Đánh giá mô hình "Hỗ trợ xuất khẩu trái cây vùng ĐBSCL"
Ngày 9-5, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức hội nghị tổng kết dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - mô hình thí điểm tại Tiền Giang, nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thành công của mô hình ở Tiền Giang, tiến tới nhân rộng mô hình ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL.
Ảnh: M.T |
Dự án thực hiện phân tích chuỗi giá trị sản phẩm thanh long tại Tiền Giang, từ đó đề xuất giải pháp hỗ trợ xuất khẩu trái cây cho vùng ĐBSCL. Theo ông Đặng Thanh Liêm, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, một trong những kết quả nghiên cứu ban đầu về chuỗi giá trị trái cây được thực hiện là nghiên cứu trên cây thanh long của huyện Chợ Gạo, nơi trồng chuyên canh thanh long lớn nhất vùng ĐBSCL với diện tích gần 3.000 ha.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty T&C về hiệu quả sản xuất thanh long của nhà vườn huyện Chợ Gạo cho thấy, chi phí vụ thuận là khá thấp, chỉ khoảng 2.500-2.700 đồng/kg. Tuy nhiên, chi phí vụ nghịch lại cao hơn rất nhiều (7.000-7.300 đồng/kg).
Với giá bán bình quân như năm 2011, (vụ thuận năng suất 15 tấn/ha) từ 3.700-4.000 đồng/kg; vụ nghịch (năng suất 25 tấn/ha) khoảng 10.500 đồng/kg, trung bình mỗi năm nếu các nhà vườn chỉ xông đèn một lần sẽ có lợi nhuận bình quân khoảng 110 triệu/ha. Nhưng hiện nay, phần lớn các hộ xông đèn hai lần nên lợi nhuận bình quân của một nhà vườn trong năm 2011 cũng tăng, đạt khoảng 140-150 triệu đồng/ha.
Qua nghiên cứu và tổng kết thực tiễn về chuỗi giá trị trái thanh long, dự án đã đưa ra những kiến nghị cụ thể để phát triển trái cây của vùng ĐBSCL. Theo đó, các ngành chức năng tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tham gia liên kết với nhau, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hỗ trợ các hộ trồng cây ăn trái thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ trái cây nhằm nâng cao hiệu quả của liên kết ngang.
Trung ương cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu; ưu tiên thực hiện chương trình xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng trái cây. Đồng thời, chỉ đạo triển khai mạnh mẽ chính sách bảo hiểm trong sản xuất nông nghiệp để giúp doanh nghiệp và nông dân yên tâm trong việc đẩy mạnh sản xuất và thực hiện tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích phát triển thị trường cây ăn trái ở ĐBSCL, quy hoạch và đầu tư theo qui hoạch, hỗ trợ đào tạo nhân lực.
Các địa phương cũng cần quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất trái cây chủ lực của tỉnh; chỉ đạo các Sở, ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác thực hiện liên kết ngang chặt chẽ và hiệu quả; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng tại các vùng sản xuất trái cây tập trung như điện, cầu, đường để tạo thuận lợi trong việc sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản hàng hóa...
(Theo TTXVN)