Thứ Hai, 08/04/2013, 15:04 (GMT+7)
.

Hành trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) được xác định là tiền đề để đưa ngành sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người trồng lúa bằng cách đưa nông hộ nhỏ, sản xuất đơn lẻ, không đồng đều về chất lượng sản phẩm sang sản xuất tập trung có sản phẩm đồng đều, tiến tới xây dựng thương hiệu xuất khẩu cho hạt gạo Việt Nam.

Hành trình xây dựng CĐML ngày càng khẳng định là xu thế tất yếu, là giải pháp thiết thực cho sản xuất lúa hiện nay và tương lai, nhằm hướng tới thị trường trong nước và quốc tế.

CĐML ở xã Tân Hòa Tây (huyện Tân Phước, Tiền Giang) và mô hình CĐML ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long).                                                                        Ảnh: TRỌNG TẤN - NGUYỄN SỰ CĐML ở xã Tân Hò
CĐML ở xã Tân Hòa Tây (Tân Phước, Tiền Giang) và mô hình CĐML ở huyện Mang Thít (Vĩnh Long). Ảnh: Trọng Tấn - Nguyễn Sự.

BÀI 1: Lời giải từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

 Mô hình CĐML được triển khai tại ĐBSCL đến nay hơn 2 năm với diện tích, số lượng nông dân, doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều. Bước đầu, kết quả rất khả quan khi nông dân giảm được giá thành sản xuất, năng suất và lợi nhuận cao; doanh nghiệp thu sản lượng lúa lớn, chất lượng đồng đều, bán được giá...; nông dân không còn cảnh “trúng mùa, rớt giá”, giải quyết hài hòa được lợi ích của doanh nghiệp và nông dân.

XÂY DỰNG CĐML LÀ CẦN THIẾT

Điều kiện của mô hình CĐML là có diện tích từ 300-500 ha và phải nằm trong quy hoạch tổng thể nông nghiệp, nông thôn; theo chủ trương, nghị quyết, chương trình hành động của địa phương; có điều kiện tự nhiên (đất đai, thời tiết, khí tượng thủy văn…) phù hợp; hạ tầng kinh tế xã hội (hệ thống thủy lợi, đội ngũ cán bộ kỹ thuật, trình độ, tập quán của nông dân) tương đối tốt.

Ngoài ra, mô hình cũng dựa trên thực tiễn là cánh đồng phải ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, với nhiều tên gọi khác nhau: cánh đồng “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, cánh đồng hiện đại, cánh đồng “1 giống”… Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay diện tích trồng lúa của ĐBSCL có trên 1,5 triệu ha nhưng trong đó có 72 ngàn ha tham gia vào CĐML; 12/13 tỉnh, thành phố của khu vực tham gia CĐML từ 20.000-30.000 ha.

Mô hình  liên kết
Mô hình liên kết "4 nhà" theo CĐML tại huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.

Khảo sát của một số địa phương và tính toán của nông dân thì canh tác lúa theo mô hình CĐML sẽ tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành; lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với bên ngoài từ 2,2-7,5 triệu đồng/ha; khắc phục, hạn chế sự chênh lệch giữa các hộ nông dân, tạo sự đồng đều trên toàn bộ cánh đồng về năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy sự phát triển hợp tác xã kiểu mới; cung ứng vật tư với giá hợp lý, kịp thời và được tư vấn sản xuất.

Áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học, kỹ thuật trên quy mô lớn; giảm chi phí sản xuất, thúc đẩy cơ giới hóa, bảo vệ môi trường; sản xuất gắn với môi trường, tăng khả năng cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và đặc biệt là góp phần nâng cao trình độ hợp tác sản xuất cho nông dân. 

Tuy nhiên, tại cuộc họp bàn về thực hiện mô hình CĐML tại khu vực ĐBSCL mới đây, PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp thu mua lúa vẫn chưa tốt, các tiêu chí về chất lượng lúa để doanh nghiệp thu mua chưa được công bố, việc sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp chưa phổ biến.

Cũng theo ông Dư, để xây dựng tốt mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, về phía người nông dân cần sản xuất lúa theo đúng quy trình thực hiện của CĐML, phải cam kết luôn đảm bảo đủ sản lượng lúa theo đơn đặt hàng.

Còn về doanh nghiệp, phải cam kết mua đúng thời điểm, đảm bảo giá cả phù hợp. Về lâu dài sự liên kết này cần tích cực hơn nữa. Các doanh nghiệp ký kết hợp đồng khép kín từ khâu cung cấp vật tư đến tiêu thụ lúa, đây là một quy trình khép kín hoàn hảo. Tuy nhiên, do năng lực doanh nghiệp còn hạn chế nên còn quá ít doanh nghiệp tham gia hình thức này.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng nhận định: “Để mục tiêu xây dựng CĐML ngày một thành công, trước tiên các địa phương phải chủ động, linh hoạt trong các điều kiện vốn có, không nên trông chờ. Tích cực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tìm kiếm đối tác tiêu thụ lúa, vận động nhân dân tham gia CĐML.

Doanh nghiệp đầu tư vào CĐML cần sớm có kế hoạch để các hợp tác xã chủ động trong sản xuất và vận động xã viên tham gia, yên tâm sản xuất. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết như nhà kho, lò sấy, máy gặt đập liên hợp... để thu mua lúa được nhanh chóng và thuận lợi”.

HIỆU ỨNG TỪ CÁC TỈNH, THÀNH

Ngày 8-6-2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công thương, Hiệp Hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa tại các mô hình CĐML để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh lúa, gạo; phối hợp với các cơ quan chức năng mở rộng mô hình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo phương thức CĐML trong sản xuất lúa. Đồng thời sớm nghiên cứu xây dựng chính sách hỗ trợ phương thức sản xuất này.
 

Có thể nói An Giang là tỉnh đi đầu ở ĐBSCL về việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa, xây dựng mô hình CĐML. Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang chủ động liên kết với các công ty phân bón để thực hiện quy trình khép kín từ cung ứng giống, vật tư nông nghiệp và tiêu thụ lúa cho nông dân.

Ngoài ra, nông dân còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển lúa đến nhà máy (nếu bán ngay cho công ty), sấy lúa miễn phí và lưu kho miễn phí trong thời gian 30 ngày; một số thương lái đã chuyển sang hợp tác với công ty trong thu mua lúa. Mô hình thực hiện từ năm 2011, với diện tích 3.400 ha và hiện tại phát triển ổn định trên dưới 25.000 ha/năm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Huỳnh Thế Năng cho rằng: Mô hình CĐML đã giải đáp được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà” (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) và các bên tham gia mô hình đều hưởng lợi ích cao nhất. Cái hay của CĐML là lợi ích nông dân và doanh nghiệp đều được quan tâm và cùng nhau chăm lo nên hiệu quả mang lại rất cao. Đây được xem là hướng mở mới trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Tại tỉnh Cần Thơ, Công ty cổ phần Gentraco đã thực hiện hợp đồng bao tiêu cho 300ha lúa, gồm các giống Jasmine 85, giá chênh lệch so với thị trường từ 50-250 đồng/kg tùy theo chất lượng hạt lúa của từng ruộng. Công ty Gentraco đã kết hợp với Công ty Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thử nghiệm máy móc phục vụ sản xuất.

Ngoài ra, Công ty TNHH Trung An thu mua lúa tươi cho nông dân tham gia cánh đồng tại xã Thới Xuân, xã Thạnh Phú, xã Trung An (Cờ Đỏ) theo giá thỏa thuận; hỗ trợ phương tiện vận chuyển thu gom lúa cho nông dân gửi lúa tại kho, không tính tiền lưu kho chờ giá bán… Ngoài ra, nông dân tham gia CĐML hợp đồng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch được giảm 20.000 đồng/ha so với nông dân sản xuất bên ngoài.

Theo Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ, trong vụ hè thu 2011, CĐML ở đây chỉ có 400ha nhưng trong năm 2012, TP. Cần Thơ đã nhanh chóng mở rộng diện tích thêm 33 cánh đồng, với tổng diện tích lên đến 9.000ha của 3.737 hộ tham gia.

Tại tỉnh Long An, Công ty Lương thực Long An phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Nam bộ (Đạm Phú Mỹ), Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí cung ứng đầu vào: Giống lúa xác nhận, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua lúa cuối vụ dưới hình thức hợp đồng đầu tư ứng trước nhưng không tính lãi; cuối vụ thu mua, thanh toán thu hồi vốn lại. Hình thức giao nhận thuận tiện tại cánh đồng mới triển khai thực hiện. Vụ đông xuân 2011-2012, thu mua lúa cho nông dân tham gia chương trình với giá cao hơn thị trường từ 100-150 đồng/kg.

Mô hình CĐML đang triển khai là một trong những lời giải cho câu hỏi làm thế nào để tăng hiệu quả của việc liên kết “4 nhà”, giúp nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa với giá cả ổn định và chất lượng đảm bảo, cũng như giá cả đầu ra lúa gạo đảm bảo có lãi.

Những cánh đồng mẫu lớn sẽ góp phần giải quyết được vấn đề manh mún về đất đai trong sản xuất nông nghiệp, vấn đề quy hoạch… vốn là những rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cơ giới hóa trong nông nghiệp lâu nay.

SĨ NGUYÊN


 

.
.
.