Cái Bè: Phát huy tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển toàn diện
Cái Bè được mệnh danh là “vương quốc trái cây” với nhiều loại cây ăn trái đặc sản có thương hiệu như xoài cát Hòa Lộc, bưởi lông Cổ Cò, cam sành… để phát huy thế mạnh gắn với đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn trong thời gian qua, huyện tập trung đầu tư khép kín đê bao kiểm soát lũ, hỗ trợ vốn, giống, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, tập huấn chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất, xây dựng thủy lợi, trạm bơm.
Các ngôi trường xuống cấp dần dần đã được thay thế bằng những ngôi trường mới khang trang. |
Nhờ đầu tư đúng hướng, có trọng điểm nên hiệu quả sản xuất nông nghiệp được nâng lên. Chủ tịch UBND huyện Cái Bè Nguyễn Quốc Thanh phấn khởi: Nhờ làm tốt công tác xây dựng ô đê bao chống lũ nên kinh tế vườn phát triển mạnh ở các xã phía Bắc Quốc lộ IA. Toàn huyện hiện có 16.497 ha vườn cây ăn trái, tăng 1.000 ha so với năm 2005; có 79% vườn chuyên canh.
Nhiều biện pháp kỹ thuật được áp dụng giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế; nâng diện tích vườn cho thu nhập từ 80 triệu đồng/ha trở lên đạt 7.678 ha, chiếm 46,5% tổng diện tích vườn và gấp 2 lần so năm 2005. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 6,01%/năm.
Thủy sản là một trong những ngành kinh tế có nhiều tiềm năng của huyện, toàn huyện có 47 ha mặt nước nuôi cá tra thâm canh. Ngoài cá tra, các hoạt động nuôi thủy sản khác tiếp tục duy trì và phát triển. Diện tích nuôi thủy sản khoảng 1.610 ha, sản lượng trên 21.700 tấn.
Cùng với phát triển nông, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện cũng tăng trưởng bình quân đạt 14,6%/năm. Làng nghề bánh phồng (Đông Hòa Hiệp - thị trấn Cái Bè), bánh tráng (xã Hậu Thành) đã được UBND tỉnh công nhận. Một số doanh nghiệp tạo được thương hiệu mang tầm cỡ quốc gia, sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực.
Hoạt động thương mại - dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,36%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng bình quân 24,9%/năm và từng bước trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế của địa phương.
Công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được lãnh đạo huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, cơ bản đã xác định và hình thành các vùng kinh tế trọng điểm, các cụm công nghiệp, khu dịch vụ, thương mại, cụm dân cư theo định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt.
Huy động vốn đầu tư trong các năm qua 6.127 tỷ đồng, đạt yêu cầu Nghị quyết đề ra và bằng 2,5 lần giai đoạn 2000-2005, trong đó vốn Nhà nước 1.710 tỷ đồng, chiếm 27,9%. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ: Với sự nỗ lực và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, trong những năm qua, kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng ở mức ổn định, bình quân 11,89%/năm, cao hơn mức tăng bình quân giai đoạn 2000-2005 (đạt 9,18%).
Chất lượng giáo dục ngày càng tốt hơn, các phong trào “Dạy tốt, học tốt”, chống bệnh thành tích trong giáo dục đạt được nhiều kết quả. Phong trào khuyến học được đẩy mạnh, số lượng trẻ em đi nhà trẻ, mẫu giáo tăng dần. Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt 8,7% ở bậc mầm non, 55,9% ở bậc mẫu giáo, 100% ở bậc tiểu học, 88,2% ở bậc THCS và 65% ở bậc THPT. Tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường đại học ngày càng tăng.
Trường học được nâng cấp, mở rộng, quy hoạch lại hợp lý hơn. Các ngôi trường xuống cấp dần dần đã được thay thế bằng những ngôi trường mới khang trang. Trong các năm qua, huyện đã kiên cố hóa thêm 546 phòng học, trong đó xây mới hoàn chỉnh 9 trường mầm non, mẫu giáo, 7 trường tiểu học, 5 trường THCS, 2 trường THPT.
Thời gian qua, huyện đã đầu tư xây dựng 10 nhà công để phục vụ cho việc ăn ở của giáo viên. Tổng mức đầu tư cho ngành Giáo dục trong thời gian qua hơn 180 tỷ đồng. Điều đáng phấn khởi là hiện nay 19 xã, thị trấn đã có trường mẫu giáo, mầm non; 11 trường đạt chuẩn quốc gia.
Chất lượng khám, chữa bệnh và tinh thần, thái độ phục vụ của y, bác sĩ từng bước được nâng lên. Cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được đầu tư, bổ sung; một số công nghệ, kỹ thuật mới được áp dụng trong chẩn đoán, điều trị và xử lý được một số trường hợp bệnh nặng mà trước đây phải chuyển tuyến trên.
Xây dựng, đưa vào sử dụng Bệnh viện Đa khoa huyện quy mô 150 giường, 2 phòng khám khu vực và 9 trạm y tế. Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia đạt 100%. Đã chú trọng hơn việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ trong các năm qua từ 98-99%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm còn 14,2%.
Trong những năm qua, các chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa - xã hội của huyện đều được hoàn thành sớm, đặc biệt là chỉ tiêu xây dựng nhà tình nghĩa và nhà ở cho hộ nghèo. Cụ thể, 5 năm qua huyện đã xây dựng và sửa chữa 539 nhà tình nghĩa (trong đó xây mới 283 căn), gấp 3 lần chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Chương trình giảm nghèo, xóa nhà tạm và các chính sách hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được triển khai tích cực, đồng bộ. Từ đó nhiều hộ nghèo đã ổn định chỗ ở, yên tâm sản xuất.
Trong 5 năm gần đây huyện đã xây dựng 2.432 nhà ở cho hộ nghèo (gấp 4,8 lần chỉ tiêu đề ra); giải quyết việc làm cho 34.025 lao động (vượt 89,02% Nghị quyết). Công tác đào tạo, tập huấn nghề được quan tâm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn nghề lên 32%. Đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện nhiều mặt, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,75% (6.234 hộ).
Chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, kiềm chế tai nạn giao thông được triển khai thực hiện tích cực. Từ đó, trong những năm qua, ngành Công an đã khám phá nhiều chuyên án về hình sự, ma túy, triệt xóa, trấn áp có hiệu quả các nhóm thanh, thiếu niên gây rối đánh nhau. Vi phạm trật tự xã hội, tai nạn giao thông gần đây được kiềm chế và chuyển biến tích cực.
Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được duy trì, nổi bật là xã Tân Hưng, Hậu Mỹ Phú; mô hình cổng rào phòng, chống tội phạm ở Tân Thanh, Mỹ Đức Tây phát huy hiệu quả. Huyện xây dựng thêm 4 xã an toàn về an ninh trật tự, nâng lên 20/25 xã, thị trấn an toàn về an ninh trật tự, đạt kế hoạch đề ra.
Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Thanh chia sẻ kinh nghiệm: Đạt được những thành tích trên là do trong thời gian qua lãnh đạo huyện thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, cán bộ gần dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong việc xây dựng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” để chính quyền quyết định, dân giám sát việc làm của cán bộ, công chức.
Công tác quản lý, điều hành của UBND huyện được nâng lên, thường xuyên chấn chỉnh lề lối làm việc, phân công, bố trí cán bộ đúng trình độ chuyên môn, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tác động tích cực đến việc củng cố, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở các cấp. Từ đó, phát huy được hiệu quả trong việc thực hiện kế hoạch và hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH, quốc phòng và an ninh hàng năm.
NGUYÊN CHƯƠNG