Thứ Tư, 10/04/2013, 12:34 (GMT+7)
.
Hành trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn:

Tiền Giang với CĐML - Bước đầu và triển vọng

Bài 1: Lời giải từ mô hình cánh đồng mẫu lớn

Mô hình Cánh đồng mẫu lớn (CĐML) được thực hiện khá thành công ở tỉnh An Giang vào đầu năm 2011. Sau đó, mô hình này lan rộng ra nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tỉnh Tiền Giang xây dựng mô hình trong vụ đông xuân 2011-2012 và bước đầu cho kết quả khá cao, được nông dân nhiệt tình hưởng ứng. Từ kết quả bước đầu, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với các ngành chức năng tập trung xây dựng, mở rộng và tìm đầu ra ổn định cho nông dân tham gia.

"Vựa lúa" xã Mỹ Phước Tây, Cai Lậy.

NÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP GẮN KẾT LỢI ÍCH

Trong vụ đông xuân 2012-2013, ông Đặng Văn Hùng, ấp Rạch Tắc (Mỹ Phước Tây, Cai Lậy) đưa 1,5 ha lúa OM5451 vào sản xuất theo mô hình CĐML. Sau khi kết thúc mùa vụ, lúa của ông Hùng đạt năng suất 8 tấn/ha, bán với giá 4.600 đồng/kg, cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg; điều đặc biệt là nhân viên của Công ty Lương thực Tiền Giang đến thu mua lúa tươi ngay tại ruộng; với giá này, ông Hùng lãi 20 triệu đồng/ha.

Ông Hùng tâm sự: “Mới vào làm còn hơi bỡ ngỡ. Nhưng khi bước vào làm, tôi thấy tiết kiệm được phân bón, thuốc trừ sâu, giống, nhẹ sâu bệnh, ít đổ ngã hơn bên ngoài. Hơn nữa, canh tác theo mô hình CĐML còn được đầu tư tiền giống, phân ngay từ đầu vụ với giá gốc nên bà con cảm thấy rất phấn khởi”. Trong vụ hè thu 2013, ông Hùng tiếp tục canh tác 1,5 ha lúa theo mô hình CĐML.

Trong Đề án mới, Bộ NN&PTNT đề nghị mô hình CĐML sẽ thuộc nhóm ưu tiên đặc biệt. Nhà nước sẽ tạo môi trường tối đa để thúc đẩy liên kết thông qua cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện, cụ thể: Hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng nông nghiệp nội đồng, nội vùng, kho; doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm được ưu tiên vay vốn, ưu đãi về đất đai và thuế, hỗ trợ 100% chi phí mua giống mới vụ đầu, được đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp.
 

Với mong muốn hạt lúa có đầu ra ổn định, không bị tư thương ép giá nên ông Trần Văn Nhiều, ấp 4 (Thạnh Lộc, Cai Lậy) không ngần ngại đăng ký tham gia mô hình CĐML, với diện tích 1,1 ha. Sau khi bán lúa tươi ngay tại ruộng, nhân viên Công ty Lương thực Tiền Giang đến tính tiền, trừ lại khoản đầu tư giống, phân bón trước đó. Với giá bán 4.700 đồng/kg, ông tính ra mình lãi 23 triệu đồng/ha.

Ông Nhiều cho biết: “Điều hấp dẫn đầu tiên là nông dân tham gia được hỗ trợ giống, phân bón với giá gốc. Nông dân yên tâm hơn bởi có đội ngũ cán bộ nông nghiệp như: Khuyến nông, bảo vệ thực vật và đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty theo dõi, hướng dẫn canh tác nên sản xuất chắc ăn, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn”.

Lãnh đạo một số địa phương đang thực hiện mô hình CĐML cho biết,  mô hình mới thí điểm còn gặp một số khó khăn trong khâu tổ chức chưa hoạt động trơn tru, việc liên kết “4 nhà” chưa chặt chẽ, người dân canh tác chưa quen. Tuy nhiên, bước đầu đã thay đổi được tập quán của người dân, đầu ra ổn định, trình độ nông dân ngày một nâng cao do được chuyển giao khoa học, kỹ thuật…

Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, trong vụ đông xuân 2012-2013, công ty triển khai cho 298 hộ nông dân ở xã Mỹ Phước Tây, xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) và xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) trồng 281ha lúa theo mô hình CĐML. Trong đó, công ty cung cấp giống, phân bón với giá gốc ngay từ đầu vụ và sau khi thu hoạch nông dân sẽ hoàn trả lại. Ông Khiêm cho biết, công ty đã thu mua được 1.815 tấn lúa khô trong CĐML, đạt 129% và cao kỷ lục từ trước đến nay khi thực hiện mô hình này.

ĐỘT PHÁ TRONG LIÊN KẾT

Ngay trong vụ đông xuân 2011-2012, tỉnh Tiền Giang đã thực hiện thí điểm 6 mô hình CĐML tại các huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh như: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Chợ Gạo, Gò Công Tây và Gò Công Đông, với tổng diện tích 626 ha/959 hộ tham gia. Sau khi kết thúc vụ mùa, nông dân lợi nhuận trên 17,7 triệu đồng/ha.

Trong 6 mô hình thí điểm ở trên có đại diện nông dân (HTX, Tổ hợp tác), doanh nghiệp cung ứng vật tư và tiêu thụ lúa. Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh cho biết, mô hình đã chuyển giao cho nông dân trồng lúa những tiến bộ kỹ thuật mới như: Sử dụng giống xác nhận, quản lý dịch hại theo hướng bền vững, áp dụng biện pháp canh tác “né rầy”, “3 giảm 3 tăng”, công nghệ sinh thái…

Các tổ trưởng mô hình rất nhiệt tình hỗ trợ, dẫn dắt các hộ trong mô hình, nhờ đó giúp mô hình thực hiện thuận lợi và đạt kết quả cao. Trình độ kỹ thuật và nhận thức của nông dân ngày càng cải tiến, từng bước hình thành đội ngũ tiên tiến, biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, ghi chép nhật ký và kiểm soát chất lượng hạt lúa. Nông dân được đảm bảo đầu ra.

Theo bà Trần Thanh Phong, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, quy mô và diện tích của mô hình CĐML ở tỉnh Tiền Giang chưa lớn nhưng bước đầu đã có tác động đến việc hình thành chuỗi giá trị, hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa, có sự đầu tư từ đầu vào cho đến đầu ra, giúp gia tăng lợi nhuận của người trồng lúa dựa trên việc áp dụng khoa học, kỹ thuật đồng bộ. Đồng thời giúp nông dân quen dần với việc sản xuất lúa theo hướng GAP, sản xuất sản phẩm an toàn, thân thiện với môi trường và góp phần thực hiện việc gắn kết chặt chẽ “4 nhà”.

Mô hình đạt được một số kết quả bước đầu. Song, trong điều hành và quản lý còn nhiều bất cập, nhất là việc ký hợp đồng giữa doanh nghiệp và đại diện nông dân (HTX, tổ hợp tác). Mối liên kết “4 nhà” trong bao tiêu sản phẩm còn hạn chế. Tổ chức sản xuất lúa vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa đồng bộ và cơ sở hạ tầng chưa hoàn chỉnh.

“Để mô hình CĐML được ổn định và phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp cần đẩy mạnh thông tin, quảng bá nhiều hình thức để nông dân thấy rõ lợi ích các mô hình. Đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về mọi mặt, nhất là khoa học, công nghệ, năng lực quản lý sản xuất để sản phẩm đồng đều và chất lượng không ngừng nâng cao. Triển khai quy hoạch kho, đầu tư xây dựng các trung tâm chế biến gạo và tiêu thụ sản phẩm hiện có, tìm hiểu và liên hệ với các doanh nghiệp mới để mở rộng sản xuất và đảm bảo đầu ra ổn định.

Khuyến khích sử dụng giống chất lượng cao có tiềm năng xuất khẩu theo nhu cầu của thị trường. Nâng cao chất lượng hoạt động của HTX hiện có và phát triển mới HTX theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành doanh nghiệp cổ phần nông nghiệp tại các vùng sản xuất lúa trọng điểm. Trên cơ sở đó gắn kết với phát triển CĐML hình thành chuỗi giá trị theo hướng bền vững và hiệu quả”- bà Phong cho biết.

Phát huy những lợi thế đạt được, trong vụ hè thu 2013, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai mô hình CĐML cho nông dân ở xã Thạnh Lộc và xã Mỹ Phước Tây của huyện Cai Lậy; xã Hậu Mỹ Trinh và xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè). Các công ty sẽ tiếp tục cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Đến khi thu hoạch, Công ty Lương thực Tiền Giang sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân ở huyện Cai Lậy; Công ty Bảo vệ thực vật An Giang sẽ đầu tư và bao tiêu lúa tại huyện Cái Bè.

SĨ NGUYÊN

.
.
.