Thứ Bảy, 13/04/2013, 06:31 (GMT+7)
.

Mỗi năm ĐBSCL cần hơn 75.000 lao động ngành du lịch

Ngày 12-4, ông Lê Văn Hùng, Quyền Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch tại phía Nam cho biết, trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ĐBSCL đã được xác định là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của cả nước. Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại đây vẫn còn thiếu và yếu. Đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho du lịch ĐBSCL chưa phát huy thế mạnh du lịch đặc trưng của vùng.

Khu vực có mức tăng trưởng khá, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh là 3.6%. Trong ảnh là khách du lịch đi tham quan cù lao Thới Sơn bằng thuyền. Ảnh: Vân Anh
Mỗi năm ngành du lịch vùng ĐBSCL cần khoảng 75.000 lao động. Ảnh: Vân Anh

Hiện cả khu vực ĐBSCL chỉ có 1 trường đào tạo chuyên về du lịch, cùng với một số khoa tại các trường ĐH Cần Thơ, An Giang.

Nguồn nhân lực hoạt động trong ngành du lịch tại 13 tỉnh, thành ở khu vực ĐBSCL tính đến năm 2012 chỉ mới có khoảng 23.500 lao động, đáp ứng được khoảng 18% so với nhu cầu 128.000 lao động phục vụ cho ngành trong năm 2015.

Đến năm 2020, ĐBSCL cần khoảng 207.000 lao động ngành du lịch.

Theo Tiến sĩ Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn, mỗi năm trung bình khu vực ĐBSCL cần khoảng 30.000 lao động du lịch sơ cấp, 25.000 lao động trung cấp, 20.000 lao động có trình độ cao đẳng, đại học…

Theo số liệu Hiệp hội Du lịch Việt Nam, năm 2012, các tỉnh ĐBSCL đón khoảng 1,6 triệu khách quốc tế, 20 triệu khách nội địa, doanh thu khoảng 4.344 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hùng cho rằng, so với tình hình thực tế, số liệu trên chưa phản ánh đúng thực tế vì hiện nay, tỉnh Tiền Giang là đơn vị đón khách quốc tế nhiều nhất ở ĐBSCL chỉ mới đón được 170.000 lượt khách quốc tế, An Giang thu hút đông khách nhờ du lịch tâm linh cũng chỉ đón khoảng 4 triệu khách trong năm 2012.

(Theo sggp.org.vn)
 

.
.
.