Để đánh thức “ngành Công nghiệp không khói” ở Cai Lậy
Nằm trên trục đường chính về các tỉnh miền Tây, thiên nhiên trong lành với miệt vườn sông nước, nổi tiếng với các loại trái cây đặc sản và những di tích lịch sử văn hóa… Đó là lợi thế và tiềm năng để huyện Cai Lậy phát triển các loại hình du lịch. Thế nhưng, ngành “Công nghiệp không khói” này chưa được đầu tư khai thác đúng mức.
Khách tham quan vườn cây ăn trái tại điểm du lịch miệt vườn Chính Thương, xã Tân Phong. |
NHÀ VƯỜN LÀM DU LỊCH
Tân Phong là một trong 2 xã cù lao nằm trên sông Tiền của huyện Cai Lậy. Được phù sa bồi đắp quanh năm nên từ lâu cù lao Tân Phong nổi tiếng là vùng đất cây lành trái ngọt. Dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm, du khách khắp nơi thường về Tân Phong để thưởng thức các loại trái cây đặc sản như chôm chôm, sầu riêng… cùng với thú vui “tắm cồn”, bắt ốc gạo. Phát huy lợi thế mô hình du lịch sinh thái, từ năm 2011 đến nay, một số nhà vườn ở Tân Phong đã đầu tư vốn, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển diện tích trồng cây ăn trái thành các điểm du lịch để thu hút khách.
Xã Tân Phong hiện có 4 điểm kinh doanh du lịch hoạt động khá nhộn nhịp theo kiểu “liên kết vườn” với những vườn trái cây liền kề, mùa nào thức nấy phục vụ khách tham quan. Ngoài ra, có một điểm kinh doanh theo hình thức Homestay tại ấp Tân Luông A với nhà nghỉ thoáng mát, dân dã. Nhìn từ Tân Phong, có thể kể cách làm của chị Diệp Thị Thương ở ấp Tân Thiện. Cách đây 2 năm, chị mạnh dạn chuyển 1,2 ha đất vườn trồng nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít nghệ, mận... đang cho thu hoạch thành khuôn viên đón khách du lịch.
Chị Thương cho biết: “Từ bến phà Cái Bè, du khách xuống thuyền ngắm cảnh sông nước, đến thăm làng nghề sản xuất cốm, kẹo, bánh phồng, chợ nổi Cái Bè rồi ghé vào đây để tham quan vườn cây ăn trái và dùng cơm trưa. Vườn trái cây không chỉ bổ sung vào thực đơn tráng miệng phục vụ du lịch mà còn là khu nghỉ mát lý tưởng để khách tham quan, nghỉ ngơi thư giãn”.
Trung bình mỗi năm, điểm du lịch miệt vườn Chính Thương đón trên 20.000 lượt khách. Hiện nay, điểm du lịch này cũng tổ chức các hoạt động đậm chất miền Tây như tát mương bắt cá, tự thu hoạch các loại cây trái trong vườn, nghe đờn ca tài tử, thưởng thức những món ăn bình dân miệt vườn…
Khách Tây dùng món ăn Việt tại nhà cổ của bà Huỳnh Thị Thu Cúc ở ấp Phú Hưng, xã Long Khánh. |
Riêng tại ấp Phú Hưng, xã Long Khánh có nhà cổ của gia đình bà Huỳnh Thị Thu Cúc đã được nhiều công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh đưa vào danh sách điểm dừng chân cho du khách nước ngoài trong hành trình tham quan miệt vườn Cai Lậy trong hai năm qua. Nằm giữa miền quê yên tĩnh, căn nhà của gia đình bà Cúc vẫn giữ nguyên kiến trúc Nam bộ xưa với 5 nóc nhà mái ngói, toàn bộ cột, kèo bằng gỗ quí, được chạm trổ công phu, khảm xà cừ.
Bà Cúc cho biết, khách tham quan tại đây chủ yếu là khách nước ngoài và họ muốn chọn một điểm dừng chân không quá ồn ào. Sau khi đạp xe thư thả ngắm cảnh làng quê và thưởng thức những loại trái cây đặc sản tại xã Cẩm Sơn, du khách sẽ ghé dùng bữa trưa tại nhà cổ. Nhiều du khách nước ngoài chia sẻ, họ rất thích dùng bữa trưa với các món ăn thuần Việt giữa không gian yên tĩnh của làng quê và đặc biệt là trong không gian căn nhà có tuổi thọ trên 130 năm này
CẦN ĐẦU TƯ KHAI THÁC BÀI BẢN
Huyện Cai Lậy có trên 18.500 ha vườn cây ăn trái với các giống cây trồng đặc sản như: Sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, mít nghệ, mận An Phước... Người dân cần cù, chăm chỉ, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên vườn cây luôn cho trái quanh năm với sản lượng lớn, chất lượng cao. Đặc biệt, chôm chôm Tân Phong, sầu riêng Ngũ Hiệp đã trở thành những thương hiệu trái cây nổi tiếng khắp cả nước. Với hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, nguồn thủy sản nước ngọt của địa phương khá dồi dào, phong phú.
Ngoài ra, địa phương có 16 di tích lịch sử - văn hóa được công nhận cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc; đình Long Trung; lăng Tứ Kiệt; Khu di tích lịch sử Chiến thắng Ba Rài... Với những lợi thế thiên nhiên ban tặng và truyền thống văn hóa gắn với đời sống người dân miệt sông nước, huyện Cai Lậy có lợi thế để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa lịch sử. Tuy nhiên, tài nguyên ngành “Công nghiệp không khói” này vẫn chưa được khai thác đúng mức.
Qua khảo sát của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cai Lậy, toàn huyện hiện có 7 điểm kinh doanh du lịch do tư nhân kết hợp các công ty du lịch đứng ra tổ chức. Nắm bắt nhu cầu của du khách, các nhà vườn đã chú trọng khai thác thế mạnh của địa phương, tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các sản phẩm du lịch. Thực tế cho thấy, tất cả chỉ dừng ở mức tự phát và chưa được đầu tư bài bản, quy mô, chỉ là điểm tạm dừng trong tour du lịch sông nước từ thị trấn Cái Bè đến Vĩnh Long, Bến Tre và lượng khách hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty du lịch.
Theo bà Trần Thị Út, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cai Lậy, khó khăn lớn nhất hiện nay của huyện trong phát triển du lịch là do thiếu vốn đầu tư và nguồn nhân lực. Hiện huyện có một điểm trung chuyển du lịch tại xã Long Trung nhưng hoạt động không hiệu quả vì thiếu nhân lực. Ngoài ra, trên địa bàn huyện vẫn chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng, chưa quảng bá được đặc sản địa phương cho du khách.
Trừ Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quản lý được đầu tư quy mô thì các khu di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn huyện vẫn chưa có người quản lý, thuyết minh để giới thiệu cho du khách về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Nhận thấy tiềm năng du lịch của huyện, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã khảo sát và đang có kế hoạch phát triển loại hình này.
Gần đây, một số công ty du lịch nước ngoài đã liên hệ khảo sát xây dựng khu du lịch tại cù lao Tân Phong với diện tích khoảng 20 ha, vốn đầu tư trên 300 tỷ đồng. Nếu dự án thành công sẽ là một hướng đi mới cho hoạt động du lịch của huyện Cai Lậy.
Sự manh nha, tự phát các điểm du lịch của người dân và với tiềm năng và lợi thế sẵn có, hy vọng huyện Cai Lậy sẽ có hướng khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch còn bỏ ngỏ để trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trên hành trình khám phá miền Tây.
QUẾ NGÂN