Những cái khó trong thu hút đầu tư
Tiền Giang hiện đang xếp thứ 29 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố trong cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh. Tuy chỉ số này của Tiền Giang có tăng 2 bậc so với năm trước nhưng về kết quả thu hút đầu tư thì Tiền Giang vẫn còn khiêm tốn so với các tỉnh lân cận.
Sau hội nghị xúc tiến đầu tư (năm 2010), tỉnh ban hành nhiều văn bản tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khi đầu tư tại Tiền Giang. Chẳng hạn như hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại; ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động khoa học - công nghệ, phát triển sản phẩm chủ lực, chuyển giao công nghệ… Kết quả thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh 3 năm qua có tiến bộ, nhưng vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.
KCN dịch vụ dầu khí Soài Rạp (Gò Công Đông) có diện tích 285 ha nhưng chỉ mới có 1 dự án đầu tư với diện tích 22,9 ha, còn lại đang bỏ hoang. |
Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn 2010 - 2012, tỉnh đã cấp 75 giấy chứng nhận đầu tư cho 26 dự án trong các khu công nghiệp và 49 dự án ngoài khu công nghiệp với tổng mức đầu tư 20.693 tỷ đồng. Như vậy, tính đến cuối tháng 12-2012, toàn tỉnh có 201 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức vốn đầu tư đăng ký 42.274 tỷ đồng.
Nhìn chung, các dự án cơ bản triển khai đúng tiến độ đăng ký. Riêng một số dự án trong Khu công nghiệp Long Giang triển khai chậm; các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản đều gặp khó khăn trong việc thu hồi đất. Đặc biệt, các dự án phát triển kết cấu hạ tầng tại hai vùng phát triển công nghiệp là Tân Phước và Gò Công thì gần như không triển khai được.
Vừa qua, tỉnh đã tiến hành rà soát lại tình hình thực hiện dự án trên địa bàn và đã thu hồi 11 giấy chứng nhận đầu tư với số vốn đăng ký 2.492 tỷ đồng nhưng không có khả năng triển khai. Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đang tiến hành rà soát lại để đề xuất hướng xử lý đối với 27 dự án khác đã được cấp chứng nhận đầu tư trên 12 tháng nhưng vẫn chưa triển khai được.
Có thể thấy một số hạn chế trong thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua gặp khó khăn về vấn đề quy hoạch, chất lượng danh mục dự án kêu gọi đầu tư, giá cả đất đai và tiến độ đền bù giải phóng mặt bằng; cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội; nguồn nhân lực…
Cụ thể như việc điều chỉnh quy hoạch 2 vùng công nghiệp khu vực Đông Nam Tân Phước và Gò Công thực hiện còn chậm gây khó khăn cho các ngành, địa phương và nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu dự án. Việc quy hoạch các cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm, đến nay tỉnh chưa công bố được quy hoạch này nên không có cơ sở để xem xét về chủ trương đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh…
Danh mục dự án mời gọi đầu tư của tỉnh chuẩn bị chưa tốt, thông tin chưa cụ thể, có trường hợp dự án không phù hợp quy hoạch đã gây khó khăn cho việc xem xét của tổ liên ngành. Thậm chí có trường hợp không thể giới thiệu địa điểm dự án cho nhà đầu tư do thiếu thông tin về vị trí khu đất…
Xuất phát từ thực tế đó, từ ngày 25-3 đến ngày 12-4, HĐND tỉnh sẽ tổ chức đợt giám sát về việc thực hiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Trong khoảng thời gian này, đoàn công tác sẽ thực hiện giám sát tại 8 sở, ngành tỉnh và 4 đơn vị cấp huyện là: TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, huyện Châu Thành, huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phước.
Mục đích của đợt khảo sát là đánh giá tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua; phân tích những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong việc thu hút đầu tư của tỉnh; tiến hành khảo sát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi đầu tư vào Tiền Giang và mức độ hài lòng của nhà đầu tư đối với các thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh. Qua giám sát, HĐND sẽ có kiến nghị giải pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm hướng cho việc thu hút đầu tư vào tỉnh được tốt hơn.
HOÀNG HÀ