Các huyện phía Đông dồn sức cứu lúa
Mặn xuất hiện sớm; mực nước kinh nội đồng trong vùng ngọt hóa Gò Công xuống thấp hơn so với nhiều năm, nhiều tuyến kinh đã cạn sát đáy; các ngành, các cấp đã và đang nỗ lực cứu lúa.
Mực nước trên một kinh cấp 2 ở xã Bình Nhì (Gò Công Tây) ở mức thấp. |
Những ngày cuối tháng 2 và đầu tháng 3, nước trong các tuyến kinh trục giảm trung bình từ 10-13 cm/ngày. Mực nước đo được ngày 5-3 trên kinh trục chính dao động từ -0,13 đến -0,07 m. Ngày 8-3, mức nước tại các tuyến kinh lớn được cải thiện hơn sau khi cống Xuân Hòa mở lấy nước vào đêm 7 và sáng ngày 8-3 (sau đó đóng lại).
Tuy nhiên, các kinh nội đồng, các kinh xa kinh trục vẫn cạn khô hoặc mực nước rất thấp. Anh Nguyễn Chí Trung, xã Bình Phục Nhứt (Chợ Gạo) cho biết, tuyến kinh dọc huyện lộ vào UBND xã hụt nước hơn một tuần qua. Để cứu lúa, xã tổ chức bơm chuyền từ kinh Tham Thu vào kinh này để người dân bơm nước lên ruộng.
“Sau khi cống Xuân Hòa mở lấy nước vào đêm 7-3, mực nước kinh có cao hơn. Với tình hình nắng gắt, cộng với việc nhiều người tranh thủ bơm trữ nước cho lúa, chắc vài ngày nữa nước kinh sả xuống trở lại”- anh Trung nói.
Tại xã Bình Nhì (Gò Công Tây), sau 1 tuần hụt nước, xã phải tổ chức bơm chuyền; đến ngày 8-3, 4 tuyến kinh cấp 2 đã có nước trở lại. Tuy nhiên, mực nước vẫn rất thấp. Dọc kinh 4, hàng chục máy bơm đặt sát lòng kinh, tiếng máy nổ vang cả một vùng.
Anh Lưu Văn Tuấn, ấp Bình Hòa Long (Bình Nhì, Gò Công Tây) cho biết, chưa có năm nào nước kinh thấp như năm nay. Năm rồi, thu hoạch xong, nước kinh vẫn còn rất cao. Năm nay, nhiều trà lúa còn xanh mà nước kinh đã cạn. Dù xã tổ chức bơm chuyền ở đầu kinh nhưng vẫn không đủ cấp cho mấy chục ha lúa đang cần nước ở khu vực này.
“Gần cả tuần qua, 1 ha lúa đang làm đòng của tôi không có một tí nước chân. Lúa xuống sắc thấy rõ, tôi tưởng đã “buông tay” rồi. May mà hôm nay nước vào kinh, tôi đã tranh thủ bơm, vét được một số. Bây giờ, tôi có thể tiếp tục hy vọng”- anh Tuấn giải bày.
Càng đi về phía Bắc, nước kinh càng thấp dần, nhiều đoạn không còn nước. Những tuyến kinh nối với tuyến kinh cấp 2 vẫn trơ đáy. Để tranh thủ lấy nước cho lúa, anh Nguyễn Văn Đang, cùng ấp, đã thuê 2 máy bơm nước từ kinh 4 vào kinh nội đồng dài khoảng 500 m, rồi từ đó bơm vào ruộng.
“8 công lúa của tôi đã trên 80 ngày tuổi. Từ nay đến thu hoạch còn từ 1-2 đợt bơm nữa. Không biết vài ngày tới, kinh còn nước để bơm hay không? Hiện nay, trà lúa của tôi đã cứng hạt nên chắc không bị ảnh hưởng nhiều. Căng thẳng nhất là những diện tích phía cuối kinh chỉ mới ở giai đoạn làm đòng, ngậm sữa không biết rồi sẽ ra sao?”- anh Đang bày tỏ.
Anh Nguyễn Văn Đang, ấp Bình Hòa Long (Bình Nhì, Gò Công Tây) dùng 2 máy để bơm vào kinh nhỏ, rồi từ đó bơm vào lúa. |
Anh Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nhì, cho biết mực nước kinh mùa khô năm 2013 thấp nhất trong những năm trở lại đây. Trên địa bàn xã có 4 tuyến kinh cấp 2 bị cạn nước. Hơn 1 tuần qua, xã phải tổ chức bơm chuyền từ kinh Tham Thu vào các kinh này để tạo nguồn cho người dân bơm vào ruộng (hoặc bơm chuyền vào kinh cấp 3 rồi bơm vào ruộng).
“Từ ngày 3-3 đến nay, xã đã tổ chức bơm chuyền 300 giờ, phục vụ cho trên 230 ha lúa. Hiện nay, mức nước kinh đã được nâng lên hơn trước, tình trạng thiếu nước ở các tuyến kinh trên đã được cải thiện phần nào. Hiện xã còn 55 ha lúa cần nước. Dự kiến, những diện tích này sẽ cắt nước vào ngày 15 tới”- anh Thanh nói.
Nằm cuối nguồn ngọt hóa, chất lượng nước ở các kinh nội đồng trên địa bàn Gò Công Đông thường không tốt, thường xuyên khó khăn về nước. Mùa khô năm nay, tình hình nước phục vụ sản xuất ở huyện càng khó khăn hơn. Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết đầu tháng 3, huyện triển khai bơm chuyền cho 10 xã với diện tích 500 ha. Đến ngày 5-3, huyện còn trên 200 ha phải tổ chức bơm chuyền 2 cấp. Các trà lúa này còn từ 1-2 lần bơm nữa sẽ cắt nước.
“Nhiều diện tích lúa đông xuân năm nay phải bơm chuyền do mực nước kinh trong vùng dự án xuống quá thấp, một số kinh bị bồi lắng. Hiện tại, số diện tích lúa còn sử dụng nước ở huyện không nhiều nên nước đang có xu hướng chảy ngược về phía huyện Gò Công Tây”- bà Tỏ nói.
Theo khảo sát, đến ngày 5-3, huyện Gò Công Tây còn 1.100 ha lúa cần nước và phải bơm chuyền. Thị xã Gò Công còn trên 270 ha bơm chuyền. Những ngày qua, diện tích cần nước phải bơm chuyền ở Gò Công Tây giảm xuống còn 570 ha. Tại Chợ Gạo, ngày 7-3, lãnh đạo huyện này cho biết, huyện có khoảng 200 ha bơm chuyền.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến giữa tuần qua, toàn tỉnh có 1.700 ha lúa cần nước và phải bơm chuyền. Theo đánh giá của ngành, dù nước trong kinh nội đồng và các kinh trục chính xuống thấp nhưng do địa phương, nhân dân chủ động bơm nên không có diện tích bị thiệt hại do hạn, mặn.
Cuối tuần qua, cống Xuân Hòa đã tranh thủ lấy được con nước vào ban đêm, giúp cải thiện phần nào mực nước kinh trong vùng dự án. Hiện nay, các trà lúa đang vào cao điểm thu hoạch, diện tích lúa còn cần nước, bơm chuyền đang giảm rất nhanh. Dự kiến, sau ngày 15-3, diện tích còn sử dụng nước khoảng 550 ha.
Trước diễn biến mực nước kinh nội đồng xuống thấp, các huyện phía Đông đã tổ chức bơm chuyền; vận động người dân bơm, tổ chức bơm chuyền để đảm bảo an toàn cho các diện tích lúa ở xa kinh. Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão phối hợp với Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh và Công ty TNHH 1 TV Khai thác Công trình Thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến hạn, mặn.
Tranh thủ đợt giảm mặn trên sông, đơn vị chức năng tiến hành mở cống Xuân Hòa để lấy và tạo nguồn cấp nước, tăng khả năng phục vụ cho những diện tích lúa còn lại trong vùng. Sở cũng đã chỉ đạo và phối hợp với các ngành, các cấp phát động nhân dân cùng chính quyền địa phương ra quân giải tỏa chướng ngại vật, nạo vét kinh, tổ chức bơm chuyền 2 cấp khi nước kinh nội đồng xuống thấp và bơm trữ nước trên ruộng, kinh, ao đầm…
N.VĂN