Khá lên từ sản xuất nấm bào ngư
Mặc dù đã bước qua tuổi lục tuần nhưng ông Ngô Ngọc Thành (ấp Long Tường, xã Long An, Châu Thành) vẫn ăn nên, làm ra từ mô hình trang trại sản xuất nấm bào ngư xám.
MẠNH DẠN CHUYỂN ĐỔI CÂY TRỒNG
Nói về bước đầu chuyển đổi cây trồng, ông Thành chia sẻ: “Với 5.000 m2 đất trồng nhãn tiêu không mang lại hiệu quả kinh tế, đầu năm 2011 sau khi tham quan thực tế các trại sản xuất nấm ở Long An, Bến Tre, tôi quyết định đốn bỏ nhãn và đầu tư thử nghiệm một trại sản xuất nấm bào ngư diện tích 100 m2 với tổng số 11.000 phôi nấm. Sau đó, nhận thấy hiệu quả mang lại từ mô hình này khá cao do ít tốn chi phí trong khi thị trường tiêu thụ lại khá mạnh, nên sau đó tôi tiếp tục đầu tư mở rộng thêm trại sản xuất nấm”.
Hiện tại, ông Thành đã đầu tư tổng số 9 trại sản xuất nấm trên tổng diện tích 2.000 m2 đất trồng nhãn trước đây. Mỗi ngày ông cung cấp cho chợ đầu mối nông sản Bình Điền (TP. Hồ Chí Minh) từ 150 -200 kg nấm bào ngư xám với giá bán từ 30 – 35 ngàn đồng/kg. Hàng tháng, số tiền bán nấm trên 100 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, ông lãi được 10 triệu đồng.
Ông Thành với trại sản xuất nấm bào ngư. |
Theo ông Thành, quy trình sản xuất nấm bào ngư khá đơn giản, phôi nấm mua về được treo lên thành từng dây đứng tựa sát vào nhau, mỗi dây khoảng 14 bịch phôi (phôi đặt nằm ngang, chiều cao mỗi dây khoảng 2 mét). Ở giữa mỗi bịch phôi (theo chiều ngang) có chừa một lỗ tròn để nấm mọc mầm.
Đối với phôi sử dụng lần đầu, miệng phôi được đậy bằng giấy báo, khoảng 10-15 ngày, thấy phôi bắt đầu lú mầm thì mở giấy báo ra, tưới nước, 3 ngày tiếp theo là có thể thu hoạch. Thu hoạch xong, làm vệ sinh miệng phôi, đóng nút nhựa lại, khoảng 5 ngày mở nút ra thì nấm tiếp tục lú mầm, tiến hành tưới nước, thu hoạch… quy trình cứ thế tiếp tục.
CHỊU KHÓ HỌC HỎI, TÌM TÒI, NGHIÊN CỨU
Ngoài việc sản xuất nấm, ông Thành còn thuê đất ở tỉnh Long An và cùng với các con nghiên cứu quy trình sản xuất phôi nấm để bán cho nông dân và các trang trại sản xuất nấm có nhu cầu. Trong năm 2012, ông cung cấp trên 45.000 phôi nấm cho các trang trại sản xuất nấm ở tỉnh Bến Tre.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm nước cũng như nhân công, ông còn đầu tư hai hệ thống phun sương bán tự động để tưới nấm. Hệ thống tưới gồm thiết bị rửa xe gắn máy được tháo bỏ bình chứa hơi ra (chỉ gồm môtơ và máy nén khí) và bộ điều khiển hẹn giờ tưới (gồm 1 cầu dao tự động và 2 đồng hồ hẹn giờ).
Theo đó, nước từ bồn chứa được dẫn vào máy nén bằng ống nhựa dẻo có đường kính 27mm và được máy bơm nén vào hai ống nhựa dẻo có đường kính 14mm (mỗi ống); mỗi ống cung cấp nước cho hệ thống 100 péc phun sương được lắp ở mỗi trại (diện tích 100 m2).
Hệ thống tưới được đấu nối với bộ phận tự động để điều khiển thời gian tưới và khoảng cách giữa hai lần tưới. Mùa nắng, ông cài đặt chu kỳ tưới là cứ sau một giờ máy sẽ tự khởi động tưới với thời gian tưới là 10 phút; mùa mưa, thời gian tưới sẽ được rút ngắn còn 5 phút và chu kỳ tưới cũng được giảm xuống còn 2-3 lần/ngày. Trong khi nếu kéo dây tưới bằng tay, phải mất hàng giờ mới xong một trại.
NHIỀU TRIỂN VỌNG
Theo ông Thành, so với các loại nấm bào ngư khác, nấm bào ngư xám có vị ngọt, dai hơn và năng suất cũng cao hơn, được tiêu thụ mạnh tại các quán ăn, nhà hàng và có thể sào, nấu cháo, nấu lẩu đều ngon (kể cả món chay lẫn món mặn)... và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm do trong quá trình sản xuất, người trồng nấm không sử dụng bất kỳ một hóa chất nào gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Thành cũng cho biết thêm, hiện nay thị trường tiêu thụ nấm bào ngư tăng mạnh, lượng nấm do trang trại ông sản xuất không đủ giao cho khách hàng, đặc biệt vào mùa nắng, sản lượng tiêu thụ càng tăng nên ông đang có kế hoạch đầu tư thêm khoảng 5 trại sản xuất nấm, mỗi trại có diện tích 100m2, kinh phí đầu tư từ 60-70 triệu đồng/trại (cột cây, mái).
Hiện tại, ông vừa cung cấp phôi nấm, vừa hướng dẫn kỹ thuật trồng, vừa tổ chức thu mua lại sản phẩm của người trồng nấm nên đã mở ra nhiều triển vọng cũng như cơ hội cho nông dân và những ai muốn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để có cơ may trở nên khấm khá hơn.
YẾN HUỲNH