Dấu hiệu tích cực từ sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp đầu năm cho thấy tín hiệu tích cực. |
Tiếp tục khai thác năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường, củng cố hệ thống phân phối nhằm giải quyết hàng tồn kho và thúc đẩy sản xuất là chỉ đạo của Bộ trưởng bộ Công Thương tại cuộc họp giao ban thường kỳ diễn ra ngày 4-3.
Công nghiệp tăng trưởng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mặc dù chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 2 chỉ bằng 89% so với cùng kỳ do thời gian nghỉ tết kéo dài nhưng tính cả hai tháng đầu năm vẫn tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,8% công nghiệp chế biến và chế tạo tăng 7,9%, ngành sản xuất phân phối điện tăng 11,7%... Một số ngành có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước như hàng may sẵn (18,9%), giày dép (35,9%), hóa chất (24%), xi măng (19,4%), thiết bị điện (51,3%), phụ tùng xe có động cơ (45,9%)…
Một số ngành công nghiệp có chỉ số sản xuất giảm như khai thác than (-5,7%), vải dệt thoi (-3,9%), linh kiện điện tử (-4%), xe có động cơ (-11,4%)…
Theo Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Văn Biên, mặc dù về giá chưa cải thiện, giá than thế giới hiện nay so với cùng kỳ giảm 26% nhưng đến nay lượng than tồn kho của ngành than đã giảm xuống còn 6,7 triệu tấn, mức tồn kho bình thường.
Đối với ngành dệt may, tình hình sản xuất, xuất khẩu lạc quan hơn với đơn hàng sản xuất ổn định đến hết quý II, thậm chí đến quý III. Tuy nhiên, tiêu thụ trong nước chậm nên sản lượng quần áo cho người lớn tháng 2 chỉ đạt 80,6% so với cùng kỳ năm 2012 và tính chung 2 tháng tăng 0,7%. Kim ngạch xuất khẩu hai tháng của ngành dệt may đạt 2,84 tỷ USD, tăng 38,4%.
Mặc dù các chỉ số công nghiệp tháng 2 giảm nhưng theo đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, tính 2 tháng, các chỉ số đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ, cho thấy dấu hiệu tăng trưởng tích cực trở lại của lĩnh vực công nghiệp mặc dù còn chậm.
Tiếp tục xuất siêu
Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng ước đạt hơn 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% dù kim ngạch xuất khẩu tháng 2 giảm 34,6% và chỉ đạt 7,5 tỷ USD. Trong khi đó, nhập khẩu 2 tháng ước 17,3 tỷ USD. Riêng tháng 2 nhập khẩu giảm mạnh 38,3% so với tháng trước đó, với kim ngạch 6,6 tỷ USD.
Tính chung 2 tháng, Việt Nam xuất siêu 1,676 tỷ USD, bằng 8,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn dẫn đầu về xuất khẩu và nhập khẩu, đóng góp đáng kể về cải thiện cán cân thương mại.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò chủ lực về xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2013, chiếm tỷ trọng 69,9% với kim ngạch 13,26 tỷ USD, tăng trưởng 33,3%. Hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến đều đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là mặt hàng điện tử, công nghệ cao.
Đảm bảo điện cho sản xuất
Lĩnh vực công nghiệp có dấu hiệu tăng trưởng trở lại nhưng nguồn điện có nguy cơ căng thẳng do hạn hán đang diễn ra tại miền Trung và Tây Nguyên.
Phó Tổng giám đốc tập đoàn Điện lực Việt Nam Dương Quang Thành cho biết, tháng 3, nhu cầu phụ tải điện sẽ cao hơn, dự kiến 11 tỷ kWh trên toàn hệ thống. Tuy nhiên, hiện lượng nước về các hồ chứa khu vực miền Nam và miền Trung thấp hơn nhiều so với các năm nên khả năng cung ứng điện cho hai khu vực này sẽ căng thẳng.
Để đảm bảo nguồn điện, EVN đã chỉ đạo các Tổng Công ty Điện lực miền Nam và Tổng Công ty Điện lực miền Trung tăng cường phối hợp các địa phương tiết kiệm điện ở mức 2% trong khi cả nước chỉ là 1%, để bảo đảm điện cho sản xuất.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đảm bảo vận hành các nhà máy ổn định.
Ngoài ra, các sở công thương phối hợp chẽ với điện lực các địa phương tuyên truyền sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn điện theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Vinacomin và Petrovietnam huy động tối đa nguồn than và khí, bảo đảm cho các nhà máy vận hành an toàn cung cấp đủ điện cho hệ thống.
(Theo chinhphu.vn)