Thứ Bảy, 04/05/2013, 15:18 (GMT+7)
.

ĐBSCL: Cần cơ chế đặc thù trong liên kết vùng

Sáng 3-5, ông Bùi Ngọc Sương, Phó Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam bộ làm việc với đoàn của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương do TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng dẫn đầu đến trao đổi về chính sách phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Liên kết tại ĐBSCL có thể bắt đầu từ các sản phẩm đặc thù của như: gạo, cá tra, tôm, trái cây… Ảnh: Vân Anh
Liên kết tại ĐBSCL có thể bắt đầu từ các sản phẩm đặc thù như: gạo, cá tra, tôm, trái cây… Ảnh: Vân Anh

Tại buổi làm việc, ông Bùi Ngọc Sương khái quát về tiềm năng, thế mạnh của vùng ĐBSCL; những ký kết hợp tác, liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, giữa Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ với TP. Hồ Chí Minh…

Ông Bùi Ngọc Sương cho rằng, vấn đề liên kết vùng đã được bàn tính từ nhiều năm qua, thông qua các diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL để tìm ra tiếng nói chung, nhưng đến nay chưa có liên kết nào thực sự tạo bước đột phá cho vùng, các liên kết còn mờ nhạt, chưa có "nhạc trưởng". Trong khi đây là mấu chốt quan trọng khơi gợi tiềm năng, phát huy lợi thế của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.

Ông Bùi Ngọc Sương đề nghị Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp cùng Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ nghiên cứu đề xuất cơ chế liên kết cho ĐBSCL, liên kết phải vượt qua địa giới hành chính của từng địa phương, dựa vào thế mạnh của từng tiểu vùng để liên kết, có thể liên kết bắt đầu từ các sản phẩm đặc thù của ĐBSCL như: gạo, cá tra, tôm, trái cây…

TS. Trần Kim Chung ghi nhận ý kiến của lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và cho biết sẽ nghiên cứu dựa trên các vấn đề trọng tâm như: rà soát lại các cơ chế chính sách cho vùng từ Trung ương, chủ thể, yếu tố tạo vùng (lúa, cá tra, tôm, trái cây…) cấp độ vùng, cơ chế phối hợp, nguồn lực thực hiện, chế tài trong liên kết vùng để đưa ra chính sách tối ưu nhất cho ĐBSCL phát triển.

(Theo baocantho.com.vn)

.
.
.