TX. Gò Công: Khai thông thủy lợi nhằm “cải tạo” khu 2, vùng 3
Hàng trăm ha đất vùng ven nằm ở cuối nguồn Dự án Ngọt hóa Gò Công thuộc xã Bình Đông, xã Bình Xuân (TX. Gò Công) hy vọng tới đây được đưa vào sản xuất nông nghiệp ổn định từ 2-3 vụ lúa mỗi năm, nhờ việc tập trung khai thông hệ thống thủy lợi nội đồng.
Công trình cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng ở ấp Lạc Hòa đang được thực hiện. |
Tăng diện tích sản xuất lúa 2-3 vụ/năm
Khu 2, vùng 3 của Dự án Ngọt hóa Gò Công do cuối nguồn của dự án, lại bị nhiễm phèn mặn rất nặng, nên sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa rất khó khăn, đặc biệt là phần lớn diện tích đất của xã Bình Đông. Người dân thường chỉ sản xuất 1 vụ lúa trong năm, nhưng năm được năm mất, nên rất nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Có thời gian khu vực này được gọi là “sa mạc” giữa vùng ngọt hóa.
Những năm gần đây, khu vực ấp Lạc Hòa, nơi khó khăn nhất về sản xuất nông nghiệp của xã Bình Đông, được quy hoạch làm công nghiệp, nên hầu hết diện tích tiếp tục bị bỏ hoang. Người dân trong vùng phải đi khắp nơi để làm ăn kiếm sống.
Năm 2013, nhờ vào việc tập trung khai thông thủy lợi, khả năng hàng trăm ha đất ở đây sẽ được đưa vào sản xuất nông nghiệp ổn định. Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, từ đầu năm đến nay xã đã và đang tập trung thi công 3 công trình thủy lợi, với tổng chiều dài trên 3.000 m, nguồn vốn từ thủy lợi phí do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng thị xã làm chủ đầu tư. Hiện các công trình nạo vét các kinh thủy lợi cơ bản hoàn thành. Nếu giải quyết được vấn đề nước sản xuất, nông dân ở ấp Lạc Hòa có thể canh tác lúa.
Nếu các dự án thủy lợi nội đồng này được khai thông, nước được dẫn từ kinh Chợ Gạo về sẽ đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Vào vụ lúa hè thu này người dân có thể bắt đầu xuống giống. Với diện tích toàn vùng Lạc Hòa là 360 ha, phần lớn có thể đưa vào sản xuất nông nghiệp ổn định.
“Trước đây khu vực này nằm trong khu quy hoạch Bình Đông. Tuy nhiên, năm nay nghe thông tin tỉnh đã rút giấy phép đầu tư của Công ty Khang Thông, xã đã tập trung đầu tư vào thủy lợi nội đồng và giao thông nông thôn để giúp bà con trong vùng sản xuất nông nghiệp. Năm nay dự kiến khu vực này sẽ làm được từ 2-3 vụ lúa” - ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết.
Cũng tương tự như Bình Đông, một phần diện tích không nhỏ của xã Bình Xuân cũng được đưa vào sản xuất lúa từ 2-3 vụ/năm nhờ vào việc cải tạo hệ thống thủy lợi nội đồng. Ông Bùi Văn Dân, Chủ tịch UBND xã Bình Xuân cho biết, trước đây vùng sản xuất nông nghiệp thuộc ấp 4 của xã gặp rất nhiều khó khăn về nước sản xuất. Nguyên nhân là nước dẫn từ kinh Chợ Gạo về thị xã rồi qua xã Tân Trung, xã Bình Đông đến khu mõm thuộc ấp 4 là cuối nguồn nên dồn phèn lại và không thoát được. Lúc đó, vùng này chỉ sản suất 2 vụ trong năm, một số diện tích bỏ hoang, chỉ có một số rất ít diện tích sản xuất được 3 vụ lúa.
Từ khi được tỉnh cho đầu tư cống tiêu thoát phèn khu vực này, diện tích lúa ở đây đã sản xuất được 3 vụ trong năm, năng suất từ 5-7 tấn/ha. Từ đó, đời sống người dân cũng khá hơn, người dân rất phấn khởi. Ngoài ra, năm rồi và năm nay, hệ thống thủy lợi cũng được tiếp tục đầu tư, nạo vét như kinh trục, kinh cặp đê ngăn mặn nối ra khu vực này, hệ thống thủy lợi nội đồng được cải tạo nên nguồn nước cơ bản đảm bảo cho sản xuất.
Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân đóng góp vốn cùng nguồn vốn phân cấp, vốn thủy lợi phí tiếp tục đầu tư nạo vét một số tuyến kinh nội đồng. Vụ đông xuân vừa qua, do cống Xuân Hòa đóng sớm, mực nước kinh trục xuống thấp, nhiều tuyến kinh bị thiếu nước gây không ít khó khăn. Do đó thời gian tới, xã sẽ phối hợp với thị xã khảo sát các tuyến kinh để tiến hành nạo vét, nâng lượng nước tích trữ, đảm bảo nước sản xuất vào thời điểm khó khăn.
Tiếp tục cải thiện thủy lợi nội đồng
Để tạo điều kiện sản xuất nông nghiệp ở khu 2, vùng 3 ngày càng tốt hơn thì cải tạo thủy lợi nội đồng là yếu tốt cốt lõi. Ông Trần Minh Hoàng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX. Gò Công cho rằng, ở xã Bình Đông có các ấp: Lạc Hòa, Hồng Rạng, Muôn Nghiệp, Năm Châu hơi khó về sản xuất nông nghiệp.
Thực tế là hệ thống ngọt hóa Gò Công đẩy nước về khu vực này bằng 2 nguồn. Một là từ kinh tiếp nước Bình Đông thông qua cống Sơn Quy, nhưng kinh dẫn nước ra Bình Đông này quá xa nên không đủ cung ứng nước cho sản xuất nông nghiệp. Nguồn thứ hai là từ Láng Nứa (Tân Trung), qua Mỹ Xuân mới đẩy ra Muôn Nghiệp, Năm Châu đẩy ra cống Bình Đông 2. Tuyến dẫn nước này cũng quá xa nên rất yếu.
Trong vụ đông xuân, nước của dự án ngọt hóa càng ít lại nên việc cung ứng nước cho vùng Bình Đông càng khó khăn, chưa kể áp lực mặn ven biển càng đẩy vào do chênh lệch mực nước khá cao. Tổng hòa các yếu tố như thế tạo nên đặc thù của vùng đất này là rất khó khăn để sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao.
Trong khi đó, những năm gần đây khu vực ấp Lạc Hòa được quy hoạch công nghiệp nên càng không chú trọng vào sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, theo dự tính của Phòng Kinh tế TX. Gò Công, một phần ấp Lạc Hòa có thể áp dụng mô hình lúa - tôm hoặc sản xuất hai vụ lúa bằng cách thực hiện một số giải pháp về thủy lợi và ngăn mặn. Hiện tại, khu vực ấp Lạc Hòa chỉ sản xuất 1 vụ lúa, có chỗ được 2 vụ. Năm vừa rồi Phòng Kinh tế thị xã cũng đã cho thử nghiệm sản xuất 10 ha ở khu vực này, năng suất lúa cũng đạt khá cao.
Thực tế là khu vực này rất khó bố trí thời vụ, nước tới đâu thì sản xuất tới đó, nên sản xuất 1 vụ lúa là ăn chắc. “Trong năm 2013, thị xã tập trung thực hiện công tác thủy lợi ở xã Bình Đông, tập trung chủ yếu ở khu 2, vùng 3.
Bên cạnh đó, thị xã cũng có kế hoạch nạo vét kinh dẫn nước từ xã Tân Trung đi thẳng ra xã Bình Đông để tăng áp lực nước và giảm xâm nhập mặn; đồng thời đề nghị tỉnh đầu tư tuyến kinh cặp đê sông Vàm Cỏ để tăng sức chứa nước. Nếu các công trình thủy lợi này hoàn thành sẽ ổn định được diện tích lúa sản xuất 2 vụ” - ông Trần Minh Hoàng cho biết.
Cũng theo ông Trần Minh Hoàng, một phần xã Bình Xuân tập trung ở ấp 4, 5 và 6 do nằm ở cuối nguồn ngọt hóa, gần như là túi chứa phèn, mặn của cả vùng. Do đó, cách đây vài năm tỉnh đã cho chủ trương xây dựng cống để lấy nước và xổ xả phèn, nên khu vực này có thể sản xuất 3 vụ lúa, nhưng chỉ làm được giống ngắn ngày.
Trước đây, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn của xã Bình Xuân khoảng 300-400 ha. Nhờ đầu tư hệ thống cống, hiện sản xuất nông nghiệp ở khu vực này không còn đáng lo ngại, năng suất lúa vụ đông xuân cũng đạt khá, trên dưới 5 tấn/ha. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là bố trí giống sản xuất thế nào để đạt được hiệu quả cao.
THẾ ANH - NGÔ VĂN