Thứ Tư, 10/04/2013, 05:56 (GMT+7)
.

Các doanh nghiệp trải “thật lòng” về thu hút đầu tư

“Nói thật, nghe thật”, ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh bày tỏ thiện chí như vậy khi dẫn đầu Đoàn giám sát của HĐND tỉnh về thu hút đầu tư đến làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh. Nhờ đó, nhiều ý kiến “thật lòng” cũng được bật ra từ phía các nhà đầu tư.

Ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng nêu thực trạng, nhà đầu tư đến tỉnh tìm hiểu cơ hội đầu tư được chỉ chỗ này chỗ kia như một cách ứng phó với thực trạng quy hoạch. Cụ thể là quy hoạch xong rồi chúng ta không có tiềm lực, điều kiện thực hiện.

Chẳng hạn, lợi thế của Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước là gắn liền với đường cao tốc đi TP. Hồ Chí Minh chỉ mất 35 phút đi xe, đã quy hoạch đường rộng 50 m, dài 12 km đi xuyên tâm của toàn bộ khu công nghiệp nhưng đến nay chưa được thực hiện.

“Thực chất quy hoạch của khu công nghiệp này đã thay đổi nhiều lần, nhưng đến nay quy hoạch tổng thể của cả khu vực và quy hoạch xây dựng chưa hoàn chỉnh, chưa được phê duyệt. Thiết lập các khu chung như thế rồi bỏ ngõ, không có chương trình tổ chức thực hiện cụ thể, không dồn nguồn lực để tạo những điều kiện khả thi để quy hoạch thành công theo lộ trình mà chúng ta mong muốn”- ông Đoàn Thành Đạt cho biết.

Nếu không chọn đúng thời cơ, dự án đầu tư bất động sản rất dễ gặp rủi ro (Dự án nhà có thu nhập thấp đầu tiên trên địa bàn TP. Mỹ Tho “chết đứng” mấy năm nay).
Nếu không chọn đúng thời cơ, dự án đầu tư bất động sản rất dễ gặp rủi ro (Dự án nhà có thu nhập thấp đầu tiên trên địa bàn TP. Mỹ Tho “chết đứng” mấy năm nay).

Ở khía cạnh khác, việc chờ đợi được triển khai thực hiện dự án cũng làm  cho không ít nhà đầu tư cảm thấy lo ngại. Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Đại Ngân, chủ đầu tư Dự án tái định cư - Khu dân cư Hòa Cường 1, Hòa Cường 2 cho rằng, tổng diện tích dự án được quy hoạch trên 300 ha, trong đó có vốn đầu tư trong nước và chủ yếu là vốn nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc). Trong 6 năm qua, công ty luôn cập nhật, bổ sung thủ tục và tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2010 do UBND tỉnh tổ chức, công ty đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Thế nhưng, đã hơn 3 năm từ ngày nhận được giấy chứng nhận đầu tư, công ty vẫn chưa nhận được mặt bằng để triển khai thực hiện dự án, mặc dù đã rất nhiều lần liên hệ với các sở, ngành của tỉnh, kể cả chịu ứng trước tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng đến nay vẫn phải đợi.

“Tỉnh cũng cần cho lộ trình cụ thể, đợi bao lâu và đợi cái gì. Bởi trong làm ăn chủ đầu tư còn có các đơn vị thứ cấp nên chúng tôi không biết nói với đối tác như thế nào trong khi có các nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tư kinh doanh bất động sản cần có thời cơ, thời điểm và cần các đơn vị thứ cấp. Rủi ro rất lớn nếu chọn thời cơ, thời điểm thực hiện dự án không đúng. Do vậy, công ty đề nghị tỉnh cần có kế hoạch cụ thể về thời gian giao mặt bằng để sớm triển khai dự án”- ông Nguyễn Văn Hòa đề nghị.

Về phương diện thu hút đầu tư nói chung, ông Nguyễn Văn Hòa cho rằng, tỉnh phải chuẩn bị một cách rõ ràng: Thủ tục như thế nào, ưu đãi gì cho nhà đầu tư,  về giá thuê đất, thuế… cơ bản từng thời điểm khi nhà đầu tư cần thì có thông tin ngay, nếu không khi đến tìm hiểu nhà đầu tư chỉ “ghi nhớ” và về luôn. Khi quy hoạch phát triển vùng nào cũng cần chuẩn bị hạ tầng cho hiện tại và tương lai. Hạ tầng là đường sá liên vùng kết nối, điện, nước.

Tiếp tục giám sát việc thu hút đầu tư

Vừa qua, Thường trực HĐND tỉnh do ông Trần Kim Trát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Châu Thị Mỹ Phương, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh cùng các thành viên trong đoàn đã tổ chức giám sát về việc thực hiện thu hút đầu tư tại Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài Chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nội vụ.

Tại các buổi làm việc, Thường trực HĐND tỉnh nghe báo cáo của các Sở về vai trò và nhiệm vụ tham gia các phần việc có liên quan đến quy trình xúc tiến và thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Các Sở đã báo cáo về quy trình, thủ tục riêng, thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ quan, khách quan; đồng thời đề xuất những giải pháp và kiến nghị trong quy trình thu hút đầu tư.

Thường trực HĐND cũng khảo sát, đánh giá những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi đầu tư vào Tiền Giang và mức độ hài lòng của nhà đầu tư đối với các thủ tục hành chính và chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh. Qua những buổi khảo sát này, Thường trực HĐND sẽ có kiến nghị giải pháp để góp phần tháo gỡ khó khăn, tìm hướng thu hút đầu tư vào tỉnh được tốt hơn…

S.N

Chẳng hạn như Khu công nghiệp Đông Nam Tân Phước, đường nước vào đến nay cũng chưa cụ thể, điện thế nào, bãi rác di dời làm sao… chưa rõ ràng. Trong khi về giá đất dường như chưa hợp lý lắm.

Chẳng hạn, Tân Phước là vùng đặc biệt khó khăn nhưng giá đất lại cao hơn nhiều so với một số khu vực ở TP. Hồ Chí Minh, nên cũng khó cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư.

Là một trong những đơn vị đầu tư sớm ở Khu công nghiệp Mỹ Tho, ông Lê Sơn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng, cho rằng là doanh nghiệp đầu tư ở nhiều tỉnh, thành như: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh… nên có điều kiện so sánh việc thu hút đầu tư.

Đối với Tiền Giang có vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi, cả đường bộ lẫn đường thủy, nhưng vì sao thu hút đầu tư không bằng các tỉnh khác. Điều này có thể quy hoạch ban đầu về ngành nghề phát triển chưa đúng lắm, nên chăng Tiền Giang tập trung thu hút ngành Công nghiệp chế biến nông nghiệp nhờ có nước ngọt, nước ngầm, giao thông thuận tiện…

“Công ty đã đầu tư 3 nhà máy ở Tiền Giang nhưng đến nhà máy thứ 4 lại “chạy” sang Vĩnh Long, nhà máy thứ 5 ở Bến Tre. Điều đầu tiên của các nhà đầu tư là nhì̀n thấy cơ hội, nếu có cơ hội là “chụp” ngay. Lợi thế của mỗi tỉnh, thành khi tiếp nhận các dự án đầu tư là phải có quỹ đất sạch. Nếu không có đất sạch tỉnh phải có quy hoạch nào đó cho rõ ràng khi doanh nghiệp muốn mở rộng đầu tư sẽ được tỉnh hỗ trợ ngay, nếu qua cơ hội doanh nghiệp sẽ không đầu tư”- ông Lê Sơn Tùng cho biết.

Với cách nhìn của người đã gắn bó với Tiền Giang nhiều năm, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm chia sẻ, muốn đánh giá kinh tế phát triển phải nhìn nhận ở 2 khía cạnh là các doanh nghiệp đang sản xuất - kinh doanh tại chỗ phải mở rộng đầu tư và thu hút đầu tư doanh nghiệp mới.

Còn nếu chỉ đánh giá sự phát triển tập trung ở việc thu hút các dự án đầu tư mới là chưa toàn diện. Thực tế thời gian vừa qua cho thấy rằng, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh không phát triển được cũng là yếu tố không thu hút các nhà đầu tư mới về, vì một phần không có sức lan tỏa về hiệu quả sản xuất – kinh doanh.

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các tỉnh, thành cùng nhau kêu gọi đầu tư nên áp lực về thu hút đầu tư của tỉnh càng lớn là điều đương nhiên. Nhưng cũng có khía cạnh khác làm ảnh hưởng đến việc thu hút các dự án gần đây là dường như tỉnh chưa tìm đúng và phát huy lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư. Tỉnh cũng cần phải xem lại các chính sách liên quan thu hút đầu tư hiện tại có vấn đề gì làm nản lòng các nhà đầu tư không?

THẾ ANH

“Nóng” giải phóng mặt bằng, giá đất, thủ tục hành chính…

Báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp khi làm việc với HĐND tỉnh cho thấy, những vấn đề mấu chốt hiện tại làm ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư là: Giải phóng mặt bằng, giá thuê đất, thủ tục hành chính…

Hiện nay, công tác giải tỏa mặt bằng cho các dự án đầu tư sản xuất - kinh doanh là việc tồn tại nhiều khó khăn, trở ngại nhất. Có hai phương thức đền bù giải phóng mặt bằng là Nhà nước thu hồi đất và chủ đầu tư tự thỏa thuận mua đất lại của dân nhưng cả hai đều có không ít bất cập.

Thống nhất quan điểm của Nhà nước về nguyên tắc giải tỏa đền bù đất đai, hoa màu, vật kiến trúc phải thực hiện theo giá thị trường, có sự thỏa thuận trên tinh thần đảm bảo lợi ích hợp lý, hợp pháp của 2 bên. Tuy nhiên, hiện tại cũng có nhiều điều xảy ra. Phương thức nhà đầu tư tự thỏa thuận mua đất lại của dân (hoặc thỏa thuận đền bù với dân) trên tinh thần “thuận mua vừa bán”, thuận lợi là các vấn đề về pháp lý đất đai hoàn toàn không đặt nặng.

Thế nhưng, có nhiều người dân lại lợi dụng điều này để ép doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải trả giá cao rất nhiều lần so với giá thị trường hoặc giá hầu hết (80%) các hộ dân đã thỏa thuận trước đã chấp nhận. Hậu quả là làm cho suất đầu tư cao, đẩy giá vốn lên cao tạo ra giá bán cao, hoặc làm dự án đình đốn vì giải tỏa “da beo” hoặc dự án không còn khả thi về mặt tài chính trong khi doanh nghiệp đã bỏ vốn đầu tư quá lớn.

Việc điều chỉnh giá thuê đất theo chu kỳ hàng năm với xu hướng năm sau cao hơn năm trước cần được xem xét lại. Nền giá đất của tỉnh thậm chí còn cao hơn một số khu vực của TP. Hồ Chí Minh, nhưng rõ ràng TP. Hồ Chí Minh có lợi thế hơn hẳn  nên rất khó cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Giá đất cao gây nên tiền thuê đất cao.

Việc điều chỉnh tăng % tiền thuê đất hàng năm cho mọi loại hình sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp là không hợp lý vì hiệu quả của từng khu vực kinh doanh như nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ là khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về giá thuê đất cao và không hợp lý, gây khó khăn đối với doanh nghiệp. Đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp, đề nghị tỉnh cho tính tiền sử dụng đất trước để nhà đầu tư biết được giá vốn trong quyết định dự án đầu tư. Đề nghị tỉnh có chủ trương minh bạch hóa tiền sử dụng đất đối với mọi dự án đầu tư, ngoại trừ dự án tiền sử dụng đất được xác định qua đấu giá…

 

.
.
.