Văn Năm, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Cái Bè cho biết: “Đề án xây dựng du lịch gắn với làng nghề do chưa có cơ chế, chính sách phù hợp nên chưa thực hiện được. Các làng nghề hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. 2 làng nghề của Cái Bè đang trong tình trạng dần dần bị mai một, sản phẩm của làng nghề chủ yếu làm bằng thủ công. Thu nhập của dân làng nghề trước đây thì khả quan, còn so với thời giá hiện nay thu nhập của làng nghề rất thấp, 1 hộ 3-4 người làm thu nhập chỉ trên dưới 200 ngàn đồng/ ngày. Vì thế mà người dân khó lòng bám trụ với nghề”.

Bên cạnh, còn có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các làng nghề đang dần mai một. Nguyên liệu làm bánh như khoai mì thì phải lệ thuộc vào các nơi khác giá thành lại cao; thị trường bị chi phối vì nhiều địa phương khác cũng có làng nghề bánh tráng, bánh phồng; thu nhập của người dân không cao….

Để phát triển du lịch làng nghề trong khi điều kiện về cơ sở hạ tầng dẫn vào làng nghề chưa được đầu tư đúng mức; môi trường của làng nghề chưa được cải thiện; người dân không còn “mặn mà” với nghề… thì khó mà thực hiện.

Ông Lê Văn Năm chia sẻ: “Chính vì không được “tiếp lửa” nên các làng nghề rơi vào tình trạng thua lỗ, hoạt động cầm chừng. Vì những nguyên nhân đó mà một năm trên 100 ngàn lượt khách đến Cái Bè nhưng chỉ đi tham quan các khu nhà cổ, resort…. còn đến tham quan các làng nghề thì không có”.

Đến với các làng nghề hiện nay, không khí tráng bánh, phơi bánh không còn nhộn nhịp như trước, những nơi mà trước đây đâu đâu cũng rộn ràng nghề tráng bánh, thì nay người dân chuyển sang buôn bán, dịch vụ. Những làn khói la đà bốc lên từ những lò tráng bánh đã bị đẩy lùi về một góc sâu trong xóm. Bên cạnh, do sản xuất chủ yếu bằng thủ công nên những hôm mưa, không có nắng phơi bánh thì người dân không thể tráng bánh.

Để vực dậy làng nghề cũng như để phát triển du lịch gắn với làng nghề thì cần phải có sự chung tay góp sức của cộng đồng. Ông Lê Văn Năm tâm huyết: “Nhất thiết là cần có sự đầu tư của Nhà nước về cơ sở hạ tầng; cải thiện môi trường, sân phơi phải rộng rãi, sạch sẽ; tạo điều kiện cho người dân như vốn sản xuất, đầu ra sản phẩm. Bên cạnh, cần kêu gọi khai thác đầu tư từ các doanh nghiệp lữ hành, để làng nghề truyền thống của quê hương không bị mai một theo thời gian”.

P. MAI

.
.
.