Thứ Năm, 09/05/2013, 05:50 (GMT+7)
.

Xã có nhiều mô hình trăm triệu

Nhạy bén khai thác thế mạnh kinh tế vườn và nắm bắt nhu cầu thị trường, nhiều nông dân ở xã Long Tiên (huyện Cai Lậy) đã có thu nhập ổn định từ các mô hình chuyên canh cây ăn trái, kết hợp kinh doanh cây kiểng. Đặc biệt, không ít hộ đã vươn lên làm giàu với thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Hơn 10 năm trở lại đây, xã Long Tiên phát triển nhanh diện tích vườn chuyên canh với cây trồng chủ lực là sầu riêng. Toàn xã có 1.500 ha sầu riêng chất lượng cao như Ri6, Mongthong, Chuồng bò, trên 80% diện tích đang cho thu hoạch. Áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để cây cho trái nghịch vụ và rải vụ, nhiều nông dân đã làm giàu từ loại cây trồng này.

Điển hình như ông Huỳnh Văn Lường (sinh năm 1966) ở ấp Mỹ Thuận. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, cách đây 10 năm, ông là một trong những nông dân tiên phong đưa cây sầu riêng về thay thế ruộng lúa kém hiệu quả. Từ làm ruộng chuyển sang chuyên canh cây ăn trái không phải dễ dàng nên ban đầu ông chỉ chuyển một phần diện tích.

Sau khi đem cây về trồng, ngoài học hỏi kinh nghiệm những nhà vườn đã thành công ở nơi khác, ông còn tham dự các lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật do Hội Nông dân xã phối hợp tổ chức. Tích lũy kiến thức, khi sầu riêng bắt đầu cho trái, ông không để vụ thuận mà xử lý nghịch vụ đón giá.

Qua vài lần thu hoạch, thấy đây là cây trồng triển vọng nên ông mở rộng diện tích sầu riêng lên 10ha, chuyên tâm phát huy hiệu quả kinh tế loại cây trồng này. Tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật từ khâu chăm sóc cây sau thu hoạch, xử lý ra hoa, xử lý đậu trái, chăm sóc, nuôi dưỡng trái và bảo quản sau thu hoạch nên vườn sầu riêng của ông luôn cho sản lượng cao, mẫu mã trái đẹp, được thương lái ưa chuộng.

Sau hơn 10 năm chuyển đổi, vườn sầu riêng đang bước vào thời kỳ cho trái ổn định, mỗi năm cho lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Liên tiếp nhiều năm, ông được bình chọn là điển hình “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh” và kinh nghiệm xử lý sầu riêng nghịch vụ của ông được nhiều nông dân trong xã học tập.

Mô hình chuyên canh sầu riêng của ông Huỳnh Văn Lường ở ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên.
Mô hình chuyên canh sầu riêng của ông Huỳnh Văn Lường ở ấp Mỹ Thuận, xã Long Tiên.

Một mô hình khác cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân xã Long Tiên là trồng cây ăn trái kết hợp kinh doanh cây kiểng. Cặp tuyến đường dal về ấp 9, xã Long Tiên, hai bên đường là những sân kiểng xanh mát, được chủ nhân cắt tỉa cẩn thận. Dưới bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân miệt vườn, nhiều loại cây đã trở thành tác phẩm nghệ thuật có giá trị từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.

Mê nghề tạo hình cho cây xanh nên sau thời gian thu mua và cắt tỉa kiểng thuê, năm 2006 anh Trần Bảo Quốc chuyển hướng kinh doanh cây kiểng. Anh mua kiểng nguyên liệu từ các vườn khác về phá thế, tạo dáng để bán lại cho thương lái các tỉnh miền Đông, Đồng bằng sông Cửu Long và miền Bắc. Kinh doanh hiệu quả nên hiện nay ngoài diện tích đất quanh nhà, anh còn thuê thêm đất để mở rộng vườn kiểng lên 2,5 công với hàng trăm gốc mai chiếu thủy, mai vàng, cần thăng, lộc vừng … 

Sau 6 năm kinh doanh cây kiểng, từ một người làm thuê quanh năm vất vả, hiện nay anh Quốc đã sở hữu vườn kiểng bạc tỷ và có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang. Anh chia sẻ: “Lúc ra riêng tôi chỉ có 2 công vườn trồng sầu riêng nên kinh tế gia đình chưa ổn định. Nhờ chuyển hướng kinh doanh kết hợp trồng cây ăn trái mà thu nhập khấm khá hơn.

Tuy nhiên, muốn kinh doanh cây kiểng có hiệu quả đòi hỏi phải có kỹ năng tạo dáng, uốn tỉa và nắm bắt nhu cầu thị trường; đồng thời cũng phải khéo léo, có óc thẩm mỹ, cần cù, chịu khó. Khi biết cách chăm sóc thì lợi nhuận từ cây kiểng cao gấp nhiều lần so với những loại cây trồng khác”.

Theo ông Lê Văn Châu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Tiên, thời gian qua nông dân trong xã đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các giống cây ăn trái đặc sản như sầu riêng hạt lép, vú sữa Lò Rèn…; đồng thời kết hợp kinh doanh cây kiểng để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Đặc biệt, toàn xã có 83 nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với mô hình kinh tế hiệu quả, thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Để các mô hình phát huy hiệu quả bền vững, Hội Nông dân xã phối hợp ngành chức năng tăng cường chuyển giao khoa học, kỹ thuật, dạy nghề, tranh thủ nguồn vốn lãi suất thấp hỗ trợ sản xuất và tạo điều kiện cho nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

“Mỗi mô hình, nông dân đều có cách làm riêng nhưng giống nhau ở nghị lực và lòng tin về khả năng làm giàu trên mảnh vườn của mình. Cần cù, nhạy bén, linh hoạt tận dụng tiềm năng đất đai, những điển hình này còn là nhân tố tích cực khuyến khích nông dân thi đua lao động, sản xuất để địa phương có thêm nhiều mô hình trăm triệu” - ông Châu khẳng định.

TRƯỜNG GIANG

.
.
.