Tân Phước: Hiệu quả tích cực từ việc chuyển đổi nghề khai thác hải sản
Ấp 4 (Tân Phước, Gò Công Đông) từ lâu đã trở thành một làng nghề khai thác hải sản theo kiểu cha truyền con nối, đặc biệt là nghề lưới rê khai thác xa bờ. Khởi điểm từ nghề lưới rê ven bờ khai thác ở các cửa sông, cửa biển từ Tiền Giang đến tận Cà Mau, qua thời gian ngư, lưới cụ và các trang bị khai thác cũng được cải tiến và nâng cấp dần.
Hoạt động khai thác cũng ngày càng vươn ra khơi xa, hiện nay ngư trường của nghề lưới rê mà ngư dân xã Tân Phước khai thác chủ yếu là vùng Gò Nổi ngoài khơi, vùng nhà giàn DK1, khu vực quanh quần đảo Trường Sa và vùng biển tiếp giáp với Malaysia.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nghề mới cho ngư dân xã Tân Phước. |
Trước thực trạng nguồn lợi hải sản ngày càng suy giảm, trong khi đó giá nguyên, nhiên liệu đầu vào phục vụ khai thác ngày càng gia tăng nên hiệu quả khai thác của các tàu ngày càng tụt giảm, nhất là các tàu hành nghề lưới rê xa bờ (lưới cá đỏ) ở địa phương, có thời điểm các tàu phải nằm bờ (không đi khai thác) trong thời gian dài do thua lỗ nặng.
Trước tình hình đó, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã vận động ngư dân mạnh dạn chuyển đổi nghề khai thác từ nghề lưới cá đỏ truyền thống sang các nghề lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp (lưới rê xù) mang lại hiệu quả cao hơn.
Mô hình chuyển đổi nghề đầu tiên được thực hiện vào năm 2011 ở 2 hộ: Nguyễn Thị Dưa và Nguyễn Thanh Nguyên cùng ngụ ấp 4, xã Tân Phước. Chuyển đổi từ nghề lưới cá đỏ kém hiệu quả sang nghề lưới rê cá dưa (mỗi hộ trang bị 1 vàng lưới rê cá dưa để khai thác thay thế lưới cá đỏ).
Qua kết quả khai thác cho thấy: Bình quân mỗi mẻ lưới khai thác đạt từ 450 - 500kg, với những loại cá có giá trị như cá dưa (còn gọi là cá lạc), cá đỏ, cá thiều, cá mú, cá hồng, cá kẽm, cá gáy… cỡ cá từ 2 - 8kg/con, giá bình quân 40.000đồng/kg. So sánh với nghề lưới cá đỏ truyền thống thì sản lượng khai thác cao hơn từ 2 - 2,5lần/mẻ lưới và lợi nhuận tăng 200% trên một chuyến biển.
Cụ thể như ở tàu TG 92447TS của hộ Nguyễn Thị Dưa, khai thác từ ngày 6-7-2011 đến ngày 8-11-2011 với tổng chi phí 750 triệu đồng, khai thác được 50 tấn hải sản thu về 2 tỷ đồng và lợi nhuận hơn 1,2 tỷ đồng. Hay như ở tàu TG93639TS của hộ Nguyễn Thanh Nguyên khai thác từ ngày 9-9-2011 đến ngày 20-11-2011 với tổng chi phí 300 triệu đồng, khai thác được 15 tấn hải sản thu về 600 triệu đồng và lợi nhuận là 300 triệu đồng.
Đến cuối năm 2012, hai hộ này cũng đã chuyển thêm được 2 tàu lưới cá đỏ khác của mình sang nghề lưới cá dưa để nâng cao hiệu quả khai thác.
Tàu khai thác hải sản của ngư dân xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông. |
Mô hình chuyển đổi nghề thứ hai được thực hiện trong năm 2012 ở 2 hộ: Nguyễn Văn Dũng ở ấp 4, xã Tân Phước và hộ Nguyễn Hồng Khánh ở xã Tân Tây cùng thuộc huyện Gò Công Đông. Chuyển đổi từ nghề lưới cá đỏ kém hiệu quả sang nghề lưới rê hỗn hợp (mỗi hộ trang bị 1 vàng lưới rê hỗn hợp để khai thác thay thế lưới cá đỏ).
Qua kết quả khai thác ở những chuyến biển đầu tiên cho thấy sản lượng tăng hơn 50%/mẻ so với nghề lưới cá đỏ truyền thống và hiệu quả khác tăng khoảng 45% so với khi tàu còn hành nghề lưới cá đỏ. Bình quân mỗi mẻ lưới đạt khoảng 400kg, đối tượng khai thác chủ yếu là các loại cá có giá trị kinh tế cao như: Cá đuối, cá nhám, cá thu, cá đỏ, cá đổng, cá kẽm, cá gáy, cá nanh phèn, cá lạc, cá mú, cá bò, cá thiều… cỡ cá đa phần từ 5-7kg/con, giá bán bình quân 50.000đồng/kg.
Việc chuyển đổi từ nghề lưới cá đỏ sang nghề lưới rê hỗn hợp ở địa phương cũng mang lại hiệu quả khá cao, cụ thể như: ở tàu TG92990TS của ông Nguyễn Hồng Khánh, khai thác từ ngày 1-7-2012 đến ngày 1-10-2012 với tổng chi phí là 530 triệu đồng, khai thác được 28.740kg thu về 1,437 tỷ đồng và thu lãi 907 triệu đồng. Hay ở tàu TG90828TS của ông Nguyễn Văn Dũng, khai thác từ ngày 5-9-2012 đến ngày 7-12-2012 với tổng chi phí 300 triệu đồng, khai thác được 23.860kg, thu về 1,184 tỷ đồng và thu lãi 884 triệu đồng.
Từ những hiệu quả mang lại như trên đến cuối năm 2012, mô hình chuyển đổi nghề khai thác ở xã Tân Phước đã nhân rộng được trên 10 tàu, khai thác đều mang lại hiệu quả. Khi trao đổi với các hộ chuyển đổi nghề, mọi người đều phấn khởi cho biết: Nhờ Nhà nước giúp chuyển đổi nghề đúng hướng nên việc làm của chúng tôi đạt hiệu quả khá.
Ngoài ra, Nhà nước còn quan tâm hỗ trợ chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, cộng với việc hỗ trợ dầu cho khai thác ở vùng nhà giàn DK1, vùng Trường Sa đã góp phần đảm bảo hiệu quả khai thác giúp chúng tôi an tâm hơn.
Thực tế cho thấy lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp khác với lưới cá đỏ ở chỗ thứ nhất: Cỉ lưới được kết từ nhiều sợi mãnh nên có độ nhạy cao, chắc chắn sẽ bắt được nhiều cá hơn so với lưới cá đỏ có chỉ lưới là 1 sợi cước đơn; thứ hai: Kích thước mắt lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp lớn hơn kích thước của mắt lưới rê cá đỏ nên tỷ lệ cá lớn bắt được sẽ nhiều hơn, nhờ vậy sản phẩm bán cao giá hơn, góp phần nâng cao hiệu quả khai thác của tàu.
Ngư dân xã Tân Phước (Gò Công Đông) bán sản phẩm tại Cảng cá Vàm Láng. |
Rõ ràng việc chuyển đổi nghề khai thác hải sản ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực cho ngư dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn một số khó khăn: Chi phí đầu tư mới vàng lưới để chuyển đổi nghề khá lớn trong khi nguồn vốn của ngư dân có hạn nên không phải ai cũng chuyển đổi được; các nghề lưới rê của ngư dân địa phương chủ yếu khai thác ở các vùng khơi xa, ngư trường mới, vùng Gò Nổi, rạn đá và các vùng biển chồng lấn nên việc tranh chấp ngư trường với các tàu nước bạn là khó tránh khỏi, từ đó cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý khai thác của ngư dân.
Trước những khó khăn trên, thiết nghĩ Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân khai thác xa bờ, ai cũng có điều kiện thuận lợi để chuyển đổi nghề khi cần thiết nhằm duy trì và đảm bảo hiệu quả khai thác của ngư dân.
Bên cạnh đó cần sớm thay đổi cơ cấu nghề cá nước ta từ nghề cá “nhân dân” chuyển dần sang nghề cá “quân dân kết hợp”. Một tàu Hải quân kết hợp với từ 15 – 20 tàu ngư dân. Một tàu Hải quân vừa thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên biển vừa có thể tiến hành khai thác hải sản hoặc làm tàu mẹ chuyên cung ứng nguyên liệu, vật tư và thu mua, chế biến sản phẩm cho từ 15 – 20 tàu con (tàu vệ tinh) của ngư dân cùng khai thác ở một khu vực gần nhau. Tàu mẹ và các tàu con thường xuyên liên lạc với nhau để kịp thời hỗ trợ lẫn nhau khi có sự cố xảy ra hoặc khi có những vấn đề cần thiết, khẩn cấp.
Hy vọng rằng khi những giải pháp trên được thực hiện sẽ là động lực thúc đẩy các nghề khai thác hải sản xa bờ tiếp tục phát triển, vừa giúp ngư dân an tâm khai thác (nhất là khai thác ở những vùng chồng lấn) vừa góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải nước ta.
Th.s HUỲNH VĂN THẢO