Vì sao xã viên HTX Mỹ Thành từ bỏ trồng lúa GlobalGAP?
Về lại Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thành (Mỹ Thành Nam, Cai Lậy) vào những ngày này đã không còn nghe các xã viên của HTX nói đến việc trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP nữa. Ngược lại gần như toàn bộ (khoảng 90%) diện tích trồng lúa GlobalGAP trước đây chuyển sang trồng các loại lúa thông thường theo biện pháp canh tác truyền thống mà trong đó chủ yếu là giống lúa IR50404. Vì sao?
Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn Global GAP ở HTX Mỹ Thành - một thời là niềm tự hào của nông nghiệp Tiền Giang. |
Theo nhiều xã viên HTX Mỹ Thành, để được cấp chứng nhận sản phẩm lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, các hộ xã viên phải đạt 4 tiêu chí quan trọng trong quá trình sản xuất, thu hoạch và xử lý sau thu hoạch như: Đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, người lao động, an toàn cho môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Các khâu trên đòi hỏi phải có sự liên kết “4 nhà” gồm nhà nông, nhà khoa học, Nhà nước và nhà doanh nghiệp. Các xã viên tham gia sản xuất lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP sẽ giảm được chi phí và giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường khoảng 20%, giúp xã viên nâng cao lợi nhuận và an tâm sản xuất. Do đó, chính quyền địa phương cũng nhanh chóng nhập cuộc với việc hỗ trợ xã viên vay ưu đãi để làm nhà kho, sân phơi, nhà vệ sinh... Bình quân mỗi hộ được vay từ 10 - 30 triệu đồng tùy theo nhu cầu thực tế.
Kết quả là chương trình trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP góp phần tạo cho xã Mỹ Thành Nam diện mạo nông thôn mới phồn thịnh. Bản thân HTX Mỹ Thành cũng tự hào khi trở thành HTX đầu tiên trong cả nước được cấp chứng nhận lúa gạo GlobalGAP.
Thành quả đạt được của mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn GlobalGAP tại HTX Mỹ Thành không phải một sớm một chiều. Thế nhưng, hơn một năm qua, chính thức từ vụ hè thu sớm năm 2012 đến nay, xã viên HTX đã không còn trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP mà trong nhiều nguyên nhân không thể loại trừ nguyên nhân là do đầu ra của hạt lúa GlobalGAP bế tắc.
Bởi Công ty ADC - doanh nghiệp từng gắn bó và đỡ đầu cho HTX trong suốt quá trình trồng lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP không còn tiếp tục bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nữa. Khi mà hiện vẫn còn mấy trăm tấn lúa GlobalGAP (chủ yếu là lúa Cẩm Cai Lậy) của Công ty ADC vẫn còn gởi trong xã viên chưa tiêu thụ được.
Trước thực trạng đầu ra lúa gạo GlobalGAP bế tắc, Ban Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành cũng đã chủ động tìm đối tác mới để bao tiêu sản phẩm nhưng đã hơn một năm qua vẫn chưa tìm được. Còn với xã viên thì trong tâm trạng “trồng lúa GlobalGAP sẽ bán cho ai?” nên hiện họ đã phải “buông” lúa gạo GlobalGAP và phải tự thân vận động từ khâu chọn giống, sản xuất cho đến tiêu thụ.
Từ đó, HTX Mỹ Thành cũng gặp không ít khó khăn trong việc huy động vốn trong xã viên để duy trì hoạt động cũng như thu hồi và chi trả các khoản nợ tồn đọng. Do không có vốn nên mặc dù giấy chứng nhận lúa gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX đã hết hạn năm 2011 nhưng từ đó đến nay chưa được tái cấp lại bởi thiếu kinh phí (khoảng 100 triệu đồng cho một lần tái cấp chứng nhận, vì giấy chỉ có giá trị trong vòng một năm).
Trước thực trạng khó khăn trong hoạt động của HTX Mỹ Thành và thương hiệu lúa gạo đạt tiêu chuẩn GlobalGAP của HTX này đang mất dần trên thị trường như thực tế hiện nay, các cấp, các ngành cần có những giải pháp cấp bách để duy trì hoạt động của HTX Mỹ Thành và hơn thế nữa là cứu lấy thương hiệu lúa gạo GlobalGAP Mỹ Thành - một vốn quí trong nền nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao của tỉnh Tiền Giang.
PHƯƠNG NGHI