Thứ Sáu, 12/04/2013, 15:43 (GMT+7)
.
Hành trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Những kiến giải để CĐML ngày càng lớn

BÀI 1: Lời giải từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

BÀI 2: Tiền Giang với CĐML - Bước đầu và triển vọng

Để xây dựng mô hình CĐML ngày càng lớn, Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông cùng kiến giải các phương thức để mô hình ngày càng đạt hiệu quả hơn.

Ảnh minh họa. Ảnh: Như Lam
Mô hình CĐML ngày càng lớn và ngày càng đạt hiệu quả hơn. Ảnh: Như Lam

 PGS.TS PHẠM VĂN DƯ, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC TRỒNG TRỌT: Sẽ có những bước điều chỉnh và hoàn thiện phương án hợp tác

Có thể nói, một số nơi, vấn đề liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong quá trình thực hiện CĐML vẫn chưa tốt. Hiện nay, cả nước có trên 130 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Trong đó, nhiều doanh nghiệp đang tham gia thu mua lúa gạo trong CĐML như: Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty Lương thực Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long… và nhiều doanh nghiệp tư nhân khác nữa.

Tuy nhiên, năng lực và số lượng thu mua vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên có thể do sự ràng buộc pháp lý chưa rõ ràng, nông dân đòi hỏi giá cả và lợi nhuận vượt quá sự thỏa thuận, không đảm bảo các yếu tố, tiêu chuẩn hoặc doanh nghiệp không chịu chia sẻ rủi ro, không đảm bảo thời gian thu mua theo thỏa thuận… Điều này xảy ra với nhiều hợp đồng thu mua nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân. Sự hợp tác này trong CĐML cũng không ngoại lệ.

Chúng ta đang trong quá trình xây dựng và triển khai mô hình CĐML, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu và sản xuất thu mua theo hợp đồng. Vì vậy, những trục trặc, khó khăn vấp phải cũng là điều đương nhiên, sẽ có nhiều bước điều chỉnh và hoàn thiện các phương thức hợp tác được tốt hơn trong tương lai dựa trên những cơ sở lợi ích thiết thực và hiệu quả cho cả doanh nghiệp và nông dân.

BÀ NGUYỄN KIM LIÊN, TRƯỞNG PHÒNG NN&PTNT HUYỆN CÁI BÈ: Nông dân sẽ được lợi ích kép

Trong những năm qua, huyện Cái Bè đã xây dựng vùng lúa chất lượng cao 100 ha, với giống lúa Jasmine ở xã Hậu Mỹ Trinh. Phát huy nền tảng đó, trong vụ đông xuân 2012-2013, huyện xây dựng CĐML tại xã Hậu Mỹ Trinh và Hậu Mỹ Bắc A, với diện tích 300ha.

Trong vụ hè thu 2013, huyện Cái Bè sẽ tiếp tục thực hiện mô hình CĐML 300ha, do Công ty Bảo vệ thực vật An Giang hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua toàn bộ sản phẩm.

Để CĐML được phát huy hiệu quả, huyện Cái Bè đang hoàn thiện hệ thống thủy lợi, kiên cố cống đập, cấp không giống lúa chất lượng cao cho nông dân canh tác hơn 27ha để đầu tư chuyển đổi giống. Bước đầu thực hiện, nông dân thấy phấn khởi vì lúa đạt năng suất rất cao (10 tấn/ha lúa tươi), bán được giá, được đi tham quan nhiều nơi…

Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng và vấn đề tìm nguồn bao tiêu vẫn còn gặp khó. Thời gian tới, huyện sẽ nhân rộng mô hình này ra từ từ. “Tham gia CĐML, nông dân sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất vì canh tác theo một quy trình, đồng loạt và các dịch vụ như: Làm đất, thủy lợi, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cơ giới hóa, phơi sấy…

Trong các dịch vụ sản xuất này có nhiều dịch vụ sẽ thấp hơn so với hoạt động riêng lẻ như làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, sấy; có những dịch vụ làm gia tăng chất lượng lúa, gạo như giống, phòng trừ dịch hại…chưa kể nếu canh tác theo hướng GAP, chi phí sẽ giảm đáng kể mà năng suất, chất lượng lại gia tăng và nếu xây dựng thương hiệu thì lợi ích của nông dân là lợi ích kép: giảm chi phí, giảm giá thành, tăng giá trị, tăng lợi nhuận”- bà Liên cho biết.

ÔNG LÊ THANH KHIÊM, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY LƯƠNG THỰC TIỀN GIANG: Liên kết cần chặt chẽ hơn nữa

Chúng tôi muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, đặc biệt là nguồn nguyên liệu lúa chất lượng cao, nhằm đáp ứng một cách chủ động nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.

Việc tham gia mô hình CĐML còn tạo điều kiện và cơ hội để doanh nghiệp được thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng, đặc biệt là với bà con nông dân như: Hỗ trợ vốn đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với giá hợp lý, không phải chịu lãi suất và bao tiêu lúa hàng hóa với giá cả hợp lý, góp phần ổn định giá lương thực, giải quyết đầu ra cho bà con nông dân yên tâm sản xuất.

Để tham gia CĐML có hiệu quả, trước hết bà con nông dân nên thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất lúa hàng hóa thông thường chuyển dịch theo hướng sản xuất lúa chất lượng cao phù hợp theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Bà con cần tuân thủ theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật về quy trình sản xuất lúa, quản lý dịch hại, phòng trừ sâu bệnh từ khi sản xuất đến thu hoạch.

Trong đó, yếu tố chất lượng sản phẩm lúa làm ra có ý nghĩa quyết định, bởi trên thực tế đây là mục tiêu chủ yếu: Cánh đồng “mẫu”, trước hết phải “mẫu” về giống lúa, phải chuẩn về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu; công nghệ phơi sấy, bảo quản sau thu hoạch đúng yêu cầu, nhằm mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất, tăng chất lượng sản phẩm với chi phí thấp nhất…Và đây chính là điều kiện để tạo ra thương hiệu, tạo ra giá trị gia tăng, tạo ra hiệu quả và lợi ích bền vững cho bà con khi tham gia CĐML.

Cần nhấn mạnh vai trò “nhạc trưởng” của Nhà nước và phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước để liên kết “4 nhà”. Cụ thể là quy hoạch được vùng sản xuất lúa hàng hoá chất lượng cao đủ lớn theo nhu cầu, đòi hỏi của khách hàng và thị trường thông qua các đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Trong mô hình, phải khuyến cáo chỉ sử dụng từ 1-2 loại giống cấp xác nhận. Chẳng hạn, khu vực Gò Công sản xuất giống lúa thơm Nàng Hoa; khu vực Cai Lậy có các giống OM; khu vực Hậu Mỹ Trinh (Cái Bè) thì trồng lúa Jasmine...

ÔNG ĐỖ THÀNH HAI, ẤP 4 (THẠNH LỘC, CAI LẬY) TRỰC TIẾP THAM GIA CĐML: Cần hỗ trợ nông dân hơn nữa

Lão nông tri điền Đỗ Thành Hai sản xuất 0,7 ha lúa theo mô hình CĐML trong vụ đông xuân 2012-2013, với năng suất 8 tấn/ha. Vụ mùa vừa qua, ông lãi trên 20 triệu đồng/ha. Trong vụ hè thu này, gia đình ông tiếp tục canh tác toàn bộ diện tích trên theo mô hình CĐML.

Qua 1 vụ mùa thử nghiệm, ông Hai cho biết: Bước đầu nông dân đã thấy được hiệu quả, chúng tôi được đầu tư giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Người nông dân “chân lấm tay bùn” cũng cần cơ quan chức năng hỗ trợ dịch vụ sản xuất lúa tốt nhất, với giá thấp nhất như: lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả, giá cả hợp lý. Lúa được mua đúng thời điểm, giá cả phù hợp và các doanh nghiệp giữ đúng lời hứa.

Ngoài ra, khi tham gia chúng tôi còn cần được hỗ trợ vốn để tái sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất như: Nhà kho, mua máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp theo một phương thức liên kết mới, nông dân cần được đào tạo, hướng dẫn khoa học, kỹ thuật, gia tăng chất lượng, giá trị, thông tin thị trường, tiếp thị sản phẩm… để tăng lợi nhuận; cần những dịch vụ phục vụ trong suốt quá trình canh tác…

Bên cạnh đó, nông dân cần phải giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và lợi nhuận… có như vậy, nông dân mới thấy được hiệu quả rất thiết thực của mô hình và cùng tham gia.

SĨ NGUYÊN

.
.
.