Thứ Ba, 26/02/2013, 06:02 (GMT+7)
.

Nâng cao chuỗi giá trị trái cây Đồng bằng sông Cửu Long

Cả nước hiện có khoảng 780.000 ha; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là 270.000 ha (chiếm 34,6%). Nhiều loại trái cây của vùng đã được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP như: Vú sữa Lò Rèn, xoài cát Hòa Lộc, khóm Tân Phước, thanh long Chợ Gạo, bưởi da xanh Bến Tre, quýt hồng Đồng Tháp… và đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc phát triển cây ăn quả vùng ĐBSCL còn nhiều khó khăn như: Diện tích chuyên canh chưa cao; chất lượng không đồng đều; điệp khúc “được mùa, mất giá” xảy ra thường xuyên; thị trường không ổn định… Chuỗi giá trị sản phẩm trái cây của vùng từ quá trình sản xuất đến người tiêu dùng qua rất nhiều khâu trung gian, giá trị gia tăng của các khâu không cao; sự hợp tác giữa các bên liên quan còn lỏng lẻo… 

Điệp khúc
Điệp khúc "được mùa, rớt giá" thường xảy ra đối với trái cây ĐBSCL.

Để góp phần giải quyết các vấn đề trên, Thường trực Ban Chỉ đạo về hội nhập kinh tế quốc tế tỉnh (Sở Công thương Tiền Giang) đã đề xuất và được Ban Chỉ đạo Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO hỗ trợ thực hiện Dự án Hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh ĐBSCL – mô hình thí điểm tại tỉnh Tiền Giang.

Mục đích của Dự án là nhằm hỗ trợ nâng cao thu nhập khu vực nông thôn tại ĐBSCL thông qua mô hình thí điểm phân tích chuỗi giá trị trái cây tại tỉnh Tiền Giang. Sau khi thực hiện thí điểm, mô hình về nâng cao chuỗi giá trị của sản phẩm trái cây có thể được nhân rộng tại Tiền Giang và các tỉnh ĐBSCL. Sau thời gian triển khai thực hiện, dự án chuẩn bị đi vào giai đoạn tổng kết , đánh giá hiệu quả đạt được.

Một trong những kết quả nghiên cứu ban đầu về chuỗi giá trị trái cây được  thực hiện là nghiên cứu trên cây thanh long của huyện Chợ Gạo. Theo kết quả nghiên cứu của Công ty T&C về hiệu quả sản xuất thanh long của nhà vườn huyện Chợ Gạo cho thấy, chi phí vụ thuận là khá thấp, chỉ khoảng 2.500-2.700 đồng/kg.

Tuy nhiên, chi phí vụ nghịch lại cao hơn rất nhiều so với vụ thuận (7.000-7.300 đồng/kg). Với mức chi phí và giá bán bình quân như năm 2011, trung bình mỗi năm nếu các nhà vườn chỉ xông đèn một lần sẽ có lợi nhuận bình quân khoảng 110 triệu/ha. Nhưng hiện nay phần lớn các hộ xông đèn hai lần nên lợi nhuận bình quân đạt khoảng 140-150 triệu đồng/ha.

Đây là một mức lợi nhuận khá cao. Nghiên cứu chi phí và lợi nhuận với kênh xuất khẩu sang Trung Quốc cho thấy, nếu tính trên một đơn vị xuất khẩu (1kg), lợi nhuận mà nhà vườn chiếm được là lớn nhất, chiếm khoảng 60%; tiếp theo là các nhà xuất khẩu với trên 20%.

Chuỗi giá trị trái thanh long vẫn còn nhiều
Chuỗi giá trị trái thanh long vẫn còn nhiều "nút thắt".

Cũng theo kết quả của nhóm nghiên cứu, có đến 80% sản lượng thanh long của Việt Nam được xuất khẩu. Thanh long hiện đang là mặt hàng mang lại kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tất cả các mặt hàng rau quả tươi của Việt Nam. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu thanh long số 1 trên thế giới. Trái thanh long Việt Nam đã có mặt ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có cả các thị trường được coi là khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, dù có sự phát triển mạnh về sản xuất trong những năm gần đây nhưng sự liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị trái thanh long chưa mạnh. Nhìn chung, sự gắn kết giữa công ty xuất khẩu và người sản xuất còn rất yếu. Các công ty xuất khẩu chưa xây dựng những vùng nguyên liệu cho mình mà chủ yếu thu mua thông qua trung gian.

Theo kết quả khảo sát, có 55% số nhà vườn có ký hợp đồng với thương lái và chủ vựa. Tuy nhiên, chủ yếu là hợp đồng miệng và có thời gian hiệu lực trong thời gian ngắn. Trước khi thanh long thu hoạch khoảng 5-7 ngày, thương lái đi qua và đàm phán giá cả sau đó đặt cọc tiền mua. Do tính pháp lý không chặt chẽ nên có nhiều khi nhà vườn tự phá vỡ hợp đồng và có nhiều khi người mua tự phá vỡ hợp đồng nhưng không có bên nào đứng ra giải quyết.

Gần đây với sự phát triển thanh long ở Chợ Gạo cũng có khá nhiều thương lái hơn, kể cả những thương lái ngoài tỉnh. Sự phát triển này cũng có tác động tích cực với nhà vườn có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, việc làm ăn với những thương lái mới có thể cũng sẽ mang lại những rủi ro hơn. Không ít hộ đã bị những thương lái nợ kéo dài.

Qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn về chuỗi giá trị trái thanh long, dự án đã đưa ra những kiến nghị cụ thể để phát triển trái cây của vùng ĐBSCL. Đối với Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; ưu tiên thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng trái cây.

Đồng thời chỉ đạo triển khai mạnh mẽ chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp để giúp doanh nghiệp và nông dân yên tâm trong việc đẩy mạnh sản xuất và thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; nghiên cứu phát triển các hình thức mua bán hiện đại như thị trường giao dịch, quyền mua, quyền bán,..  đối với một số loại nông sản nhằm giúp cho doanh nghiệp có điều kiện để chống rủi ro, biến động giá cả.

Đối với địa phương cần quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất trái cây chủ lực của tỉnh; chỉ đạo các sở, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalG.A.P; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết ngang chặt chẽ và hiệu quả; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất trái cây tập trung như điện, cầu, đường để tạo thuận lợi trong việc sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản hàng hóa...

PHƯƠNG ANH

.
.
.