Chủ Nhật, 10/03/2013, 08:25 (GMT+7)
.

Tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài vào Đồng bằng sông Cửu Long

Trong những năm qua, các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có nhiều nỗ lực mời gọi đầu tư, tuy nhiên, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), từ đầu năm đến nay, toàn vùng ĐBSCL chỉ có tỉnh An Giang có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài mới, nhưng số vốn đăng ký cũng không cao. Hiện nay, toàn vùng còn 757 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực, với số vốn đầu tư trên 10 tỉ đô la Mỹ.

Trong 13 tỉnh, thành phố của vùng ĐBSCL, thì Long An là tỉnh dẫn đầu về số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với 448 dự án, vốn đăng ký trên 3,5 tỉ đô la Mỹ. Tiếp đó là tỉnh Kiên Giang với 32 dự án, số vốn đầu tư trên 3 tỉ đô la Mỹ, tỉnh Tiền Giang đứng thứ 3 với vốn đầu tư hơn 1 tỉ đô la Mỹ...

Trong các tỉnh, thành phố của ĐBSCL, Long An là một trong số ít địa phương có được sự thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài khả quan hơn cả. Tuy nhiên, để có được kết quả trên, tỉnh Long An ở vào một vị trí thuận lợi hơn các tỉnh khác cùng khu vực, đó là cận kề với trung tâm kinh tế TP. Hồ Chí Minh.

Trên thực tế, Long An chỉ cách TP. Hồ Chí Minh khoảng vài chục cây số, thuận lợi cho việc đi lại và việc vận chuyển hàng hóa. Do đó, tại Long An, nhất là những huyện giáp ranh với TP. Hồ Chí Minh như Bến Lức, Đức Hòa... nhiều khu công nghiệp, khu thương mại đã được quy hoạch phát triển với khoảng cách không quá 30 phút đường bộ đến các trung tâm đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Cùng với Long An, một số địa phương khác như Kiên Giang, TP. Cần Thơ cũng có những thuận lợi riêng về cơ sở hạ tầng cũng như tiếp giáp với các cửa khẩu quốc tế. TP. Cần Thơ có nhiều lợi thế như là trung tâm vùng ĐBSCL, tại đây có cảng biển quốc tế, sân bay quốc tế, nhiều khu công nghiệp tập trung, và trong nhiều năm qua, TP. Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang cũng đã rất nỗ lực tổ chức các hội nghị, hội thảo quảng bá xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, qua đó đã giúp cho các nhà đầu tư biết, đến tìm hiểu và quyết định đầu tư vào thị trường này.
 
Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, không phải địa phương nào cũng có được lợi thế và thu hút đầu tư trực tiếp như các tỉnh Long An, Kiên Giang, Tiền Giang và TP. Cần Thơ. Nhiều tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp… mặc dù tích cực trong công tác mời gọi đầu tư nước ngoài nhưng qua cả chục năm vẫn không có một dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài nào quyết định đầu tư vào đây.

Một nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: N.Hữu
Một nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Khu công nghiệp Mỹ Tho, Tiền Giang. Ảnh: N.Hữu

Nguyên nhân việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào khu vực này gặp nhiều khó khăn được cho là do tác động chung của nền kinh tế thế giới, khó khăn của thị trường trong nước, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài đang đầu tư tại đây cũng gặp khó, do đó, các doanh nghiệp này đã hạn chế đầu tư mở rộng mà chủ yếu tập trung củng cố những dự án đã đầu tư.

Theo các chuyên gia kinh tế, cản trở thu hút đầu tư nước ngoài của ĐBSCL hiện nay chính là do cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển đồng bộ. Theo đó, việc thu mua, xuất khẩu các sản phẩm của khu vực này đi các nước không đảm bảo về tiến độ, chất lượng do phải kéo dài thời gian quá mức cho phép.

Ví dụ như tôm xuất khẩu được thu mua tại ĐBSCL, muốn xuất khẩu sang các nước khác thì phải chuyển về TP. Hồ Chí Minh rồi mới xuống tàu ra nước ngoài. Tương tự, sản phẩm hoa quả của các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang... xuất khẩu sang Trung Quốc phải vận chuyển ra miền Bắc, với một chặng đường dài hàng nghìn cây số, sản phẩm mỗi năm bị hao hụt đến hàng trăm triệu đô la Mỹ.

Trong khi thế mạnh giao thông thủy ở ĐBSCL chưa được khai thác đúng mức thì đường bộ cũng đang còn rất nhiều trở ngại, đó là hệ thống giao thông nông thôn ở đây chật hẹp, xuống cấp khá nhiều, theo tính toán, chỉ có vài phần trăm đường nông thôn ở ĐBSCL có giá trị vận tải, số còn lại chỉ có giá trị giao thông cao cho phương tiện là xe gắn máy.

Đường ô tô còn chưa đến được trung tâm của khá nhiều xã. Trên nhiều tuyến quốc lộ, nhiều cây cầu đã không thể chịu được trọng tải trên chục tấn của xe chuyên chở hàng hóa qua lại. Chính vì hệ thống giao thông như vậy đã khiến không ít các nhà đầu tư nước ngoài phải chia tay với vùng đất đầy tiềm năng, sản vật của ĐBSCL.
 
Một nguyên nhân nữa đối với việc khó khăn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của ĐBSCL là nguồn nhân lực ở khu vực này chưa thể đáp ứng với sự phát triển kinh tế, tỷ lệ đầu tư cho giáo dục - đào tạo và dạy nghề chỉ chiếm ở một mức độ khiêm tốn trong tổng chi ngân sách. Theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo thì so với các vùng khác, các chỉ số giáo dục - đào tạo và dạy nghề trong vùng ĐBSCL còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đạt yêu cầu.

Cùng với những nguyên nhân trên, việc các tỉnh, thành phố của khu vực ĐBSCL khó khăn trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài là còn thiếu những mối liên kết chặt chẽ để nhân lên những thế mạnh của vùng và mỗi địa phương.

Theo định hướng phát triển ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 mà Chính phủ đã phê duyệt thì khu vực này sẽ là vùng sản xuất nông sản lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là vùng kinh tế phát triển năng động, ổn định, có môi trường đầu tư nước ngoài thuận lợi.

Để làm tốt được điều này, các tỉnh, thành phố của ĐBSCL cần phải có những chuyển biến tích cực hơn nữa, theo đó, các địa phương cần có sự tìm kiếm phương thức hợp tác để vừa thúc đẩy lợi thế chung vừa khai thác lợi thế riêng của từng tỉnh, thành phố.

Thời gian qua, đã có nhiều hoạt động chung được thực hiện giữa các tỉnh, thành phố trong vùng cùng sự tham gia của các bộ, ngành trung ương như Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL được tổ chức hàng năm. Việc tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng ĐBSCL đã thay dần cho các hoạt động riêng lẻ, chồng chéo của các địa phương, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư và các cá nhân, tổ chức quan tâm.

Về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, theo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm 2015, dự kiến ĐBSCL sẽ nâng cấp và thành lập mới từ 10 đến 12 trường đại học và 11 trường cao đẳng. Khu  vực này cũng đang hoàn thiện cơ sở hạ tầng với hệ thống trên 300 cơ sở dạy nghề, trong đó có các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề.

Cùng với việc đầu tư cho nguồn nhân lực, hàng loạt dự án giao thông thủy, bộ và hàng không đang được triển khai, hy vọng, trong năm 2013 và những năm tiếp theo, ĐBSCL sẽ đón được những làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài mới, thay đổi diện mạo kinh tế cho một khu vực giàu tiềm năng của đất nước.

(Theo chinhphu.vn)
 

.
.
.