Thứ Sáu, 05/04/2013, 10:37 (GMT+7)
.

Gỡ “nút thắt” để doanh nghiệp đóng góp trên 40% trong tổng GDP

Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với gần 300 doanh nghiệp đầu năm 2013 do Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh phối hợp tổ chức gần đây được kỳ vọng sẽ gỡ được những “nút thắt” quan trọng, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất - kinh doanh, đứng vững trên thị trường, đóng góp trên 40% trong tổng GDP của tỉnh.

XEM XÉT KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC

Khác với các lần họp mặt doanh nghiệp trước đây, trước khi buổi họp mặt diễn ra, UBND tỉnh đã tập hợp ý kiến từ phía các doanh nghiệp, các ngành và giao cho các sở, ngành liên quan có ý kiến để giải quyết đối với từng trường hợp cụ thể.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, UBND tỉnh đã tiếp nhận được 44 ý kiến, bao gồm: Ý kiến của Ban Quản lý các khu công nghiệp, của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh và 42 doanh nghiệp.

Nhìn chung ý kiến của các doanh nghiệp khá đa dạng, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất - kinh doanh, nội dung tập trung vào 9 nhóm vấn đề cụ thể: Đề nghị hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ tín dụng thương mại và tín dụng ưu đãi; công tác quản lý thị trường và giá cả; kiến nghị trong lĩnh vực thuế; trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; nông nghiệp và phát triển nông thôn; quản lý công nghiệp; cung cấp điện, lao động và việc gặp gỡ giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh….

Công ty Công ty TNHH Long Uyên chế biến xoài xuất khẩu.
Công ty Công ty TNHH Long Uyên chế biến xoài xuất khẩu.

Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, UBND tỉnh đã phân công các sở, ngành nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh giải quyết và định ra thời gian báo cáo UBND tỉnh về tiến trình giải quyết đối với từng kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp.

Ông Trần Văn Dũng cho biết, từ thực tiễn sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước; những chủ trương, chính sách của Trung ương năm 2013 và những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tỉnh đã đề ra kế hoạch, giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, phấn đấu năm 2013 toàn tỉnh có 450 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 10% so năm 2012), vốn đăng ký 1.500 tỷ đồng (tăng 23% so năm 2012); giá trị gia tăng của khu vực doanh nghiệp tăng 15,5%, đóng góp của doanh nghiệp trên 40% trong tổng GDP của tỉnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh sẽ đề ra những giải pháp thực hiện một cách cụ thể.

Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2013 tình hình chung của các doanh nghiệp là rất khó khăn. Khó khăn lớn nhất là chi phí sản xuất - kinh doanh tăng cao, chủ yếu do chi phí của nguyên, nhiên, vật liệu, giá vốn cao và khó khăn về thị trường tiêu thụ thu hẹp do sức mua giảm. Điều này khiến lượng hàng tồn kho lớn và tập trung chủ yếu ở những ngành như: Bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, chế tạo, vận tải kho bãi…

Đối với các doanh nghiệp chế biến lương thực, thủy sản thì khó khăn nhiều hơn. Các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng do lãi suất vay còn cao, hầu hết các khoản dư nợ tín dụng đều đến hạn hoặc chuyển qua nợ xấu, nợ khó đòi…

Ông Lê Sơn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng phân tích thêm, từ cuối năm 2012 xuất khẩu cá tra ở hầu hết thị trường tiêu thụ giảm, dẫn đến tình hình giá nguyên liệu trong nước cũng luôn ở mức thấp. Tình trạng này gây không ít khó khăn cho cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Do vậy, vấn đề quy hoạch lại vùng nguyên liệu đối với diện tích nuôi cá tra hiện nay cần được quan tâm nhiều hơn.

TẬP TRUNG QUYẾT LIỆT CỦA CÁC NGÀNH

Điểm chú ý trong hội nghị lần này là UBND tỉnh đã chỉ đạo trực tiếp các sở, ngành tỉnh thực hiện những phần việc nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất - kinh doanh. Đối với các sở, ngành, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đạt hiệu quả.

Sở KH-ĐT chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tiếp nhận ý kiến đề xuất của doanh nghiệp; tăng cường hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo lao động kỹ thuật; tổ chức hướng dẫn, trợ giúp khởi sự doanh nghiệp, khuyến khích hộ sản xuất chuyển sang thành lập doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, nhân lực, đất đai.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện chính sách huy động vốn linh hoạt, phù hợp từng thời điểm để thu hút tối đa các nguồn vốn nhàn rỗi; thực hiện tốt chính sách hạ mặt bằng lãi suất phù hợp mức giảm của lạm phát để tiếp tục chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn, mở rộng sản xuất - kinh doanh; đánh giá lại danh mục nợ xấu, đánh giá lại tài sản đảm bảo của các khoản vay, khả năng thu hồi, phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng để được hỗ trợ tích cực trong công tác xử lý, thu hồi nợ xấu…

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Trần Thế Ngọc đã nhấn mạnh: UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành tập trung thực hiện cải cách thủ tục đầu tư theo hướng nhanh gọn, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; rà soát lại các danh mục kêu gọi đầu tư để sửa đổi, bổ sung danh mục mới phù hợp; cần tạo quỹ đất, cơ chế thích hợp cho nhà đầu tư; việc xúc tiến thương mại phải có cơ chế liên kết “bốn nhà”; thực hiện việc khảo sát nhu cầu đào tạo nghề để có kế hoạch đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; tổ chức cải cách cơ chế quản lý và thúc đẩy đầu tư sản xuất - kinh doanh…

Liên quan đến các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ lãi suất cho vay cũng như việc cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, ông Võ Thanh Nhã, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Tiền Giang cho biết, đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện việc cơ cấu nợ cho khách hàng như cơ cấu về thời gian trả nợ, cơ cấu về lãi suất và miễn, giảm lãi cho khách hàng.

Tính từ ngày 1-1 đến 28-2, hệ thống ngân hàng thương mại đã thực hiện cơ cấu cho 2.079 khách hàng với dư nợ trên 262 tỷ đồng, trong đó có 42 doanh nghiệp, với dư nợ trên 87 tỷ đồng. Việc cơ cấu nợ, cơ cấu lại lãi vay... đang được các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các ngân hàng thương mại và quỹ tín dụng nhân dân thực hiện nghiêm trần lãi suất cho vay, rà soát dư nợ các khoản cho vay cũ , ngắn hạn của 4 lĩnh vực ưu tiên. Đến cuối tháng 2-2013, cơ cấu nợ có lãi suất dưới 12%/năm chiếm gần 30%, nợ có lãi suất từ 12-15%/năm chiếm gần 61%, nợ có lãi suất trên 15%/năm chiếm 9,23%...

Chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, UBND tỉnh luôn quan tâm sát tình hình hoạt động, lắng nghe ý kiến phản ánh, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành phối hợp tập trung thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần rà soát lại toàn bộ hoạt động sản xuất - kinh doanh, tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại doanh nghiệp; tự giác thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, Luật Quản lý thuế, về an toàn vệ sinh thực phẩm…

Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng chính thức phát động thi đua trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo phong trào cùng các cấp, các ngành thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi.

THẾ ANH

.
.
.