Trái cây ĐBSCL và tác động từ dự án
“Chúng ta đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái tập trung, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường… Mặc dù vậy, diện tích chuyên canh chưa cao, chất lượng không đồng đều, điệp khúc “được mùa mất giá” thường xuyên xảy ra” - Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị “Tổng kết Dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh ĐBSCL - Mô hình thí điểm tại Tiền Giang” do UBND tỉnh phối hợp với Chương trình hỗ trợ kỹ thuật hậu gia nhập WTO tổ chức tại Tiền Giang sáng ngày 9-5.
Công nhân đang phân loại vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đạt tiêu chuẩn Global GAP. |
QUÁ NHIỀU YẾU KÉM
ĐBSCL có nhiều thuận lợi về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu… thích hợp cho sự phát triển nhiều chủng loại cây ăn trái nhiệt đới và được xem là vùng sản xuất cây ăn trái lớn nhất cả nước, với hơn 30 chủng loại cây ăn trái khác nhau.
Theo Viện Cây ăn quả miền Nam, sản xuất trái cây vẫn còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch của nhà nước và địa phương. Đặc biệt, nhiều loại trái cây sản xuất chưa theo định hướng thị trường và tín hiệu của thị trường. Do đó, vào vụ thu hoạch rộ, với sản lượng lớn thì xảy ra tình trạng cung vượt cầu, giá cả giảm mạnh.
Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và phân tán; quy mô sản xuất chủ yếu hộ gia đình. Không thống nhất quy trình chăm sóc, kỹ thuật canh tác, khác nhau cả về thời gian thu hoạch… nên chất lượng trái cây không đồng đều, sản lượng cung ứng thấp, không ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng hợp đồng tiêu thụ với số lượng lớn.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Tiền Giang cho biết, trong những năm tới, Tiền Giang tập trung phát triển cây ăn trái chủ lực, đặc sản tạo bước đột phá mới. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn trái các loại của tỉnh khoảng 80.000ha, sản lượng đạt hơn 1,2 triệu tấn, với 7 loại cây ăn trái chủ lực đã được xác định. Để phát triển đúng hướng và bền vững, ngành Nông nghiệp đã và đang rà soát quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, mở rộng diện tích chuyên canh cây ăn trái; áp dụng các biện pháp kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng cây ăn trái; tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết… |
Nhiều đại biểu tại hội nghị nêu ra thực trạng: Hầu hết các loại trái cây chưa xây dựng được vùng chuyên canh có diện tích lớn (trừ thanh long và khóm) dẫn đến năng suất thấp, mức độ đầu tư nhiều, giá thành sản phẩm cao.
Công nghệ sau thu hoạch và chế biến còn chậm phát triển như việc thu hoạch, phân loại, đóng gói và bảo quản chủ yếu bằng biện pháp thủ công, làm cho tỷ lệ hư hỏng do giập nát và thối của trái cây cao.
Nhà vườn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng trái cây trong quá trình sản xuất; chưa tạo mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ trái cây trên cơ sở tự nguyện và dựa trên lợi ích thiết thực giữa các bên.
Cơ sở hạ tầng còn yếu kém đã ảnh hưởng đến chất lượng trái cây và tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch…
TỪ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ ÁN
Dự án hỗ trợ xuất khẩu trái cây tại các tỉnh ĐBSCL - Mô hình thí điểm tại Tiền Giang nhằm nâng cao thu nhập những người sản xuất, kinh doanh trái cây tại ĐBSCL thông qua mô hình thí điểm phân tích chuỗi giá trị cây ăn trái tại Tiền Giang.
Ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, dự án đã thể hiện được lợi ích và hiệu quả về mặt kinh tế của các tác nhân trong chuỗi giá trị thanh long, đặc biệt là vườn thanh long và các thương nhân hiểu rõ hơn về chuỗi giá trị hàng hóa, thông tin thị trường, nhu cầu thị trường và hiệu quả thị trường trái cây. Qua đó, nhà vườn được tổ chức lại sản xuất, ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới trong sản xuất…
Tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập, Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, trái cây Việt Nam có hơn 10%, với khoảng 40 loại trái cây xuất khẩu sang 76 quốc gia. Trong đó, thị trường tiềm năng là Nhật Bản và Hàn Quốc. Nếu so với Trung Quốc thì 2 thị trường này rất khó tính nhưng giá bán cao gấp nhiều lần, rủi ro thanh toán thấp hơn so với thị trường Trung Quốc.
Hiện thanh long là mặt hàng đứng đầu về kim ngạch xuất khẩu (chiếm 40% tổng kim ngạch) và đã thâm nhập vào những thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Hàn Quốc, New Zealand… Tuy nhiên, để tránh cung vượt cầu thì phải chú trọng lịch thời vụ, xử lý ra trái quanh năm, tránh thu hoạch cùng lúc với các nước thì mới xuất khẩu được giá cao.
PGS-TS Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, trong những năm gần đây, nhiều nhà vườn đã bắt đầu thay đổi tập quán canh tác, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật nên bước đầu đã hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GLobal GAP, Viet GAP và được chứng nhận.
Ngoài ra, mối quan hệ giữa nhà vườn với doanh nghiệp, siêu thị… thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phẩm trái cây, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: HTX Hòa Lộc, Sơri Gò Công (Tiền Giang), HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), THT chôm chôm Phú Phụng và Tiên Phú (Bến Tre)…
Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Trong thời gian tới, Tiền Giang sẽ làm “chủ xị” và mời lãnh đạo tỉnh Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Đồng Tháp họp bàn giải pháp phát triển vùng và có mối liên kết chặt chẽ trong việc phát triển các loại cây ăn trái đặc trưng của 5 tỉnh này. Chúng tôi sẽ phân công ai làm gì, làm như thế nào và dự đoán hiệu quả ra sao trong việc liên kết…
SĨ NGUYÊN