Lãnh đạo tỉnh lắng nghe và cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Ngày 17-4, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cùng Đoàn công tác của UBND tỉnh đã đến làm việc với Công ty cổ phần Gò Đàng (Khu công nghiệp Mỹ Tho).
Là doanh nghiệp đã đầu tư 3 nhà máy chế biến thủy sản tại Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc công ty báo cáo về tình hình sản xuất quí I-2013 của công ty giảm so với cùng kỳ năm 2012; cụ thể doanh thu giảm 4%, kim ngạch xuất khẩu giảm 10%, lợi nhuận sau thuế giảm 64%. Đây là đợt khủng hoảng kéo dài nhất từ trước đến nay, dự báo tình hình sẽ còn khó khăn đến hết năm 2014.
Ông Đạo cũng nêu những nguyên nhân khó khăn về thị trường xuất khẩu; đồng thời nêu những vướng mắc trong nước như: lãi suất ngân hàng cao, cùng với giá đầu vào tăng liên tục, hiện tại tăng đến 30% đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Cá tra là mặt hàng gần như độc quyền của Việt Nam, có thị trường tiêu thụ ở 150 nước trên thế giới, tuy nhiên do các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong nước không “có tiếng nói chung” để nâng giá bán, nên dù thị trường rộng, cung không đủ cầu, nhưng lợi nhuận không cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khang làm việc với Công ty CP Gò Đàng. |
Về kiến nghị với UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Đạo cho rằng trong chuỗi sản phẩm cá tra từ khâu con giống đến nuôi, chế biến, thức ăn đều có vấn đề. Cụ thể, con giống ở các nước là do Nhà nước đầu tư quản lý, riêng nước ta giống cá tra tự làm tự phát triển, nên chất lượng con giống bị thả nổi.
Về nuôi, hiện cả nước có 6.500 ha nuôi cá tra, nên sản lượng cá tra hiện nay rất lớn, Nhà nước cần quy hoạch lại vùng nuôi và diện tích sao cho mỗi năm chỉ khoảng 800.000 tấn là đủ; tình trạng mạnh ai nấy nuôi cá như hiện nay thì điệp khúc “ được mùa, rớt giá” sẽ còn tiếp diễn.
Về chế biến, do thời điểm năm 2007, 2008 việc vay vốn ngân hàng quá dễ dàng, nên nhà máy chế biến thủy sản mọc lên rất nhiều, đến nay công suất chế biến đã vượt quá 3 lần sản lượng hàng năm. Về thức ăn chăn nuôi thủy sản ở Việt Nam hiện nay 85% là của doanh nghiệp nước ngoài, ta đang thả nổi về chất lượng thức ăn cũng như giá cả, điều này ảnh hưởng đến việc nuôi và chế biến cá tra.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong đoàn, ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá buổi làm việc thẳng thắn, cởi mở; doanh nghiệp đã giúp cho đoàn hiểu thêm nhiều vấn đề trong chuỗi sản phẩm cá tra. Kiến nghị của doanh nghiệp là xác đáng; đoàn tiếp thu và sẽ có ý kiến phản ánh đến Chính phủ cũng như các ngành dọc về những vấn đề thuộc tầm vĩ mô.
Riêng những vấn đề của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngành Nông nghiệp chú ý việc tạo giống cá tra và tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên con giống. Về quy hoạch lại diện tích nuôi cá tra, Tiền Giang sẽ làm “ chủ xị” mời các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cùng bàn về việc xây dựng vùng chuyên canh trái cây và nuôi cá tra. Về vấn đề khống chế, hạ lãi suất ngân hàng, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, cho vay mới.
DUY SƠN
Cùng Công ty cổ phần May Mỹ Tho giải quyết khó khăn Chiều ngày 18-4, ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng với lãnh đạo các sở, ngành tỉnh đã đến làm việc với Công ty cổ phần May Mỹ Tho. Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần May Mỹ Tho đã báo cáo với đoàn về những khó khăn trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, cụ thể như: không thể mở rộng thị phần mới; nguyên, phụ liệu ngành may chủ yếu nhập từ nước ngoài nên giá cả không ổn định… Công ty cũng đã kiến nghị một số vấn đề về đất đai, xây dựng nhà xưởng, tiếp cận nguồn vốn vay… Qua báo cáo và kiến nghị, ông Lê văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan cùng doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên tinh thần thấu tình, đạt lý và đúng luật. H. NGHỊ |