Cái Bè: Tăng cường phòng, chống dịch cúm gia cầm
Hiện nay, dịch cúm gia cầm đang diễn biến phức tạp ở một số tỉnh nói chung và tỉnh ta nói riêng. Đặc biệt có 1 ca tử vong vì cúm A/H5N1 xảy ra tại tỉnh Đồng Tháp. Là huyện giáp ranh, Cái Bè phải tăng cường phòng, chống.
Trưởng ấp 1 (Tân Thanh, Cái Bè) phát tờ rơi cho hộ chăn nuôi hướng dẫn về cách phòng, chống dịch cúm gia cầm. |
Về huyện Cái Bè trong những ngày này, chúng tôi nhận thấy công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được ngành Thú y và nhân dân thực hiện cao độ hơn bao giờ hết. Anh Nguyễn Hoàng Vũ, ấp 1 (Tân Thanh, Cái Bè) nuôi rất nhiều chim bồ câu, chim trĩ, gà đông tảo, nhím… Anh Vũ cho biết: Chúng tôi nghe thông tin xã Tân Hội Trung (TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp) có 1 em bé bị tử vong do nhiễm cúm A/H5N1 nên rất sợ.
Mặc dù nơi đây chưa xảy ra nhưng là xã giáp ranh, gia đình có em nhỏ nên chúng tôi chủ động đề nghị ngành chức năng đến phun tiêu độc khử trùng xung quanh nhà và cả trang trại. Không cho em nhỏ tiếp xúc với gia súc, gia cầm trong nhà. Bản thân khi tiếp xúc cũng phải mang dụng cụ bảo hộ theo hướng dẫn của ngành Thú y.
Gần đây huyện Cái Bè cũng phát hiện ổ dịch cúm gia cầm với 130 con gà chết/740 con tại hộ ông Tiết Lễ (Mỹ Hưng C, Mỹ Đức Đông). Vì vậy, công tác tiêm phòng và tiêu độc khử trùng nơi đây càng khẩn trương hơn. 12 giờ trưa ngày 16-4, lực lượng thú y tỉnh, huyện và đoàn viên, thanh niên xã Mỹ Đức Đông dù chưa có hột cơm bỏ bụng vẫn không quản ngại phun tiêu độc khử trùng toàn bộ địa bàn, tiêm phòng cho đàn gia cầm để tránh phát tán ra các hộ nuôi khác.
Anh Nguyễn Tấn Út (Mỹ Hưng C, Mỹ Đức Đông), cho biết: Sau khi nghe có ổ dịch xuất hiện, chúng tôi chủ động nhốt trên 100 con gà, vịt của gia đình lại và chờ ngành Thú y đến tiêm phòng. Chứ một khi xảy ra, mầm bệnh sẽ tồn tại trong môi trường, sau này khó chăn nuôi và chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ông Phạm Văn Thanh, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cái Bè cho biết: Ở 6 xã giáp ranh với tỉnh Đồng Tháp (Tân Thanh, Tân Hưng, Mỹ Lợi B, Mỹ Tân, Mỹ Trung và Hậu Mỹ Bắc B) chúng tôi đã tuyên truyền về tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm hiện nay, về mối đe dọa đến sức khỏe con người khi tiếp xúc với gia cầm nhiễm bệnh;
Đồng thời huy động toàn bộ lực lượng tổng vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng vắc xin cho gia cầm ở những nơi có nguy cơ nhiễm bệnh cao. Ngoài ra, còn kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và các sản phẩm gia súc, gia cầm từ các tỉnh lân cận (nhất là Đồng Tháp) đi qua địa bàn huyện Cái Bè…
Ngành thú y tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm ở xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. |
Về những lo ngại của người chăn nuôi trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến khá phức tạp, ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khuyến cáo các hộ chăn nuôi thường xuyên tiến hành vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; chủ động trong lựa chọn con giống; đồng thời theo dõi sát sao chuồng trại, khi phát hiện gia cầm chết, chủ động thông báo cho cán bộ thú y địa phương.
Hiện nay, tỉnh còn 1,5 triệu liều vắc xin cúm gia cầm. Lượng vắc xin này bảo đảm cho việc tiêm phòng theo kế hoạch và dự phòng khi có dịch bệnh xảy ra. Theo ông Khánh, nhiều năm trở lại đây, tỉnh Tiền Giang không xảy ra dịch nên tâm lý của các chủ trại, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn rất chủ quan, không theo dõi nắm bắt tình hình, cho rằng dịch đang ở xa, không ảnh hưởng. Chính tâm lý chủ quan này cộng với nhiều yếu tố khách quan đòi hỏi các ngành chức năng phải vào cuộc; tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời; phát hiện nhanh và xử lý sớm.
Sự bùng phát của dịch bệnh cộng với nạn buôn bán gia cầm lậu ngày càng tinh vi, tập tục chăn nuôi gia cầm kiểu chạy đồng, nhỏ lẻ cùng với tâm lý chủ quan, chưa trang bị đầy đủ kiến thức về chăn nuôi… đang là những mối lo ngại cận kề khiến nguy cơ dịch cúm gia cầm có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, để công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp, trước hết người dân cần tự bảo vệ đàn vật nuôi của mình bằng cách tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh.
SĨ NGUYÊN
Tháng 4-2013 là thời điểm bùng phát dịch cúm gia cầm tại khu vực châu Á. Theo số liệu thống kê mới nhất, Trung Quốc đã có trên 90 ca nhiễm cúm A/H7N9, trong đó có gần 20 người tử vong. Tại Campuchia, từ đầu năm 2013 đến nay, cúm A/H5N1 đã làm chết 8 người, trong đó có 6 trẻ em, đã có hơn 13.000 con gà bị tiêu hủy hoặc chết vì căn bệnh dễ lây lan này. Ở trong nước, tại Đồng Tháp (giáp biên giới Campuchia) là địa phương đầu tiên ở Đồng bằng sông Cửu Long có trường hợp tử vong do cúm A/H5N1 trên người. Cùng thời điểm, cơ quan thú y đã phát hiện ra các mẫu dương tính với virus cúm A/H5N1 từ chim yến (tại Ninh Thuận), chim trĩ đỏ (tại Tiền Giang). |