Nhận diện Đồng bằng sông Cửu Long qua PCI - 2012
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2012 (PCI 2012) vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã mang đến thông điệp lạc quan hơn cho các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Có lẽ đây là lần đầu tiên (trong 8 lần VCCI tiến hành khảo sát PCI) các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều có chuyển biến theo hướng tích cực. Điều này được thể hiện thông qua điểm số mà các tỉnh ĐBSCL đạt được.
Theo PCI 2012 vừa được công bố, 13 tỉnh, thành ĐBSCL đều có điểm số tương đối cao, chiếm giữ nhiều vị trí ở top đầu trong bảng xếp hạng. Có đến 10/13 tỉnh, thành được xếp vào nhóm Tốt; 3 tỉnh còn lại được xếp vào nhóm Khá (bao gồm: Tiền Giang, Sóc Trăng, Cà Mau).
Điều đáng nói là Đồng Tháp giữ vị trí số 1, An Giang thứ 2, Vĩnh Long thứ 5, Kiên Giang thứ 6… trong bảng xếp hạng PCI của 63 tỉnh, thành trong cả nước. Điều này đã phần nào phản ánh sự chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tích cực của các chỉ số thành phần cấu thành PCI 2012. Và hơn hết là phần nào phản ánh được chất lượng quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh đã có chuyển biến rõ nét.
Cảnh hàng không quốc tế Phú Quốc. Ảnh: tienphong.vn |
Nằm trong xu thế chung của các tỉnh, thành ĐBSCL, PCI 2012 của Tiền Giang cũng có sự dịch chuyển, tuy không lớn nhưng đã phần nào cho thấy những động thái tích cực hơn. Nếu như năm 2011, PCI của Tiền Giang đạt 59,58 điểm xếp hạng 31/63 tỉnh thành thì sang năm 2012 đạt 57,63 điểm xếp 29/63 tỉnh thành, tăng 2 bậc so với năm PCI 2011.
Điều đáng chú ý là chỉ số gia nhập thị trường luôn được giữ ở mức cao (8,96 điểm) và chỉ số tính năng động từ 1,93 tăng lên 6,6 điểm; các chỉ số thành phần còn lại hầu như được duy trì và có sự tăng lên chút ít. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn như năm 2012, việc giữ ổn định và tăng trưởng chỉ số PCI của Tiền Giang đã cho thấy những điểm lạc quan hơn.
Báo cáo PCI 2012 là năm thứ 8, phản ánh cảm nhận của 8.053 doanh nghiệp dân doanh Việt Nam về chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh năm vừa qua tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Báo cáo cũng phân tích kết quả điều tra thường niên lần thứ ba trên 1.540 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hiện đang hoạt động tại Việt Nam, qua đó phân tích quan điểm của khối doanh nghiệp nước ngoài về rủi ro trong môi trường đầu tư của Việt Nam, các chiến lược giảm thiểu rủi ro kinh doanh mà nhà đầu tư nước ngoài đang sử dụng, cũng như những thách thức trên thị trường lao động mà họ đang phải đối mặt.
Việc chuyển động theo hướng tích cực về chỉ số PCI 2012 của các tỉnh ĐBSCL đã mang đến những điều lạc quan hơn cho bức tranh kinh tế – xã hội của toàn vùng. Dù PCI là chỉ số mang tính tham khảo, nhưng cũng được khảo sát, đánh giá một cách khách quan, dựa trên nhiều chỉ số thành phần khách nhau. Do vậy, thông qua PCI phần nào đánh giá được năng lực điều hành của mỗi địa phương.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự thay đổi về thứ hạng PCI của các tỉnh ĐBSCL dù tích cực nhưng chỉ mang tính tạm thời. Bởi thực tế có rất nhiều tỉnh, thành năm trước xếp ở top đầu nhưng năm sau rớt hàng chục bậc. Nói như Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, các tỉnh ĐBSCL đừng quá chủ quan khi được xếp ở thứ hạng cao về chỉ số PCI.
Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng các tỉnh, thành ĐBSCL cũng cần làm ngay một số công việc: Có chính sách cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư một cách hiệu quả như chính sách ưu đãi để mời gọi đầu tư, chính sách tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp; các nội dung hoạt động cải cách hành chính phải cụ thể, nhất là các thủ tục có liên quan đến doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho người lao động tại các trường dạy nghề, nâng chất dịch vụ giới thiệu việc làm, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, tổ chức các hoạt động về hội chợ triển lãm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia, phát triển và ưu tiên, khuyến khích cho khối doanh nghiệp tư nhân tham gia trong các lĩnh vực tư vấn về pháp luật, dịch vụ khoa học kỹ thuật, dịch vụ cung cấp thông tin về thị trường cho doanh nghiệp…
THẾ ANH