Thứ Hai, 08/04/2013, 05:54 (GMT+7)
.

Thực trạng và giải pháp thu hút đầu tư

Ngày 5-4, Đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã đến làm việc với Sở Kế hoạch - Đầu tư và Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh về việc thực hiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh. Qua báo cáo của hai đơn vị này cùng với nhận định của Đoàn giám sát của HĐND tỉnh thì tình hình thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đang rất cần những giải pháp đồng bộ để giải quyết những khó khăn tồn tại.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong 3 năm (từ năm 2010-2012), tỉnh Tiền Giang đã cấp 75 Giấy Chứng nhận đầu tư cho 75 dự án (trong các KCN là 26 dự án, ngoài KCN là 49 dự án) với tổng mức đầu tư 20.693 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn tỉnh có 201 dự án được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư (trong các KCN là 66 dự án, ngoài KCN là 135 dự án) với tổng mức đầu tư đăng ký 42.274 tỷ đồng.

Đối với các dự án không có khả năng triển khai, tỉnh đã thu hồi Giấy Chứng nhận đầu tư 11 dự án với tổng vốn đăng ký 2.492 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 27 dự án đã được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư trên 12 tháng nhưng chưa triển khai với tổng vốn đầu tư 5.561 tỷ đồng. Hiện các dự án này đang được Sở Kế hoạch - Đầu tư rà soát để đề xuất UBND tỉnh có hướng xử lý cụ thể.

Công ty TNHH Nissei Electric Mỹ Tho đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Long Giang và đã đi vào hoạt động.
Công ty TNHH Nissei Electric Mỹ Tho đầu tư xây dựng nhà máy tại KCN Long Giang và đã đi vào hoạt động.

Riêng danh mục dự án đầu tư của tỉnh đã công bố năm 2010  có 117 dự án với tổng mức vốn đầu tư 192.095 tỷ đồng. Qua 3 năm, chỉ có 4 dự án trong tổng số 117 dự án đăng ký thực hiện và được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư, chiếm 3,42% dự án mời gọi đầu tư.   

Ông Võ Văn Năm, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho rằng, trong thời gian qua, việc xin chủ trương thực hiện đầu tư gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như tỉnh có quy định xin chủ trương đầu tư nhưng không quy định thời gian cụ thể để giải quyết hồ sơ xin chủ trương đầu tư là bao nhiêu ngày nên dẫn đến thời gian xin chủ trương đầu tư của các nhà đầu tư cứ kéo dài. Vấn đề này đã làm nản lòng các nhà đầu tư đến đầu tư tại Tiền Giang.

Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cũng đã dẫn chứng cụ thể các dự án không thể triển khai được trong thời gian qua do “vướng” ở khâu xin chủ trương đầu tư như: Dự án Công ty HuaFon dự kiến đầu tư tại KCN Long Giang (Tân Phước) phải chờ 4 tháng mới có văn bản của UBND tỉnh trả lời nhưng cuối cùng dự án cũng không được tiếp nhận do có ngành nghề trùng với ngành nghề thông báo của Bộ Khoa học - Công nghệ về 18 dự án của Trung Quốc sử dụng công nghệ lạc hậu bị giải thể.

Dự án Công ty TNHH Dệt Ngân Long dự kiến đầu tư tại KCN Long Giang chờ đến 28 ngày mới có văn bản của UBND tỉnh trả lời. Mặc dù dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn không thể triển khai được do gặp phải sự khiếu kiện của người dân kéo dài đến nay đã 1 năm nhưng chưa được giải quyết dứt điểm nên nhà đầu tư đã có văn bản xin hoãn việc triển khai dự án vô thời hạn.

Dự án Tập đoàn Coconut Palm tại KCN Long Giang đã được Ban Quản lý các KCN tỉnh gửi công văn xin chủ trương đầu tư đến UBND tỉnh từ ngày 20-6-2012 nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có văn bản trả lời nên Tập đoàn Coconut Palm đã chuyển sang đầu tư ở tỉnh khác…    

Sở Kế hoạch - Đầu tư cũng đã phân tích những nguyên nhân khó khăn trong việc thực hiện thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua. Trong đó có vấn đề quy hoạch, toàn tỉnh hiện đã có quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực nhưng hai loại quy hoạch này chưa xác định cụ thể vị trí dự án đầu tư. Đa số khu vực nông thôn không có quy hoạch xây dựng. Quy hoạch sử dụng đất chỉ mới có ở cấp huyện và cấp xã được phê duyệt, còn quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đến năm 2020 chưa được phê duyệt.

Một số vị trí dự án (kể cả các dự án thuộc danh mục mời gọi đầu tư) được xác định trong quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành nhưng khi đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất thì không phù hợp. Vấn đề này không chỉ gây khó khăn cho nhà đầu tư mà các cơ quan quản lý nhà nước cũng lúng túng trong xét duyệt dự án. Việc điều chỉnh quy hoạch chung hai vùng công nghiệp khu vực Đông Nam Tân Phước và Gò Công thực hiện còn chậm, gây khó khăn cho các ngành, địa phương và nhà đầu tư trong quá trình nghiên cứu dự án.

Tại buổi làm việc Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng đã có những kiến nghị với Đoàn giám sát cũng như UBND tỉnh như: Xem xét, sửa đổi việc xin chủ trương đầu tư đối với các dự án có vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng trở lên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kêu gọi đầu tư vào các KCN và giảm bớt thủ tục hành chính cho nhà đầu tư.

Xem xét lại các ngành nghề thu hút đầu tư vào các KCN, ngành nghề nào cần loại bỏ thì yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng KCN lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường KCN và quy hoạch KCN để trình Bộ Tài nguyên - Môi trường và UBND tỉnh phê duyệt lại, nhằm có hướng thu hút đầu tư đúng đắn và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kêu gọi đầu tư vào các KCN. Cần xem xét điều chỉnh để tránh sự trùng lắp giữa việc thẩm tra công nghệ và xin chủ trương đầu tư.

Tỉnh cần có chính sách ưu tiên giải quyết hồ sơ cho các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn Tiền Giang nói chung và các nhà đầu tư vào các KCN tỉnh nói riêng, nhằm tạo uy tín và môi trường đầu tư thông thoáng của tỉnh để có điều kiện thuận lợi trong công tác kêu gọi đầu tư vào tỉnh Tiền Giang…

Về chất lượng của danh mục dự án mời gọi đầu tư còn thấp, chưa chuẩn bị tốt, thông tin chưa cụ thể, có trường hợp dự án không phù hợp với quy hoạch đã gây khó khăn cho việc xem xét, xét duyệt đầu tư hay có trường hợp không thể giới thiệu địa điểm dự án cho nhà đầu tư do thiếu thông tin về vị trí khu đất…

Đa số dự án lớn trong danh mục mời gọi đầu tư chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 được duyệt nên không xác định được các thông số cụ thể của dự án. Vì vậy, nhà đầu tư phải làm thay công việc của Nhà nước là nghiên cứu chọn vị trí và xác định cụ thể về quy hoạch. Đây là nguyên nhân các dự án trong danh mục này không được nhà đầu tư chọn và đăng ký dự án.

Theo đánh giá của nhiều nhà đầu tư, chi phí đền bù đất tại tỉnh là khá cao. Việc xác định đơn giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất còn ở mức cao. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án còn chậm.

Nhiều dự án bị vướng chủ trương bảo vệ đất lúa. Theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ, việc quy hoạch chuyển mục đích trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích khác phải xin ý kiến chấp thuận của Chính phủ. Do đó, tỉnh phải nhanh chóng hoàn chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên - Môi trường để trình duyệt thì mới có cơ sở để xem xét đối với các dự án có sử dụng đất lúa.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội tại tỉnh còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, công tác phối hợp trong xúc tiến và giải quyết các thủ tục đầu tư được thực hiện chưa thật sự đạt hiệu quả nên cũng đã ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Để giải quyết những khó khăn trong công tác thu hút đầu tư, Sở Kế hoạch - Đầu cho rằng: Tỉnh cần tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 cho phù hợp với tình hình mới. Tập trung nghiên cứu lập các quy hoạch xây dựng, cụ thể hóa các quy hoạch tổng thể thành quy hoạch chi tiết để sẵn sàng đón nhận các dự án đầu tư. Trên cơ sở rà soát các quy hoạch, tỉnh cần tổ chức lập và công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư…

Tỉnh cần tổ chức xây dựng bộ tài liệu để phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư, trong đó tập trung giới thiệu các tiềm năng và lợi thế của tỉnh; định hướng quy hoạch và các mục tiêu thu hút đầu tư; công bố các quy trình, thủ tục đầu tư. Tập trung rà soát và xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư cho phù hợp với thực tế của tỉnh.

Nâng cao chất lượng công tác phối hợp: Công khai, minh bạch các thông tin về quy hoạch, chính sách và quy trình thủ tục đầu tư để tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân và các nhà đầu tư. Nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai như: Điều chỉnh giá đất cho hợp lý; nâng cao chất lượng hoạt động của các ban bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cấp huyện…

PHƯƠNG NGHI

.
.
.