Thứ Năm, 23/05/2013, 17:39 (GMT+7)
.

Theo dõi, giám sát để khai thác lợi thế “vàng trắng”

Câu chuyện về dịch cúm H5N1 xảy ra trên chim yến đã và đang tác động không nhỏ đến nghề nuôi chim yến trong nhà. Ngay trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, người nuôi chim yến cũng chịu tác động không nhỏ, nhất là ở TX. Gò Công, nơi có  số lượng nhà nuôi chim yến lớn nhất của tỉnh và cả nước.

Sau khi dịch cúm trên chim yến ở Ninh Thuận được công bố hết dịch, chúng tôi đã trở lại TX. Gò Công để tìm hiểu thêm công tác quản lý, phòng ngừa dịch cúm trên đàn chim yến. Theo người dân địa phương, thông tin dịch cúm xảy ra trên chim yến không chỉ tác động mạnh đến người nuôi mà còn ảnh hưởng đến việc kinh doanh mua bán tổ yến.

Ông Nguyễn Thanh Phương, người nuôi chim yến ở Phường 2, TX. Gò Công cho biết, từ khi có thông tin về dịch cúm trên đàn chim chim yến ông rất lo vì hiện tại ông đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng vào nhà nuôi chim yến.

"Mấy ngày qua tình hình tiêu thụ tổ yến có phần chậm lại, giá bán cũng giảm hơn chút ít khiến người nuôi càng lo lắng. Gần đây, các nhà chuyên môn đã công bố hết dịch cúm trên đàn chim yến ở Ninh Thuận, tụi tui mới bớt lo", ông Nguyễn Thanh Phương cho biết.

Nhà nuôi chim yến phát triển nhanh chóng ở TX. Gò Công
Nhà nuôi chim yến phát triển nhanh chóng ở TX. Gò Công

Ông Nguyễn Văn Hai, một trong những người thu mua tổ yến ở Gò Công cũng cho rằng, các nhà chuyên môn cần có những phân tích một cách thấu đáo, cặn kẽ về nghề nuôi chim yến và đưa ra những khuyến cáo cụ thể. Có như vậy mới có thể hướng dẫn người nuôi an toàn và hiệu quả. Bởi với những thông tin vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc mua bán tổ yến.

Nghề nuôi chim yến trong nhà là một trong những nghề phát triển nhanh nhất ở TX. Gò Công những năm gần đây. Nó không chỉ thu hút người dân địa phương, mà còn ở nhiều tỉnh, thành khác về đầu tư. Chỉ trong vòng mấy năm, TX. Gò Công có hàng trăm nhà nuôi chim yến được mọc lên.

Theo thống kê gần đây của Phòng Kinh tế TX. Gò Công, trên địa bàn thị xã hiện có 208 nhà nuôi chim yến, tập trung ở phường 1, phường 4, xã Long Chánh và Long Hòa. TX. Gò Công trở thành địa phương có số lượng nhà nuôi chim yến đứng đầu tỉnh; với quy mô mỗi nhà nuôi chim yến ngày càng lớn, có nhà lên đến 5-6 tầng.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho biết, lợi nhuận từ nuôi chim yến của những hộ đầu tư đầu tiên là quá rõ nhưng những hộ mới đầu tư sau có nguy cơ  gặp khó khăn nếu vốn đầu tư từ nguồn vốn vay. Bởi đặc thù của chim yến là rất trung thành, phát triển đàn một cách dày đặc chứ ít phát triển đàn ở những ngôi nhà mới được xây dựng.

Về khả năng gây ô nhiễm môi trường, lãnh đạo Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho rằng, điều này cũng không quá lo ngại. Bởi 1kg phân yến hiện tại khoảng 150.000 đồng và rất hiếm dư thừa vì các nhà nuôi yến mới xây dựng cần có phân yến để tạo mùi. Vả lại, nguồn thu từ chim yến rất lớn nên người nuôi thường xuyên vệ sinh khu vực nuôi, không để ô nhiễm

Trước những thông tin liên quan đến cúm H5N1 đã xảy ra trên đàn chim yến ở Ninh Thuận vừa qua, lãnh đạo Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho rằng, quan điểm của TX. Gò Công là phải quản lý tốt đàn yến để phát triển vì đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng. Đây được xem là “vàng trắng” của đất Gò Công. Do vậy không có lý do gì mà hạn chế phát triển.

Điều cần làm hiện nay là cần tham quan học hỏi các trung tâm nuôi chim yến lớn của các nước như Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, nơi có hàng trăm căn nhà nuôi chim yến và xuất khẩu số 1 thế giới về yến sào, để có cách thức quản lý sao cho phù hợp.

Về đặc tính loài, các nhà chuyên môn cho rằng, đặc thù của chim yến là phát triển đàn rất nhanh và trung thành nên khả năng thu hút thêm đàn chim yến ở những nơi nuôi trước đây là rất lớn. Theo tính toán của các chuyên gia, chim yến làm tổ đẻ con, khi chim yến con bay được thì tổ yến được người nuôi gỡ để bán. Mỗi năm mỗi cặp chim yến trung bình làm được từ 3-4 tổ, tương ứng với 6-8 chim yến con.

Tuy nhiên, điều mà chưa có ai lý giải được là vì sao yến có thể sinh sống cả ở nơi mát mẻ và cả nơi ồn ào đông đúc dân cư. Chẳng hạn, tại TX. Gò Công, một trong những điểm đầu tiên chim yến về lưu trú, chim yến tập trung ở cả Dinh Tỉnh trưởng và chợ Gò Công. Hai nơi này có đặc điểm khác nhau, một nơi là mát mẻ, yên tĩnh còn một nơi lại ồn ào, đông đúc dân cư.

Các chuyên gia cho rằng, cúm lây truyền qua đường hô hấp bắn qua không khí và lây truyền với tốc độ cực nhanh. Trong vòng 1 tuần có thể bùng phát và lan tỏa với tốc độ rất nhanh. Tuy nhiên, đặc thù của chim yến là có thể bay mỗi ngày vài chục km. Vì vậy, câu hỏi đang đặt ra là tại sao cúm chỉ xảy ra ở trung tâm nuôi chim yến của Công ty cổ phần Yến Việt (Phan Rang) mà không lây lan ở những điểm xung quanh. Vì vậy hiện tại cũng rất khó lý giải được cơ chế lây lan dịch cúm của chim yến.

Trước thực tế nuôi chim yến hiện nay, tại hội nghị bàn về quản lý nuôi chim yến do Bộ NN&PTNT tổ chức gần đây, điều mà các nhà chuyên môn đang lo ngại là việc xây dựng nhà yến theo phong trào đã khiến nhiều nhà đầu tư có nguy cơ mất trắng khi nhà xây xong nhưng yến không về. Cùng với việc lần đầu tiên tại Việt Nam phát hiện dịch bệnh cúm gia cầm trên chim yến vừa qua, đã đến lúc cần đưa nghề nuôi chim yến vào ngành kinh doanh có điều kiện.

Trong khi đó, hiện Việt Nam chưa có một nghiên cứu đầy đủ về các chủng loại chim yến, tập tính, phân bố, khả năng lây truyền dịch bệnh... Nếu áp dụng việc quy hoạch nuôi yến là rất khó. Không thể quy hoạch nuôi chim yến một cách máy móc, cơ học như quy hoạch đối với những loại khác.

PHƯƠNG ANH

.
.
.