Thứ Sáu, 12/04/2013, 06:07 (GMT+7)
.

Các huyện, thị phía Đông: Lời giải cho “bài toán” nước sản xuất, dân sinh

Phát biểu lại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu là có thật và không thể đảo ngược, dường như trầm trọng hơn, diễn ra với tốc độ nhanh hơn, đang ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân”. Với Tiền Giang, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng thấy rõ ở các huyện, thị phía Đông. Ở vùng này nguy cơ thiếu nước sản xuất, sinh hoạt nghiêm trọng hơn và thường xuyên hơn.

Mặn đến sớm, mưa về muộn

Theo Sở NN&PTNT, mùa khô năm 2013 mặn đến sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm gần 1 tháng. Cống Xuân Hòa, cống lấy nước chủ yếu của vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đóng sớm hơn cùng kỳ năm 2012 trên 1 tháng. Nắng nóng gay gắt, kéo dài, mực nước kinh trục trong vùng dự án xuống nhanh, nhiều tuyến kinh cấp 2, kinh cấp 3 cạn nước nên có 2.300 ha lúa phải bơm chuyền 2 cấp. Kéo theo nguồn nước sinh hoạt (chủ yếu lấy từ kinh, ao chứa) trong vùng thiếu nghiêm trọng, vừa nhiễm mặn, vừa không đảm bảo vệ sinh.

Vào mùa khô, huyện Tân Phú Đông gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt.
Vào mùa khô, huyện Tân Phú Đông gặp rất nhiều khó khăn về nước sinh hoạt.

Cách nay 3 năm, hạn, mặn cũng làm khoảng 6.000 ha lúa đông xuân 2009-2010 ở huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây gặp khó khăn về nước, nông dân phải bơm chuyền và trên 500 ha ở khu vực ven biển giảm năng suất từ 20-70%. Chưa hết, năm đó mùa mưa đến muộn hơn khoảng 1 tháng so với cùng kỳ năm trước khiến cho vụ lúa đông xuân 2010-2011 trong vùng dự án phải xuống giống trễ hơn khoảng 1 tháng.

Hệ quả dây chuyền, vụ lúa đông xuân năm sau không đảm bảo cắt nước trước ngày 15-3 (thời điểm sản xuất “né” mặn an toàn). Bốn năm trước, hạn và mặn cũng đã làm cho nhiều tuyến kinh trơ đáy, các diện tích lúa trong vùng gặp khó khăn về nước, một số diện tích bị ảnh hưởng năng suất.

Xâu chuỗi những năm gần đây cho thấy hạn, mặn rất phức tạp, bất thường theo hướng đến sớm hơn và kết thúc muộn hơn, diễn biến gay gắt hơn gây bất lợi trong sản xuất, dân sinh. Ông Lê Tấn Trưng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, cho biết những năm trước đây chu kỳ lặp lại hiện tượng thời tiết bất thường như hạn gay gắt, kéo dài, mặn đến sớm thường khoảng 10 - 20 năm.

Những năm gần đây, những diễn biến bất thường trên có dấu hiệu xuất hiện thường xuyên hơn với khoảng cách rút ngắn lại chỉ còn vài, ba năm. “Không biết có phải do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu hay không nhưng những biến đổi này đã và đang tác động bất lợi cho sản xuất, dân sinh khu vực này”- ông Trưng nói.

Qua nhiều năm quan trắc, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống lụt bão cho biết, mặn ngày càng có xu hướng xuất hiện sớm hơn. Từ đó, thời gian lấy nước của cống Xuân Hòa, cống lấy nước chủ yếu phục vụ sản xuất, dân sinh cho ngọt hóa Gò Công ngày càng ngắn lại. Mặc dù những năm qua công tác thủy lợi nội đồng rất được quan tâm nhưng trước những xu hướng hạn, mặn đến sớm, kéo dài, việc sản xuất lúa 3 vụ nơi đây sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đối với nước sinh hoạt, khu vực ngọt hóa Gò Công và huyện Tân Phú Đông không thể khai thác được nước ngầm, chỉ sử dụng nguồn nước mặt từ kinh, ao trữ. Sau khi tập trung nước cho sản xuất vụ đông xuân (Tân Phú Đông không chủ trương sản xuất vụ này), các kinh, mương bị cạn kiệt cùng với nhiễm phèn, mặn do nắng nóng, xâm nhập mặn, nguồn nước sinh hoạt cung cấp cho người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Lời giải “bài toán” về nước

Lời giải “bài toán” về nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt khu vực phía Đông của tỉnh cho hiện tại và tương lai đang được đặt ra rất cấp thiết. Giải pháp vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng cần chuyển đổi sản xuất lúa trong vùng từ 3 vụ sang 2 vụ lúa 1 vụ màu để giảm nhu cầu sử dụng nước ở cuối vụ đông xuân, rút ngắn thời gian sản xuất trong năm.

Tuy nhiên, thực tế việc chuyển đổi theo hướng này không dễ thực hiện. Ông Lê Tấn Trưng cho rằng, khuyến cáo là thế nhưng người dân không làm theo. Theo ông, việc trồng cây gì dễ, hiệu quả hơn cây lúa và mang tính bền vững vẫn chưa có.

Trong khi người dân gắn bó với cây lúa bao đời, nay bảo họ chuyển sang trồng cây khác rất khó. Thời gian qua, người dân ở một số nơi đã có chuyển đổi từ lúa sang trồng ớt, dưa hấu, rau màu từ 1 - 2 vụ trong năm nhưng diện tích không lớn.

Theo ông, giải quyết khó khăn về nước vào cuối vụ đông xuân, trước mắt cần tập trung vận động người dân ở những vùng khó khăn, xa nguồn nước chuyển đổi sản xuất theo hướng 2 vụ lúa, 1 vụ màu hoặc những cây trồng ít sử dụng nước. Để làm được việc này, đòi hỏi chúng ta phải xây dựng mô hình sản xuất điểm, trình diễn hiệu quả rồi nhân rộng dần ra và việc vận động đòi hỏi phải kiên trì.

Theo ông Võ Văn Hoàng (Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Đông), giải quyết tình hình thiếu nước sinh hoạt, các ngành, các cấp sẽ đầu tư, phát triển đường ống nước dần từng năm theo hướng ưu tiên vào các cụm dân cư tập trung (bằng các nguồn vốn khác nhau).

Đối với hộ dân sống rải rác, giải pháp chỉ có thể là trang bị bể chứa, trong đó Nhà nước đầu tư, trang bị cho những hộ nghèo, những hộ dân còn lại tự trang bị. Huyện phấn đấu đến năm 2015, khoảng 90% cụm dân cư trên địa bàn huyện có nước máy sử dụng.

Sử dụng nước trước ngày 15-3 thì cắt vụ hoặc chuyển đổi sang 2 vụ lúa 1 vụ màu). Những khu vực khó khăn về nước, xa nguồn nước chuyển đổi sang trồng màu hay ít nhất 1 vụ màu.

Bên cạnh đó, để cải thiện nguồn nước trong vùng dự án, các ngành chức năng đang tiếp tục hoàn thiện Dự án Ngọt hóa Gò Công; cải tạo cống Xuân Hòa bằng phương pháp lắp thêm những cửa cung để chủ động đóng mở, có thể tranh thủ những thời điểm nước giảm mặn trên sông lấy nước bổ cấp cho vùng.

Về lâu dài, để đảm bảo cho nước ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh trong vùng, trong quy hoạch thủy lợi của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (có tính đến biến đổi khí hậu), giải pháp đưa ra là tạo vùng ngọt phía Tây dẫn nước về phía Đông bằng cách siphon (dẫn nước qua) qua kinh Chợ Gạo để bổ cấp cho khu vực ngọt hóa.

Còn đối với Tân Phú Đông, hiện nay ở đây đã có Dự án Đê bao Phú Thạnh- Phú Đông. Về lâu dài, chúng ta củng cố đê biển, đê cửa sông Gò Công 2 theo hướng bao đê 5 xã cù lao tạo ngọt đảm bảo sản xuất 2 vụ lúa trong năm. Đối với nước sinh hoạt, tỉnh đã có dự án đào ao trữ nước 6 ha ở xã Tân Thới. Định hướng sau này sẽ xây dựng nơi đây nhà máy chính đưa nước bổ cấp về các trạm còn lại vào mùa khô.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng có một phương án khác là xem xét dự án đưa nước từ đất liền (qua đấu nối nguồn nước BOO Đồng Tâm) vượt sông Cửa Tiểu qua cù lao. Tất nhiên, đây là phương án so sánh về hiệu quả kinh tế giữa sử dụng nước tại chỗ với đưa nước từ đất liền qua và giải pháp kỹ thuật. 

N.VĂN

.
.
.