6 tháng đầu năm 2013: Xuất, nhập khẩu hàng hóa đều tăng
Theo Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 467,3 triệu USD tăng 21,7% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước thực hiện đạt 66,6 triệu USD giảm 2,7%; kinh tế ngoài Nhà nước đạt 192 triệu USD giảm 7,3%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 208,7 triệu USD tăng 92,7% so cùng kỳ.
Thanh long đang là mặt hàng nông sản của tỉnh tham gia xuất khẩu mạnh trong thời gian vừa qua (ảnh chụp tại Công ty TNHH Long Việt, huyện Chợ Gạo). |
Mặt hàng xuất khẩu tập trung ở các nhóm hàng chính như: Hàng thủy sản: 6 tháng đầu năm 2013 xuất khẩu 56.224 tấn, giảm 5,5%; về trị giá đạt 125,7 triệu USD bằng 79,8% so cùng kỳ. Giá cá tra luôn biến động, trong tháng 2-2013 giá cá tra nguyên liệu từ mức 19.000 - 19.500 đồng/kg bất ngờ tăng lên 22.000 - 22.000 đồng/kg, sau vài ngày thì lại giảm xuống còn 21.500 - 21.800 đồng/kg. Tuy nhiên, do chi phí đầu vào liên tục tăng giá, giá thành nuôi cá tra bình quân đã lên trên 23.000 đồng/kg nên người nuôi cá tra đã phải chịu lỗ từ 2.000 - 2.500 đồng/kg.
Sang tháng 5 giá cá tra tăng lên khoảng 500 đồng/kg, cụ thể giá cá tra loại 1 từ 800 - 900 gram/con giá 22.000 đồng/kg (bán lấy tiền sớm), nếu bán thiếu thì cá tra có giá 22.500 - 23.000 ngàn/kg; loại cá tra thịt vàng từ 800 - 900 gram/con có giá bán từ 20.500 - 21.000 đồng/kg; cá tra thịt trắng loại trên 1 kg/con giá 20.500 - 21.000 ngàn đồng/kg.
Theo nhận định của Cục Thống kê tỉnh, tình hình xuất khẩu mặt hàng cá tra đang gặp khó khăn. Giá xuất cá tra phi-lê sang thị trường Châu Âu khoảng 2,5 - 2,6 USD/kg, giảm 0,2 USD/kg so cùng kỳ. Sau khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ quyết định tăng mạnh mức thuế chống bán phá giá đối với cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ, các doanh nghiệp xuất khẩu rơi vào cảnh khó khăn.
Hàng rau quả: xuất khầu được 3.266 tấn, tăng 0,2%, về trị giá đạt 3,9 triệu USD, tăng 5,8% so cùng kỳ. Các mặt hàng như nước quả cô đặc, khóm đông và các mặt hàng trái cây… chủ yếu do Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang và Công ty TNHH MTV Long Uyên (TP. Mỹ Tho) xuất khẩu.
Trong quý I-2013 các doanh nghiệp đã ký được những hợp đồng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng nước dứa cô đặc qua các năm đều giảm, cụ thể năm 2011 ở mức 1.700 USD/tấn đến năm 2012 giảm xuống còn 1.100 USD, đến quý I-2013 chỉ còn 850 USD/tấn. Giá xuất khẩu giảm cùng với việc không xuất khẩu được nên lượng tồn kho mặt hàng nước dứa cô đặc tương đối cao.
Sang tháng 6-2013, giá xuất khẩu mặt hàng nước dứa cô đặc có điều chỉnh tăng 950 USD/tấn đã giải phóng được lượng hàng tồn kho. Ngoài những mặt hàng truyền thống của Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang, một số doanh nghiệp khác đã xuất các mặt hàng mùa vụ như: Sầu riêng, thanh long, chôm chôm...
Riêng mặt hàng gạo, xuất khẩu được 104.580 tấn tăng 6,5%, về trị giá đạt 44,7 triệu USD tăng 1,5% so cùng kỳ. Trong quý I-2013 thực hiện thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lương thực (quy gạo vụ Đông Xuân) thì trước thời điểm thu mua, giá có tăng nhẹ nhưng sau đó giá lúa gạo nội địa hầu như không tăng thêm.
Kết thúc đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá lúa gạo có xu hướng giảm trở lại, giá lúa tươi còn khoảng 4.100 đồng/kg, lúa khô 5.100 đồng/kg, giảm khoảng 300 đồng/kg so với lúc mua tạm trữ, các doanh nghiệp ngưng mua gạo nguyên liệu, phần lớn chỉ đặt hàng gạo xô để chế biến loại gạo 25% tấm.
Ngày 15-6, việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa gạo (tương đương 2 triệu tấn lúa) Hè Thu 2013 chính thức được triển khai (từ ngày 15-6 đến hết 31-7). Tại thời điểm này, giá lúa vẫn có xu hướng giảm và phần thiệt thuộc về người nông dân.
Cụ thể, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại lúa thường dao động từ 4.850 - 4.950 đồng/kg; lúa dài khoảng 5.100 - 5.200 đồng/kg. Còn giá lúa ướt (chưa phơi sấy) bán tại ruộng là 3.300 - 3.800 đ/kg. Riêng giá gạo nguyên liệu loại 1 (gạo 5% tấm) hiện khoảng 6.500 - 6.600 đồng/kg; giá gạo nguyên liệu (25% tấm) là 6.100 - 6200 đồng/kg thấp hơn rất nhiều so với giá lúa gạo vụ Đông Xuân vừa qua.
Điều đáng lưu ý, chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân vừa qua, dù được hỗ trợ lãi suất nhưng các doanh nghiệp vẫn đang bị lỗ 20-30 USD/tấn gạo so với mức giá bán hiện tại. Do đó, việc mua tạm trữ lúa Hè Thu không còn hấp dẫn nữa, nên ít doanh nghiệp muốn mua tiếp.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện chỉ cao hơn so với gạo cùng loại của Myanmar và thấp hơn khá nhiều so với gạo của các nước khác. Giá gạo 5% tấm hiện khoảng 395 USD/tấn, khi gạo cùng loại của Pakistan là 430 USD/tấn, Ấn Độ 445 USD/tấn và Thái Lan 530 USD/tấn.
Dù giá gạo của Việt Nam thấp nhưng vẫn khó ký hợp đồng do thiếu hợp đồng tập trung, các hợp đồng thương mại phần nhiều là những hợp đồng giá thấp, nhất là các hợp đồng xuất khẩu sang Trung Quốc.
Đối với hàng dệt may, xuất khẩu được 5.360 ngàn sản phẩm giảm 9,2% so cùng kỳ, về trị giá đạt 79,5 triệu USD tăng 26,1 % so cùng kỳ. Trong quý 1-2013 do ảnh hưởng kinh tế các nước khu vực EU, giá gia công không tăng nhiều. Hiện các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng trên 60%. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận được đơn hàng sản xuất đến hết quý II-2013.
Ngoài các mặt hàng chủ yếu, hiện nay các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang phát triển mạnh góp phần tăng trị giá xuất khẩu của tỉnh. Cụ thể, các mặt hàng như: Giày dép các loại đạt 87 triệu USD tăng 171,1%; sản phẩm bằng plastic đạt 58,2 triệu USD bằng gấp 5,7 lần so cùng kỳ…
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2013 đạt 232,5 triệu USD, tăng 63,3% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế Nhà nước đạt 20,8 triệu USD, giảm 21,2%; kinh tế tư ngoài Nhà nước đạt 52,3 triệu USD, tăng 6%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 159,4 triệu USD bằng gấp 2,4 lần so cùng kỳ. Hàng hóa nhập khẩu tập trung chủ yếu ngành công nghiệp chế biến đạt 229,7 triệu USD, tăng 67% so cùng kỳ.
PHƯƠNG NGHI