ĐBSCL tập trung chống hạn và xâm nhập mặn
Chiều 30-3, ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nước mặn đã vào đến địa phận TP. Mỹ Tho, cách cửa biển khoảng 50km, làm hơn 2.500 ha lúa ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây… khô kiệt.
Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương yêu cầu người dân nhanh chóng thu hoạch diện tích lúa đã chín nhằm hạn chế thiệt hại. Tăng cường khoảng 80 vòi nước ngọt cho người dân 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông có nước sạch sinh hoạt khi vào cao điểm mùa khô.
Tại Sóc Trăng, ngoài hàng ngàn ha lúa xuân hè bị thiệt hại do nước mặn xâm nhập thì tôm sú cũng bắt đầu chết ở một số nơi. Theo Phòng NN-PTNT huyện Trần Đề, những ngày qua nông dân trong huyện thả nuôi hơn 600 ha tôm, nhưng do thời tiết ảnh hưởng quá nóng, độ mặn cao… làm chết tôm hơn 10% diện tích.
Tại Long An, độ mặn ở các sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Sông Tra… đều tăng. Nước mặn đã vào đến cống Rạch Chanh, TP. Tân An (cách cửa biển khoảng 78km). Tại Bến Tre, nước mặn theo các sông Cổ Chiên, Cửa Đại và Hàm Luông vào sâu đất liền khoảng 50 - 65km.
Nước mặn làm mất trắng 678 ha lúa, giảm năng suất từ 10% - 70% đối với 5.880 ha lúa ở các huyện Thạnh Phú, Bình Đại và Ba Tri. Hơn 4.234 ha vườn cây ăn trái, 115 ha dừa bị giảm năng suất từ 15% - 70%... Ước tổng thiệt hại do xâm mặn gây ra hơn 56,6 tỷ đồng.
(Theo sggp.org.vn)