Giá dừa tăng cao, cung không đủ cầu
Hơn 1 tháng qua, tại các vùng trồng dừa tập trung ở các huyện: Gò Công Tây, Chợ Gạo, Tân Phú Đông, giá dừa khô tăng cao vì khan hiếm nguồn hàng.
DỪA TREO TRÁI, GIÁ TĂNG CAO
Chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, người trồng dừa rất phấn khởi vì giá dừa đã tăng gần gấp đôi. Anh Đặng Thành Phong, ấp Bình An (Vĩnh Hựu, Gò Công Tây) cho biết, mới tháng rồi giá dừa còn khoảng 40.000-50.000 đồng/chục (14 trái, có nơi 12 trái). Cách đây 2 tháng, giá dừa còn ở mức 30.000-35.000 đồng/chục, hiện nay đã tăng lên khoảng 65.000-80.000 đồng/chục ở dạng bán sa cạ. Riêng đối với dừa cỡ lớn, giá có thể “đẩy” lên từ 90.000 - 100.000 đồng/chục.
Giá dừa tăng cao nhưng nhà vườn không có dừa để bán. Anh Phong cho biết, những năm gần đây chưa có năm nào năng suất dừa thấp như năm nay. Thông thường từ cuối năm trước đến đầu năm sau là thời điểm dừa cho thu hoạch trái rất nhiều nhưng năm nay chỉ bằng 50% so với năm rồi. Thông thường 1 buồng dừa mang cả chục trái trở lên nhưng bây giờ buồng nào cũng chỉ có vài trái, có cây không có trái nào.
Từ trước và sau Tết đến nay, 6 công dừa đang cho trái của anh Phong mỗi tháng chỉ cho thu hoạch khoảng ba trăm dừa. Trong khi cùng thời điểm này các năm trước, mỗi tháng anh thu hoạch từ năm trăm đến sáu trăm dừa. Năm rồi, dừa mùa trúng lớn nhưng thất giá thảm hại; năm nay trúng giá nhưng không có dừa để bán. Mọi người nói giá dừa cao thế này, người trồng có lời. Điều này không sai. Nhưng hiện nay không có dừa để bán thì lấy đâu ra lời. Cuối cùng người trồng dừa cũng chẳng được lợi bao nhiêu từ giá dừa này” - anh Phong bày tỏ.
Dù giá dừa tăng cao, thương lái vẫn không mua đủ lượng dừa mà họ cần (Ảnh chụp tại điểm mua dừa ở xã An Thạnh Thủy, Chợ Gạo). |
Tại Tân Phú Đông, sau thời gian dài lao đao về giá dừa, người dân tỏ ra rất phấn chấn trước diễn biến giá dừa hiện nay. Song, niềm vui ấy cũng không trọn vẹn. Tại các xã: Tân Thới, Tân Thạnh, nơi nổi tiếng dừa cho trái to và sai trái, những tháng qua các vườn dừa cũng đang trong tình trạng “treo cổ”.
Ông Quyện, ấp Tân Hòa, xã Tân Thạnh, cho biết: “Hiện nay lượng dừa khô cho thu hoạch rất ít, không đáp ứng nhu cầu thương lái mua. Thường mọi năm, thời điểm này vườn dừa nhà tôi cho thu hoạch từ năm trăm đến sáu trăm dừa, trong khi đó hiện giờ chỉ hái được bốn trăm dừa/tháng”.
Lý giải điều này, ông Lê Tấn Trưng, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây, cho rằng nguyên nhân xảy ra tình trạng khan hiếm dừa khô là do trong thời gian dài vừa qua giá dừa xuống thấp, người dân bỏ bê trong khâu chăm sóc và bón phân dẫn đến dừa giảm năng suất cho trái, trong khi những giống dừa hiện nay cần bón phân thường xuyên mới cho trái đều đặn (trước đây nông dân không bón phân cho dừa).
Mặt khác, trong thời gian dừa khô giảm giá mạnh, nông dân chuyển sang bán dừa tươi uống nước dẫn đến không có dừa khô trong thời điểm hiện tại. Hơn nữa, việc bán dừa tươi cũng phần nào làm thay đổi sinh lý, gây sốc cây dừa nên ngưng cho trái trong thời gian nhất định.
Còn theo một số nông dân, nguyên nhân còn ở chỗ do ảnh hưởng bất lợi của thời tiết vào thời điểm cuối mùa mưa năm rồi làm cho dừa giảm khả năng đậu trái. Bởi thực tế, có rất nhiều vườn không bán dừa tươi, khâu chăm sóc cho dừa vẫn đều đặn nhưng cây vẫn giảm năng suất thu hoạch. Trong khi đó nhu cầu xuất khẩu dừa từ các nước trong khu vực đang tăng trở lại dẫn đến nguồn cung không đủ cầu. Đây được cho là nguyên nhân làm cho giá dừa tăng cao hiện nay.
Cũng theo người trồng dừa, năng suất dừa khô thấp hiện tại chưa phải đã “chạm đáy”. Bởi hiện nay, cây dừa đang mang trái rất ít, nhiều cây không có trái. Trong khi đó, khu vực các huyện phía Đông (khu vực có diện tích trồng dừa tập trung nhất của tỉnh) đang bước vào mùa khô hạn, khả năng làm trái của dừa trong giai đoạn này giảm đáng kể. Từ đó, nhiều nông dân cho rằng, thời gian tới, lượng dừa khô thu hoạch sẽ còn thấp hơn và tình trạng này kéo dài ít nhất khoảng 3-4 tháng nữa.
KHÔNG CÓ DỪA ĐỂ MUA
Chị Phạm Thị Ánh Dung, thương lái mua bán dừa ở ấp Thạnh Hòa (An Thạnh Thủy, Chợ Gạo) cho biết, 2 tuần nay chị liên tục liên hệ nhiều nơi, hỏi nhiều lái mua dừa nhưng vẫn không gom đủ hàng. “Trước đây, mỗi ngày, tôi mua vào trên một thiên dừa. Hơn cả tháng nay, từ 3 - 4 ngày, tôi chỉ mua được từ ba trăm đến năm trăm dừa. Mọi năm vào thời điểm này dừa nhiều đến nỗi mua không hết. Còn giờ có tiền cũng chưa chắc mua được dừa”- chị Dung bày tỏ.
Để mua được dừa, các thương lái ngoài tỉnh đẩy giá lên để tranh mua với các thương lái địa phương. Giá tăng cao nhưng vẫn không mua đủ lượng hàng. Chị Trúc, thương lái mua bán dừa ở xã Vĩnh Hựu (Gò Công Tây), cho biết, các công ty thu mua dừa ở Bến Tre đang đẩy mạnh thu mua dừa để làm nguyên liệu chế biến, xuất khẩu nên thương lái bên ấy đang đẩy mạnh mua dừa, tăng giá cao như thế. Trong khi đó, sức tiêu thụ dừa tại TP. Hồ Chí Minh vẫn rất chậm. Do phải cạnh tranh mua dừa, các thương lái đi TP. Hồ Chí Minh cũng buộc phải đẩy giá theo.
“Năm nào, Bến Tre hút hàng thì dừa ở đây tăng giá, còn Bến Tre dội hàng là giá giảm rất mạnh. Lúc trước, giá dừa thấp nông dân kêu bán dừa, thương lái không muốn mua. Còn giờ, giá dừa tăng cao, thương lái “săn lùng” mua dừa nhưng nông dân không có dừa để mua. Hiện nay, có bao nhiêu dừa, thương lái Bến Tre cũng mua hết. Nhưng có dừa nhiều đâu mà bán cho họ” - chị Trúc nói.
Trong 2 năm trở lại đây, người trồng dừa chứng kiến 2 cuộc biến động lớn trên thị trường dừa. Cách đây khoảng 2 năm, dừa xảy ra đợt tăng giá chóng mặt và đỉnh điểm của nó là dừa đạt giá 140.000 đồng/chục. Để rồi sau đó chỉ trong vài tháng, giá dừa đột ngột rơi “tự do” và xuống cực điểm chỉ còn từ 10.000-15.000 đồng/chục.
Giờ đây, dừa đang “sốt” giá trở lại. Và mỗi đợt biến động giá xảy ra, diện tích dừa và cuộc sống người trồng dừa lại bị xáo lộn. Giờ đây, người trồng dừa đang tiếp tục trải qua những cảm xúc vừa mừng vừa lo. Mừng vì giá cao và lo diễn biến giá dừa sau đó sẽ thế nào khi ký ức về những cuộc biến động trước đây vẫn còn đó.
N.VĂN