Thứ Hai, 15/04/2013, 10:56 (GMT+7)
.
Trước diễn biến chim yến nhiễm cúm A/H5N1:

Người nuôi chim yến còn thờ ơ, ngành chủ quản nói khó

Trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận xảy ra hiện tượng hàng ngàn con chim yến chết do nhiễm virus cúm A/H5N1. Kết quả lấy mẫu thử giám sát thì hầu hết dương tính với virus cúm A/H5N1. Trước diễn biến đó, liệu tỉnh ta cũng có số lượng đàn yến không nhỏ không bị lây lan? Đây là vấn đề chưa chắc chắn và trong thực tế dù chưa phát biện loại bệnh này trên các đàn chim yến ở tỉnh nhưng vấn đề cảnh giác chưa được người dân quan tâm; trong khi ngành chức năng bảo rất khó trong công tác quản lý.

VẪN CÒN CHỦ QUAN

Ngày 12-4, chúng tôi về “vương quốc” nuôi yến TX. Gò Công, tiếng chim yến phát loa vẫn kêu toạc tẹc hàng giờ trên đỉnh nhà cao tầng, chim bay lảo đảo đông nghẹt vào lúc hoàng hôn; một số chủ nuôi vẫn thản nhiên ra vào nhà nuôi yến để lấy tổ yến.

Ông Nguyễn Văn Mười Một, chủ một cơ sở nuôi yến trên đường Nguyễn Huệ, Khu phố 1, TX. Gò Công cho biết: “Mấy ngày nay, tôi có nghe thông tin chim yến nhiễm cúm A/H5N1 ở Ninh Thuận. Trong lòng cũng thấy lo lo nhưng không biết phải làm sao. Sợ quá, gia đình đã dùng thuốc khử trùng phun vào các ô cửa ra vào của chim yến rồi. Làm vậy cho yên tâm hơn chứ chim trời biết sao mà ngừa”.

Hiện ông Mười Một đã “niêm phong” toàn bộ khu nhà nuôi yến, không cho ai ra vào (kể cả ông) để tránh lây nhiễm dịch bệnh. “Trước mắt, chúng tôi nhờ các cơ quan chức năng hướng dẫn cách phòng ngừa bệnh cho chim, chứ nó bay trên trời thì sao biết trong người nó có bệnh hay không và phòng ngừa bằng cách nào”- ông Mười Một bày tỏ.

Dây điện băng qua kinh, ngang tầm tay trẻ em.
Chim yến bay lượn trên mái nhà nuôi yến và cả nhà dân.

Bên cạnh việc lo lắng thì sự thờ ơ, lơ là còn xuất hiện ở nhiều chủ nuôi. Trao đổi với chúng tôi, ông L.V.Đ, Khu phố 2, TX. Gò Công vẫn chưa biết đến thông tin này. Khi hỏi về bệnh này có thể gây chết người thì ông nói tỉnh bơ: “Tôi nuôi nhỏ mà sợ gì, vả lại chim không nhiều nên cũng không quan tâm đến bệnh hay không bệnh”.

Còn ông C.T, chủ nuôi yến ở ấp Hiệp Trị (Bình Nghị, Gò Công Đông) lại nói: “Thôi kệ, tôi đã lấy vốn lại rồi. Giờ chim có mắc bệnh thì tiêu hủy thôi. Miễn là mình đề phòng, tránh nhiễm bệnh cho người là được”. Bà Năm, nhà ở gần đó hoang mang: “Tôi nuôi 40 con gà, vịt. Mấy ngày qua, thông tin chim yến nhiễm bệnh gia cầm nên cả nhà sợ quá! Gà, vịt chết còn nuôi lại được và dễ tiêu hủy, còn chim yến thì không biết sao đây!”. 

Nhiều hộ nuôi chim yến cho biết, gia cầm ở dưới đất tiêu hủy vì bệnh cúm thì người dân có thể tái đàn. Còn chim yến bay trên trời, nếu phát hiện mẫu bệnh thì dẫn dụ về để tiêu hủy là không phải dễ.

KHÓ QUÁ!

Đó là phát biểu của hầu hết các ngành chuyên môn từ tỉnh xuống huyện, thị, thành trong công tác quản lý chim yến hiện nay. Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết: “Dù chưa phát hiện chim yến bị nhiễm cúm A/H5N1 nhưng ai cũng lo, người dân bình thường cũng cảm thấy hoang mang. Vì vậy, thứ năm này (ngày 18-4), chúng tôi sẽ phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh, các ban, ngành đoàn thể thị xã và mời toàn bộ hộ chăn nuôi đến để thông báo tình hình chim yến nhiễm bệnh cúm A/H5N1 tại tỉnh Ninh Thuận; đồng thời tổng hợp những hiến kế của mọi người về cách phòng ngừa cũng như xử lý khi dịch bệnh xảy ra. Chứ hiện tại thì bó tay”.

Toàn thị xã hiện có 217 hộ nuôi yến. Nơi nhiều nhất có khoảng 20.000 con về làm tổ. Nơi ít cũng có khoảng 5.000 con... “Nếu quy hoạch vùng nuôi yến thì quy hoạch như thế nào? Liệu vùng đất đó có thích hợp cho chim yến đến ở không? Trong khi người dân đầu tư hàng tỷ đồng để xây dựng nhà nuôi yến. Nếu chim không đến ở thì giải quyết cơ sở hạ tầng này như thế nào?”- ông Hoàng giải thích thêm khó khăn trong việc quản lý.

Trong khi đó, ông Đinh Ngọc Tùng, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Mỹ Tho cho biết, TP. Mỹ Tho có 17 hộ nuôi yến, nằm rải rác khắp nơi. Sau khi có thông tin và ý kiến chỉ đạo từ tỉnh, chúng tôi tiến hành mời các ngành chức năng tỉnh và tất cả các hộ chăn nuôi yến họp ngay trong ngày 15-4 để thông báo và hướng dẫn cách nuôi, cách xử lý ô nhiễm môi trường, phòng ngừa dịch bệnh cúm A/H5N1.

Bà Huỳnh Thị Tỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông nói: “Việc phát triển nuôi yến đã có từ rất lâu nhưng đến nay tỉnh ta chưa ban hành một biện pháp chế tài nào cụ thể, rõ ràng và đủ sức răn đe. Mặc dù UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị 11/CT-UBND ngày 10-4-2012 quy định về quản lý việc dẫn dụ và gây nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nhưng khi áp dụng vào thực tế thì không phải dễ. Khi xảy ra dịch, chúng tôi không biết phải ứng phó như thế nào. Hiện nay huyện đang chờ ý kiến chỉ đạo từ tỉnh”.

Theo thông tin chúng tôi tổng hợp từ các địa phương, toàn tỉnh hiện có trên 350 cơ sở dẫn dụ và gây nuôi chim yến, trong đó tập trung nhiều nhất là ở TX. Gò Công, huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông, Chợ Gạo, TP. Mỹ Tho. Phần lớn các cơ sở này nằm trong khu đông dân cư…

“Khi chim yến nhiễm virus cúm A/H5N1 thì nguy cơ lây sang người là có. Vì vậy, người nuôi cần áp dụng các biện pháp bảo hộ lao động như: Đeo khẩu trang, găng tay để tránh tiếp xúc trực tiếp với phân, dịch tiết của chúng. Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

Ngoài ra, nếu thấy có yến chết hoặc rơi tự do tại khu vực nuôi thì cần báo ngay cho cơ quan thú y. Cơ quan y tế cần giám sát vùng có dịch khi các mẫu chim yến dương tính với cúm A/H5N1.

Trong vùng dịch, nếu người có dấu hiệu cúm, ho, viêm đường hô hấp… phải đến ngay cơ sở y tế để được lấy mẫu xét nghiệm, xác định tác nhân gây bệnh” - một vị lãnh đạo cho biết.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Minh Khánh cho biết, theo thông báo của Cơ quan Thú y vùng 6 (Bộ NN&PTNT) thì đàn chim yến ở Ninh Thuận chết rất nhiều và qua khảo sát, lấy mẫu xét nghiệm thì đây chính là bệnh cúm gia cầm A/H5N1.

Như vậy, cùng trong thời điểm này xuất hiện bệnh cúm A/H7N9 (ở Trung Quốc), cúm A/H5N1 trên người, trên chim trĩ, động vật hoang dã và cả chim yến. Vì vậy, nguy cơ dịch cúm xảy ra rất cao. Do đó, các địa phương cần quan tâm trong chỉ đạo, tăng cường giám sát và tuyên truyền cho bà con biết tình hình hiện nay để có cách phòng bệnh tốt hơn.

Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc quản lý chim yến là rất khó. Vừa qua, ngành có tham mưu và trình UBND tỉnh quy định tạm thời về quản lý chim yến nhưng rất khó trong biện pháp chế tài.

Trước tình hình chim yến nhiễm cúm A/H5N1 ở Ninh Thuận, giải pháp trước mắt là Chi cục Thú y phối hợp với các địa phương mời các hộ có nuôi chim yến lại để thông báo tình hình hiện nay bệnh cúm có nhiễm trên chim yến để các hộ nuôi biết và có các giải pháp để chủ động phòng ngừa. Các chủ nuôi phải phối hợp với ngành Thú y để kiểm tra, giám sát, lấy mẫu phân tích xét nghiệm. Khi xét nghiệm dương tính với virus cúm thì đề ra các giải pháp để dập dịch ngay, hạn chế lây lan.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam phát hiện dịch cúm A/H5N1 trên loài chim hoang dã này, rất khó kiểm soát và chưa có cơ quan nào quản lý. Dịch đang có nguy cơ lây lan rất nhanh do hàng ngày tần suất và phạm vi di chuyển của các đàn chim yến là rất rộng lớn và khó lường.

Việc xử lý khống chế ổ dịch cũng hết sức khó khăn, bởi việc triển khai tiêm phòng vắc xin  cúm A/H5N1 cho đàn chim là không thể thực hiện được, trong khi hiện không có loại vắc xin hay thuốc điều trị nào có thể trộn vào thức ăn. Tình hình chim yến nhiễm bệnh cúm A/H5N1 ở Ninh Thuận là rất khẩn cấp và nguy hiểm. Ngành chức năng của tỉnh cũng đang quyết liệt vào cuộc nhưng hiệu quả của nó vẫn là dấu hỏi.

SĨ NGUYÊN

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, gần đây trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã xuất hiện một ổ dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm xảy ra tại hộ ông Đồng Văn Tươi, ấp Hưng  (Nhị Bình, Châu Thành) với tổng đàn gia cầm mắt bệnh là 276 con; số gia cầm nhiễm virus A/H5N1 (đã chết) là 170/276 con.

Các ngành chức năng đang khẩn trương tiến hành các biện pháp cần thiết để tránh lây lan trên diện rộng; tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của hộ ông Đồng Văn Tươi; khoanh vùng dịch bệnh không cho lây lan; báo cho cơ quan y tế đến kiểm tra sức khỏe người trong gia đình ông Đồng Văn Tươi; tiến hành tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực…

Ngày 4-4, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuất hiện trường hợp tử vong đầu tiên của địa phương này do nhiễm bệnh cúm A/H5N1(em N.D.H.H, SN 2009, ấp 1, xã Tân Hội Trung, huyện Cao Lãnh). Nguyên nhân được xác định là do người bệnh đã tiếp xúc và ăn thịt gia cầm nhiễm bệnh.

 

.
.
.