Tân Phú Đông: Hiệu quả “kép” từ các nghiệp đoàn ngành nghề thủ công
Được xếp 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, Tân Phú Đông có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên 50%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo cao là do thiếu việc làm cho người lao động. Do đó, thời gian qua, huyện đã chú trọng khai thác một số ngành nghề thủ công, vừa để góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, vừa phát triển nghề truyền thống vốn có của địa phương như xe nhang, bó chổi que dừa, đan lát lục bình, ghế nhựa…
Ngoài hình thức sản xuất theo hộ gia đình, trên địa bàn huyện có 4 cơ sở sản xuất ngành nghề truyền thống tiểu, thủ công nghiệp quy mô vừa, giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.000 lao động. Để các cơ sở này hoạt động hiệu quả, các ngành, đoàn thể huyện đã phối hợp với chủ cơ sở tổ chức nhiều lớp dạy nghề, hỗ trợ vốn cho các cơ sở và người lao động mua sắm trang thiết bị và nguyên liệu sản xuất.
Đặc biệt là Liên đoàn Lao động huyện kết hợp với công đoàn cơ sở xã vận động thành lập tổ chức nghiệp đoàn tại 4 cơ sở sản xuất ngành nghề thủ công gồm 2 cơ sở Nghiệp đoàn đan lát, Nghiệp đoàn đan ghế nhựa xuất khẩu ấp Tân Hưng cùng ở xã Tân Thới và Nghiệp đoàn bó chổi ấp Giồng Keo ( xã Phú Thạnh) với tổng cộng gần 200 công đoàn viên.
Một lớp dạy nghề thủ công ở xã Tân Phú. |
Theo chị Phạm Thị Kim Lài, cán bộ Liên đoàn Lao động huyện, việc thành lập nghiệp đoàn trong các cơ sở nghề thủ công nhằm vận động tập hợp người lao động tham gia tổ chức để chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính người lao động. Qua 3 năm hình thành và phát triển, hầu hết các nghiệp đoàn đều hoạt động đúng mục đích, tôn chỉ và thật sự là chỗ dựa của công đoàn viên.
Bà Tô Thị Mến, Chủ tịch Nghiệp đoàn và cũng là chủ cơ sở đan ghế nhựa xuất khẩu ấp Tân Hưng (Tân Thới) cho biết, từ khi thành lập nghiệp đoàn đến nay, hoạt động sản xuất của cơ sở ngày càng ổn định hơn. Bởi, khi được chăm lo, bảo vệ quyền lợi, người lao động an tâm, gắn bó với cơ sở và phát huy tay nghề, từ đó chất lượng sản phẩm cũng ngày càng cao hơn.
Thông qua nghiệp đoàn, các công đoàn viên còn được hỗ trợ vốn để khắc phục khó khăn trong sản xuất và đời sống. Tại ấp giồng Keo, xã Phú Thạnh, Trung tâm Khuyến công tỉnh đã hỗ trợ 95 triệu đồng cho công đoàn viên và người lao động mua nguyên liệu sản xuất.
“Trong những ngày trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, cơ sở sản xuất khá ổn định. Giá mặt hàng chổi que dừa tăng cao, từ 12.000-17.000 đồng/cây, rất dễ tiêu thụ nên công đoàn viên và người lao động thu nhập khá, có điều kiện tổ chức vui xuân đón tết đầy đủ, ấm cúng hơn”- anh Lê Văn Tới, Chủ tịch Nghiệp đoàn cũng là chủ cơ sở bó chổi ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh cho biết.
Thông qua nguồn quỹ của nghiệp đoàn và tiền trích từ lãi suất của cơ sở, những công đoàn viên ốm đau, sinh đẻ … đều được thăm hỏi, tặng quà. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Nghiệp đoàn đan ghế nhựa xuất khẩu ấp Tân Hưng đã tặng 80 phần quà cho các công đoàn viên và người lao động nhằm động viên, chia sẻ niềm vui với mọi người khi Tết đến, xuân về.
Riêng Nghiệp đoàn đan lát xã Tân Thới (cơ sở 1), từ ngày thành lập đến nay, năm nào cũng tổ chức cho các công đoàn viên tham quan du lịch danh lam thắng cảnh ngoài tỉnh và thường xuyên tham gia các hội thi, hội diễn do Liên đoàn Lao động huyện tổ chức.
Mức thu nhập bình quân đầu người tại các cơ sở sản xuất nghề thủ công trên địa bàn huyện từ 1,5 - 2 triệu đồng/tháng. Kết hợp việc chi trả tiền lương, hàng tháng, các nghiệp đoàn còn lồng ghép nội dung sinh hoạt, tuyên truyền các cuộc vận động lớn như “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, vận động phong trào “Toàn dân Bảo vệ an ninh Tổ quốc” thu hút đông đảo công đoàn viên và người lao động tham gia.
Đánh giá về hoạt động của các nghiệp đoàn, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động huyện, cho biết các nghiệp đoàn ngành nghề thủ công thật sự là cầu nối quan trọng để đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân nông thôn.
Phần lớn các nội dung phong trào trong công nhân, viên chức và người lao động ở các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện cũng đều được triển khai sâu rộng đến các nghiệp đoàn. Chỉ tính trong năm 2012, Liên đoàn Lao động huyện đã phối hợp với công đoàn cơ sở xã tổ chức 51 cuộc tuyên truyền với gần 3.000 lượt công đoàn viên và người lao động ở các nghiệp đoàn tham dự.
Trong đó, có nội dung tuyên truyền thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới tại xã điểm Tân Thới đã được đông đảo công đoàn viên và người lao động nhiệt tình hưởng ứng, tích cực tham gia hiến đất, cây cối, hoa màu và ngày công lao động để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với nhiều phong trào hành động cách mạng khác ở địa phương.
Hoạt động của các nghiệp đoàn ngành nghề thủ công trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả “kép”, không những tạo công ăn việc làm mà còn tăng thu nhập cho người lao động.
HỮU DƯ