Thứ Sáu, 01/03/2013, 08:09 (GMT+7)
.

Tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo và thủy sản

“Thị trường biến động, xuất khẩu gặp nhiều thách thức, đòi hỏi nắm bắt đúng diễn biến, có giải pháp kịp thời, phù hợp để đạt thắng lợi cao nhất trong lĩnh vực lúa gạo và thủy sản, đảm bảo lợi ích cho nông dân” - đó là trọng tâm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải tại Hội thảo về sản xuất, tiêu thụ lúa và thủy sản vùng Đồng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 27-2 tại tỉnh Đồng Tháp.

LÚA GẠO KHỞI SẮC

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, vụ đông xuân 2012-2013, các tỉnh ĐBSCL gieo sạ 1,53 triệu ha lúa, giảm 46 ngàn ha so với năm trước, năng suất dự kiến 69,1 tạ/ha, sản lượng ước đạt 10,6 triệu tấn, giảm 230 ngàn tấn so với năm 2012. Tính đến nay, diện tích lúa đã thu hoạch 700 ngàn ha, sản lượng đạt 4,7 triệu tấn lúa.

“Thực hiện Quyết định 311/QĐ-TTg ngày 7-2-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ đông xuân 2012-2013 tại các tỉnh ĐBSCL, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã phân công cho các thương nhân có kho chứa lúa gạo trực tiếp mua tạm trữ.

Đến nay có 119 đơn vị được phân bổ chỉ tiêu, trong đó thành viên của Hiệp hội Lương thực là 97, số còn lại của thương nhân được xét dựa trên 3 tiêu chí: có tài chính lành mạnh và có xác nhận quyết toán thuế; có kho lúa gạo tạm trữ trực tiếp sở hữu và đúng quy chuẩn; có khả năng tiêu thụ gạo tạm trữ” - ông Tám cho biết.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo tại hội nghị.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, từ ngày 20-2 đến nay đã có 102/119 doanh nghiệp báo cáo thu mua tạm trữ 211.844 tấn, bằng 21% chỉ tiêu giao. Sau khi triển khai thu mua tạm trữ, hiện giá lúa trên thị trường đã tăng nhẹ so với đầu vụ, giá bình quân lúa tươi ngoài đồng tăng từ 150 - 200 đồng/kg, đạt 4.400 đồng/kg đối với lúa thường, 4.600 - 5.300 đồng/kg đối với lúa chất lượng cao và lúa thơm.

Theo ông Phong, giá thu mua lúa tạm trữ hiện nay cũng như thu mua xuất khẩu được đánh giá là phù hợp với giá thị trường quốc tế. Bởi giá lúa gạo Việt Nam tăng nữa thì đụng giá của các nước có lượng gạo lớn như: Ấn Độ, Pakistan và Myanmar nên rất khó bán. Với mức tồn kho chờ xuất khẩu của doanh nghiệp hiện khoảng 1,24 triệu tấn và các dự báo cân đối cung - cầu trong nước và thị trường gạo thế giới, đến giữa năm 2013, Việt Nam có khả năng xuất khẩu 3,5 triệu tấn gạo, giữ mức tồn kho 800 ngàn - 1 triệu tấn gạo và đảm bảo giá cân bằng hoặc tăng cho nông dân so với thời điểm hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng cho rằng chủ trương mua lúa tạm trữ của Chính phủ đã kích được giá, tăng thu nhập cho nông dân. Năm 2013, xuất khẩu gạo của nước ta chịu nhiều sức ép nhưng số lượng đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo đầu năm rất khả quan, với mức hơn 2,8 triệu tấn, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012. Do đó, tạm trữ sẽ giúp chủ động trong điều hành sản lượng tiêu thụ gạo trong năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, có 12 Ngân hàng thương mại cho các thương nhân tham gia mua tạm trữ vay với lãi suất tối đa 11%/năm. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp thu mua lúa gạo đến đầu năm nay đạt 17.013 tỷ đồng, tăng 4,56% so với đầu năm rước. Sắp tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân đối nguồn vốn; đồng thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng, tập trung cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lãnh đạo một số tỉnh, thành ĐBSCL cho biết, bên cạnh những thuận lợi còn có những vướng mắc trong triển khai mua tạm trữ lúa gạo như thủ tục vay vốn phức tạp và giải ngân chậm nên nhiều thương nhân không thu mua kịp thời, một số thương nhân chưa vay được vốn do ngân hàng yêu cầu thế chấp tài sản thay vì lúa gạo mua tạm trữ.

Còn theo các doanh nghiệp, lượng lúa thu mua chiếm tỷ trọng lớn là giống IR 50404, có khả năng gây khó khăn cho xuất khẩu do chất lượng thấp, trong khi các loại gạo hạt dài có nhu cầu nhưng sản lượng lại ít. Nhiều đại biểu cũng tỏ ý kiến lo ngại về tình hình thị trường quốc tế và xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2013 tiếp tục khó khăn do sức ép cạnh tranh từ Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan, trong khi một số thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia lại giảm nhập khẩu.

THỦY SẢN GẶP KHÓ KHĂN

Năm 2012, Việt Nam xuất khẩu tôm sang 92 thị trường, với tổng giá trị 2,237 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm 2011. “Khó khăn hiện nay của tôm nước lợ, ngoài vốn cho sản xuất, chế biến, tiêu thụ là dịch bệnh và thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các rào cản kỹ thuật”- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết.

Riêng mặt hàng cá tra trong năm 2012 cũng gặp rất nhiều khó khăn. Từ cuối tháng 3 trở lại đây, giá cá tra liên tục giảm (có lúc còn 18.000 đồng/kg) trong khi đó giá thức ăn thủy sản đã tăng thêm từ 700-1.200 đồng/kg, người nuôi tiếp tục chịu lỗ  từ 2.000-5.000 đồng/kg.

Trong năm 2013, Bộ NN&PTNT chủ trương không tăng sản lượng và mở rộng diện tích so với năm 2012 nhưng tùy theo tín hiệu thị trường mở rộng quy mô cho hợp lý để tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững.

Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh thu mua lúa tạm trữ.
Chính phủ yêu cầu các địa phương phải đẩy mạnh thu mua lúa tạm trữ.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Quốc Khánh, năm 2013 sức tiêu thụ cá tra, tôm tại nhiều thị trường trên thế giới vẫn còn giảm và bị ảnh hưởng bởi các rào cản kỹ thuật từ các thị trường. Riêng mặt hàng tôm phải đối mặt với vụ kiện chống trợ cấp của Liên minh ngành khai thác tôm Mỹ.

Tuy nhiên, cũng có những đánh giá lạc quan rằng, tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2013 sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng hoặc đạt mức ngang bằng so với năm trước nếu kịp thời khắc phục khó khăn, tổ chức lại sản xuất và tiêu thụ sản phẩm một cách phù hợp.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Việt Nam Dương Đình Hòe, xuất khẩu thủy sản năm 2013 có thể theo 3 kịch bản là: Trong trường hợp không thuận lợi, thì xuất khẩu thủy sản trong năm nay chỉ đạt kim ngạch 5,6 tỷ USD, giảm khoảng 8,7% so với năm 2012. Trường hợp thuận lợi thì kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 6,4 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm trước. Tuy nhiên, trường hợp khả thi nhất là xuất khẩu thủy sản trong năm nay đạt 6,15 tỷ USD, xấp xỉ năm 2012.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá, vụ lúa đông xuân là vụ mùa quan trọng nhất trong năm, đang diễn ra với nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen. Những kết quả khởi động của việc thu mua tạm trữ là khá tích cực. Thời gian tới, công tác tạm trữ thực hiện đúng mục tiêu sẽ quyết định quan trọng tới bài toán chỉ đạo, điều hành, cũng như kết quả sản xuất, tiêu thụ lúa cả niên vụ 2013.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đề nghị các cơ quan tham mưu cần rút kinh nghiệm, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để công tác tạm trữ triển khai đúng tiến độ, đúng mục tiêu; trong đó có việc xem xét đẩy sớm thời gian bắt đầu tạm trữ, số lượng, giá sàn thu mua phù hợp, tranh thủ thời tiết thuận lợi đẩy mạnh thu hoạch, thu mua, khẩn trương tiến hành hỗ trợ sớm đầu tư, cơ giới hóa nông nghiệp, nhất là thiết bị gặt đập, sấy lúa đang thiếu ở một số nơi thu hoạch rộ.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo tạo điều kiện thông thoáng, giải ngân thuận lợi cho thương nhân thực hiện thu mua lúa, gạo tạm trữ đúng chủ trương. Về lâu dài, triển khai nhân rộng mô hình liên kết “4 nhà”, cánh đồng mẫu lớn… hỗ trợ công tác tạm trữ hiệu quả hơn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ NN&PTNT, chính quyền các địa phương hỗ trợ và kiểm tra, đôn đốc các thương nhân đẩy nhanh tiến độ thu mua tạm trữ theo kế hoạch, thực hiện tăng cường giống lúa chất lượng cao, hạn chế tối đa gieo sạ giống lúa giá trị thấp như IR50404 trong vụ hè thu tới. Bộ Tài chính ban hành chính sách để doanh nghiệp thực hiện tạm trữ thuận lợi hơn trong thanh quyết toán.

SĨ NGUYÊN

.
.
.