Thứ Năm, 21/03/2013, 06:12 (GMT+7)
.

Xây dựng NTM: Sớm khắc phục biểu hiện lúng túng, tư tưởng trông chờ

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai trên địa bàn tỉnh đã hơn 2 năm. Một số dự án, mô hình, chương trình các ngành, các cấp đã ưu tiên triển khai và phát huy hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, hiệu ứng lan tỏa tạo đòn bẩy thúc đẩy sản xuất cho cơ sở vẫn chưa rõ nét. Các xã vẫn đang lúng túng trong việc tổ chức, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả, nâng cao thu nhập người dân đạt tiêu chí NTM.

ƯU TIÊN CHO XÃ ĐIỂM, XÃ CHỌN

Từ cuối năm 2012, Hội Nông dân tỉnh giải ngân 5 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân hỗ trợ vốn vay cho nông hộ phát triển sản xuất, xây dựng mô hình phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập người dân tại các xã điểm, xã chọn xây dựng NTM của 10 huyện, thành, thị trong tỉnh.

Theo đó, dự án chăm sóc vườn xoài triển khai ở xã Tân Thanh (Cái Bè); cải tạo vườn cây sầu riêng ở xã Tam Bình (Cai Lậy); chăn nuôi bò tại xã Tân Hòa Thành (Tân Phước), xã Tân Mỹ Chánh (TP. Mỹ Tho), xã Tân Hội Đông (Châu Thành), xã Bình Phục Nhứt và xã Phú Kiết (Chợ Gạo); nuôi heo bảo đảm vệ sinh môi trường ở xã Bình Nhì (Gò Công Tây), xã Tân Thới (Tân Phú Đông); nuôi trâu ở xã Bình Xuân (thị xã Gò Công) và nuôi dê đảm bảo vệ sinh môi trường ở xã Bình Nghị (Gò Công Đông).

Cùng với vận động nhân dân xây dựng giao thông nông thôn các xã xây dựng nông thôn mới cũng cần quan tâm đến các giải pháp tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Đường bê tông ở xã Hậu Mỹ Phú - Cái Bè.
Cùng với vận động nhân dân xây dựng giao thông nông thôn các xã xây dựng NTM cũng cần quan tâm đến các giải pháp tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: Đường bê tông ở xã Hậu Mỹ Phú - Cái Bè.

Mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa” được ngành Nông nghiệp triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2009. Từ đó, hàng năm, tỉnh duy trì, nhân rộng hàng chục mô hình này. Từ khi triển khai chương trình xây dựng NTM, ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng triển khai, nhân rộng mô hình cho các xã điểm, xã chọn xây dựng NTM ở xã Bình Nhì, xã Bình Phục Nhứt, xã Bình Nghị, xã Tân Đông và xã Tân Điền…

Có thể nói, với lĩnh vực phụ trách, nhiệm vụ được giao, thời gian qua, các ngành, hội, đoàn thể tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch tham gia chương trình xây dựng NTM; ưu tiên đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, chú trọng triển khai các dự án, xây dựng các mô hình trình diễn … vào các xã điểm, xã chọn nhằm nâng các tiêu chí chưa đạt chuẩn NTM.

Cụ thể, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tham gia xây dựng NTM qua việc tập trung hỗ trợ, củng cố, nâng chất cũng như phát triển mới các tổ hợp tác, hợp tác xã; ngành Công thương lên kế hoạch phát triển mạng lưới điện, chợ nông thôn ở các xã xây dựng NTM.

Còn ngành Y tế tăng cường nguồn lực đầu tư và phối hợp với ngành bảo hiểm xã hội triển khai lộ trình bảo hiểm y tế cho toàn ngành để nâng tiêu chí y tế ở 29 xã xây dựng NTM. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có chương trình phụ nữ chung sức xây dựng NTM gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không  3 sạch” , “1 tăng 4 giảm”…

Ngoài ra, cuối năm 2012, Sở NN&PTNT đã ký kết hợp tác với Trường Đại học Tiền Giang đào tạo kiến thức xây dựng NTM cho cán bộ xã, ấp và hợp tác xã.

Về phía địa phương, tùy điều kiện, nguồn lực, các huyện, thành, thị cũng tran thủ đầu tư; triển khai, tiếp nhận và nhân rộng các mô hình, dự án cho các xã xây dựng NTM trên địa bàn.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, cho biết: “Huyện đã và đang ưu tiên các dự án, chương trình, nguồn vốn cho xã xây dựng NTM để nâng các tiêu chí sớm đạt chuẩn NTM, đặc biệt chú trọng những tiêu chí không cần phải tập trung nguồn lực. Năm 2011, Gò Công Đông đã triển khai mô hình cánh đồng mẫu ở xã điểm Bình Nghị. Sang năm 2012, huyện tiếp tục nhân rộng mô hình và kết hợp với sử dụng công nghệ sinh thái quản lý rầy nâu và bệnh virus trên lúa tại xã điểm này; đồng thời nhân rộng cho xã chọn Tân Đông. Và năm 2013 này, huyện tiếp tục triển khai mô hình kết hợp trên ở xã chọn Tân Điền".

LÚNG TÚNG TRONG SẢN XUẤT

Trong xây dựng NTM, ngoại lực (sự hỗ trợ của các ngành, các cấp, hội, đoàn  thể, nhà hảo tâm…) đóng vai trò quan trọng đẩy nhanh tiến độ  thực hiện chương trình; nội lực, sự sáng tạo của cơ sở giữ vai trò quyết định sự thành công. Thực tế đã cho thấy, một trong những nguyên nhân làm phong trào xây dựng NTM đang gặp rất nhiều trở ngại, vướng mắc, khó khăn là tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nguồn lực Nhà nước; nặng về đầu tư cơ sở hạ tầng, lúng túng trong tổ chức sản xuất.

Mặt khác, thực trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vốn ăn sâu vào cách nghĩ, thói quen, người dân khó thể thay đổi trong một sớm một chiều. Sản xuất nông nghiệp thường gắn với đặc thù, phong trào ở địa phương, đầu ra sản phẩm, việc tổ chức và chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng mới còn đòi hỏi cộng hưởng nhiều yếu tố khác mới thành công.

Trồng lài bổ sung vào thế mạnh rau màu ở xã  Long An (Châu Thành).
Trồng lài bổ sung vào thế mạnh rau màu ở xã Long An (Châu Thành).

Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Chí Thiện, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây), bày tỏ: “Lợi thế của xã là cây dừa, lúa và chăn nuôi. Nhưng cây lúa chỉ đảm bảo cho người dân đủ ăn, không thể làm giàu. Thời gian qua, một số diện tích lúa sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng màu. Tuy nhiên, giá màu lúc cao lúc thấp khiến cho nông dân còn ngán ngại khi quyết định chuyển đổi.

Ngành Chăn nuôi trước đây rất phát triển nhưng sau thời gian giá cả thất thường, đàn gia súc, gia cầm trong xã giảm đáng kể. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nào vừa đảm bảo tính hiệu quả, bền vững vừa thuyết phục người dân là câu hỏi chưa có lời giải.Và nếu có lời giải thì cũng cần thời gian dài mới có thể thuyết phục được người dân làm theo”.

Từ thực tế xây dựng NTM ở xã Tân Thới (Tân Phú Đông), anh Trần Minh Khải, Phó Chủ tịch UBND xã,  tâm tư: “Thời gian qua, giá dừa có lúc xuống rất thấp, giá sản phẩm chăn nuôi bấp bênh nên người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập của người dân có chiều hướng suy giảm. Trong khi đây là thế mạnh của xã. Đến thời điểm này, xã vẫn chưa biết định hướng sản xuất cho người dân như thế nào”.

Lý giải về những khó khăn này, ông Trần Văn Hòa, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo, cho rằng: Diện tích sản xuất lúa bình quân trên nông hộ rất thấp, giá cả bấp bênh, nông dân rất khó vươn lên khá và giàu.

Để nâng cao thu nhập, tùy theo điều kiện từng địa phương, chúng ta có thể chuyển dịch theo hướng đầu tư các cây trồng mang hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện tại địa bàn, đồng thời có thể kết hợp xen canh, luân canh. Tại Chợ Gạo, một số vùng, người dân đã mạnh dạn chuyển từ lúa sang sản xuất màu, một số nơi chuyển từ lúa sang thanh long. Tùy đặc điểm vùng đất, chúng ta có thể chuyển đổi cây trồng phù hợp. 

Và tùy đặc điểm của các loại cây trồng, chúng ta có thể áp dụng mô hình chuyên canh, luân canh, xen canh và cả trong chuyên canh có xen canh. Muốn vậy, chúng ta cần xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn và rồi nhân rộng các mô hình này. Khi người dân thấy hiệu quả của mô hình, hộ sẽ làm theo. Sau đó, chúng ta sẽ đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch để tăng hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được thành công đòi hỏi phải có quá trình dài, kiên trì để thay đổi dần thói quen của người dân”.  

Phải nhìn nhận rằng, sự chuyển biến trong xây dựng NTM ở các xã điểm, xã chọn trong thời gian qua còn khá chậm. Một phần nguyên nhân là việc đầu tư của các ngành, các cấp cho các xã trên còn nhiều bất cập. Trong khi đó, chính quyền cơ sở còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn lực Nhà nước; thiếu năng động, sáng tạo trong tổ chức sản xuất.

Trong báo cáo 2 năm xây dựng NTM vừa qua, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh nhìn nhận việc triển khai thực hiện các tiêu chí, 29 xã điểm vẫn còn nặng tư tưởng xây dựng cơ sở hạ tầng, chưa quan tâm đúng mức tiêu chí phát triển sản xuất, văn hóa, xã hội và môi trường.

Để các xã điểm, xã chọn xây dựng NTM hoàn thành chương trình theo kế hoạch đề ra, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo cho các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở kiểm tra, rà soát và tập trung nâng các tiêu chí chưa đạt theo chuẩn bộ tiêu chí; giữ vững các tiêu chí đã đạt để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí xã NTM đúng hạn định.

N.VĂN

.
.
.