Thứ Sáu, 15/03/2013, 07:51 (GMT+7)
.

Giới thiệu môi trường đầu tư vùng ĐBSCL

Chiều 14-3, tại Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị giới thiệu môi trường đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Hội nghị đánh dấu sự cam kết mạnh mẽ của chính quyền địa phương khu vực ĐBSCL với doanh nghiệp và nhà đầu tư trong nỗ lực phát triển kinh tế đồng thời khẳng định tầm quan trọng của doanh nghiệp và nhà đầu tư trong phát triển kinh tế vùng.

Ảnh: Vân Anh
Trong những năm qua vùng ĐBSCL đã được đầu tư hạ tầng đáng kể giúp việc lưu thông hàng hóa được thuận lợi. Trong ảnh là cầu Cần Thơ nhìn từ bến phà cũ. Ảnh: Vân Anh

Tại hội nghị, ông Dương Quốc Xuân, Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ nhấn mạnh: ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Những năm qua, các tỉnh trong khu vực đã liên tục cải thiện môi trường đầu tư nâng cao năng lực cạnh tranh để tăng tính hấp dẫn kêu gọi đầu tư.

Kết quả điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh 2012 (PCI 2012) vừa được công bố sáng 14-3 cho thấy, ĐBSCL có 6 tỉnh nằm trong top 10 tỉnh thành có chất lượng điều hành tốt nhất, không có tỉnh nào yếu. Đặc biệt, năm nay, Đồng Tháp còn giữ vị trí quán quân về chỉ số năng lực cạnh tranh.

Kết quả này cho thấy cam kết và quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của các lãnh đạo địa phương của khu vực ĐBSCL rất cao.

Ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Xác định vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua, Đồng Tháp đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút nhiều vốn đầu tư từ bên ngoài.

Kết quả nổi bật là Đồng Tháp có chỉ số năng lực cạnh tranh nằm trong top đầu nhiều năm. Đồng Tháp hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp hoạt động trên khắp các lĩnh vưc, với nhiều tổ chức kinh doanh lớn ở các lĩnh vực thế mạnh như: chế biến và xuất khẩu nông sản, thủy sản, hàng dệt may…

ĐBSCL là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực và thủy sản lớn nhất Việt Nam. ĐBSCL cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới.

Là vùng kinh tế quan trọng và được Chính phủ quan tâm, được Trung ương đầu tư cơ sở hạ tầng đáng kể trong những năm qua như Cầu Cần Thơ, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Tho, các quốc lộ nối các tỉnh ven biển… nhiều công trình hạ tầng đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cụm khí điện đạm Cà Mau, sân bay Cần Thơ, Phú Quốc…

Ngoài ra, còn nhiều dự án lớn đang tiếp tục triển khai, xây dựng. Cùng với đó là các chính sách phát triển kinh tế xã hội của vùng. Bên cạnh sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng năng động hơn trong chính sách phát triển kinh tế tại địa phương.

(Theo vov.vn)

.
.
.