Khuyến công đồng hành cùng doanh nghiệp
Năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, với nguồn kinh phí dành cho khuyến công của trung ương và tỉnh, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là Trung tâm) trực thuộc Sở Công thương, đã thực hiện nhiều chương trình, đề án mang tính chất hỗ trợ, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở địa phương phát triển.
Nhờ có sự trợ giúp của Trung tâm khuyến công, nhiều doanh nghiệp đã ổn định sản xuất tạo việc làm cho người lao động. Ảnh Duy Sơn |
Năm 2012, nguồn vốn dành cho quỹ khuyến công của Tiền Giang là hơn 2 tỷ đồng. Mặc dù số kinh phí còn hạn hẹp, nhưng do có sự sâu sát của Trung tâm nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ở Tiền Giang đã được tiếp cận với nguồn vốn này, trong đó, có những dự án như hỗ trợ đầu tư trang thiết bị máy móc, hỗ trợ sau đầu tư đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp bổ sung nguồn vốn.
Ngay sau khi đi vào hoạt động, doanh nghiệp tư nhân SD, đóng trong khu công nghiệp Trung An trên địa bàn TP. Mỹ Tho gặp khá nhiều khó khăn, nhất là trong việc trả lãi vay từ ngân hàng. Chính vì vậy, được Trung tâm hỗ trợ sau đầu tư đã tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp này đẩy mạnh họat động.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân SD cho biết, trước đây doanh nghiệp chỉ có một xưởng sản xuất duy nhất, tất cả các hoạt động của người lao động đều diễn ra tại đây, chính vì thế, so với tiêu chuẩn quốc tế đã không đạt. Do đó, chúng tôi muốn đầu tư các xưởng sản xuất mới cùng với hệ thống nhà văn phòng cùng các khu vực phụ trợ khác, nhưng do không có vốn nên doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong thời kỳ lãi suất ngân hàng lên cao.
Nhờ có Trung tâm hỗ trợ cho 50% lãi suất vay từ ngân hàng, chúng tôi đã tiến hành đầu tư xây dựng thêm cơ sở nhà xưởng, văn phòng. Do doanh nghiệp chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ cho việc xuất khẩu sang châu Âu nên thường xuyên có đối tác ghé thăm. Từ khi đầu tư xây dựng thêm cơ ngơi nhà xưởng, các đối tác nước ngoài đã rất hài lòng với điều kiện, qui mô sản xuất của doanh nghiệp.
Năm 2012, nhờ sự hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn quỹ khuyến công của địa phương, với lãi suất là 0%, thời gian hoàn vốn là 3 năm, cơ sở cơ khí Chí Hùng (phường 6, TP. Mỹ Tho) đã mạnh dạn đầu tư máy móc hiện đại, đưa tỷ lệ sản xuất bằng máy móc lên tới 90%. Nhờ vậy mà năng suất lao động của cơ sở này đã tăng lên gấp đôi, đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu, góp phần làm giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ cơ sở cơ khí Chí Hùng tâm sự, chúng tôi rất may mắn là đã nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là Trung tâm đã kịp thời hỗ trợ vốn. Đây là thời điểm cơ sở của tôi thật sự cần nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị máy móc, bởi nếu không đầu tư, giá thành nhân công và chi phí cho sản phẩm sẽ đội lên khá cao, khó cạnh tranh được trên thị trường.
Chính vì vậy, tôi rất cảm ơn sự quan tâm kịp thời của Trung tâm đã giúp đỡ cho cơ sở chúng tôi vững vàng phát triển với những sản phẩm có chất lượng cao.
Đó chỉ là hai trong hàng trăm doanh nghiệp của tỉnh Tiền Giang cùng với sự nỗ lực của mình và nguồn hỗ trợ động viên của Nhà nước đã vượt qua khó khăn thử thách khắc nghiệt của cơ chế thị trường. Nhờ đó, các doanh nghiệp đã đứng vững, có nhiều sản phẩm xuất khẩu mang thương hiệu Việt uy tín với khách hàng ở những thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Văn Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, qua sự hỗ trợ kịp thời của trung tâm tới các doanh nghiệp, năng suất lao động đã tăng lên đáng kể, sản phẩm làm ra đã tiêu thụ được nhiều hơn so với thời gian trước. Đồng thời, thu nhập bình quân của người lao động cũng được tăng lên. Trước đây, bình quân các doanh nghiệp ở Tiền Giang có thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng thì nay đã là 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Được biết, kinh phí khuyến công quốc gia đợt 1 năm 2013 của tỉnh Tiền Giang được hỗ trợ là 1,38 tỷ đồng gồm các đề án sau: “Đào tạo nghề may công nghiệp” cho 200 lao động và “Đào tạo nghề chế biến thủy sản” cho 250 lao động trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, nguồn kinh phí này cũng được hỗ trợ cho các mô hình ở các địa phương như TP. Mỹ Tho, huyện Tân Phước, Chợ Gạo trong các ngành nghề bao gồm: kỹ thuật sản xuất phân bón hóa sinh, kỹ thuật xử lý nước thải, kỹ thuật sản xuất dây nhựa, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất bao bì, túi PE và sản xuất bao nylon.
Có thể khẳng định, Trung tâm đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc động viên cũng như huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững, đưa quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tiền Giang hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
(Theo dangcongsan.vn)