Thứ Hai, 04/03/2013, 17:12 (GMT+7)
.

Ông Hồ Văn Lập: Tạo dựng thương hiệu Việt cho mít

Sau mười năm, giống mít do ông Hồ Văn Lập (ở ấp 4, xã Cẩm Sơn, Cai Lậy) gầy dựng đã được nhân rộng, trồng khắp xã và các vùng lân cận. Hai bên con đường đến trung tâm xã Cẩm Sơn, trong các mảnh vườn vây quanh nhà, trên các mô đất được vun lên trên mặt ruộng, nhìn đâu cũng thấy mít. Rồi rải rác các vựa đầy ắp những trái mít căng tròn, thơm phức. Người mang vác, xe vận chuyển nhộn nhịp trên con đường quê.

Ông Hồ Văn Lập bên sản phẩm mít mang thương hiệu Việt.
Ông Hồ Văn Lập bên sản phẩm mít mang thương hiệu Việt.

Một cán bộ của UBND xã Cẩm Sơn cho biết, đến nay mô hình trồng mít Ba Lập vẫn còn sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với rất nhiều nông dân. Do đó, mỗi năm cơ sở mít giống Ba Lập của ông Hồ Văn Lập cung ứng cho thị trường khắp các vùng trong cả nước khoảng 17.000 cây, với giá bán khoảng 12.000 đồng/cây, mang về cho ông Lập khoản thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm.

Ông Hồ Văn Lập còn cho rằng, cây mít đã tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời của mình. Vào năm 2003, khi mà khu đất của gia đình ông đang trồng lúa, táo, nhãn cho thu nhập bấp bênh thì trong một lần đến thăm người bà con ở Đồng Nai, ông “liều mình” mua 10 cây mít giống, với giá 25.000 đồng/cây về trồng thử trên mảnh vườn nhà mình.

Sau một năm rưởi, 10 cây mít đầu tiên do ông mang về trồng đã cho trái. Qua ăn thử, ông nhận thấy đây là loại mít ngon với các đặc điểm như: Múi to, cơm dày, giòn, ngọt thanh, rất ít xơ và mủ. Thế là từ 10 cây giống đầu tiên, ông Lập đã ghép cành và nhân ra lần đầu khoảng 50 cây rồi tăng dần lên. Đến nay, vườn mít 9.000m2 của ông Lập đã có tới 600 cây mít đủ cỡ.

Ông Lập cho biết, đặc điểm của loại mít này là không theo mùa mà ra trái thường xuyên, hết đợt này đến đợt khác, chu kỳ từ khi ra hoa đến khi thu hoạch gần 4 tháng và mỗi năm có thể thu hoạch 3 lần. Theo tính toán của ông Lập, thì giống mít này mỗi công đất trồng từ 50 - 60 gốc là vừa. Mỗi gốc có thể cho từ 150 - 200 kg trái, tính ra mỗi năm thu hoạch được trên 5 tấn trái/công. Như vậy, với 9 công mít và giá bán bình quân khoảng 25.000 đồng/kg cũng đã mang về cho ông Lập mức thu nhập gần cả tỷ đồng/năm.

Theo ông Lập, giống mít này dễ trồng và chi phí chăm sóc thấp. Qua 10 năm bán trái, chưa bao giờ giá mít giảm dưới 13.000 đồng/kg; đồng thời thị trường tiêu thụ khá ổn định. Do đó, ông nhận thấy giống mít này khi trồng sẽ cho nguồn thu nhập khá và có thể là cây xóa đói giảm nghèo. Xuất phát từ suy nghĩ này, ông không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, cây giống cho hộ nghèo và khách hàng khi có nhu cầu.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn cho biết: “Từ khi phát hiện giống mít phù hợp thổ nhưỡng Cẩm Sơn mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Hồ Văn Lập đã chủ động giúp nhiều hộ trong xã thoát nghèo bằng việc tặng cây giống, chỉ dẫn bà con cách trồng. Trong 10 năm qua, nhờ giống mít Ba Lập, đã có hơn 45 hộ thoát nghèo, nhiều hộ vươn lên làm giàu”. Ngoài ra, qua 2 năm (2011-2012) tham gia các chương trình từ thiện của Đài PT-TH Tiền Giang, ông Lập đã trao tặng trực tiếp 1.000 cây mít giống cho 100 hộ nghèo trong tỉnh.

Hiện loại mít do ông Hồ Văn Lập trồng và sản xuất mít giống đã được Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao Giấy chứng nhận quyền tác giả. Đặc biệt, sản phẩm mít của ông Lập còn được Tạp chí Thương hiệu Việt bình chọn là sản phẩm nằm trong tốp 100 sản phẩm Việt chất lượng và tin dùng.

Đây còn là loại mít được Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam công nhận là “Thực phẩm Việt - Vì sức khỏe người Việt năm 2012”. Ông Lập cho biết, từ khi được công nhận Thương hiệu Việt, mít Ba Lập ngày càng có tiếng tăm, tạo được uy tín trên thị trường, giúp cho người trồng an tâm và việc tiêu thụ cũng bền vững hơn.     

Với hiệu quả kinh tế mang lại từ việc trồng mít và sản xuất mít giống, ông Hồ Văn Lập đã vinh dự được bình chọn là đại biểu tham dự Hội nghị Doanh nhân toàn quốc năm 2012 và sản phẩm mít của ông còn được người tiêu dùng bình chọn là sản phẩm tin cậy của năm 2012.

HỮU NGHỊ
 

.
.
.