Thứ Sáu, 28/06/2013, 08:10 (GMT+7)
.

ĐBSCL và lợi thế xuất khẩu trái cây chủ lực

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện có 288.000 ha cây ăn trái các loại, cho sản lượng mỗi năm 3,18 triệu tấn trái cây phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Việc phát triển cây ăn trái là định hướng chiến lược hàng đầu của nhiều địa phương trọng điểm về trồng cây ăn trái như: Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Hậu Giang, Sóc Trăng, TP. Cần Thơ...

Phó Giáo sư -Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) cho biết, ĐBSCL hội đủ các điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu... để phát triển trồng cây ăn trái nhằm tạo nguồn nông sản tiêu dùng và xuất khẩu, ổn định và nâng cao mức sống nhân dân.

Do đa dạng về sinh thái nên chủng loại cây ăn trái ở đồng bằng hết sức phong phú với trên 30 loại trái cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Nổi trội là các loại trái cây như: xoài cát Hòa Lộc, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, thanh long, sầu riêng, nhãn xuồng cơm vàng, chôm chôm nhãn, sapô Mặc Bắc, chuối, khóm, các loại cây ăn trái có múi... trồng theo hướng VietGAP và GlobalGAP và các tỉnh, thành trong vùng đã hình thành được một số vùng sản xuất trái cây đặc sản hàng hóa tập trung.

Bưởi da xanh (Long Khánh, Cai Lậy).
Bưởi da xanh (Long Khánh, Cai Lậy).

Việc áp dụng đồng bộ và rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, quy trình canh tác, công nghệ sau thu hoạch... trong trồng cây ăn trái tại ĐBSCL đã mang lại hiệu quả cao. Với vai trò của một trung tâm nghiên cứu và ứng dụng, SOFRI đã chuyển giao kỹ thuật và tiến bộ khoa học nghề vườn, phòng trừ sâu bệnh gây hại, nhân rộng các mô hình canh tác bền vững...

Điển hình như quy trình xử lý ra hoa trên cây thanh long, nhãn, chôm chôm, sầu riêng và khóm; quy trình sản xuất cây ăn trái có múi và chuối già sạch bệnh; biện pháp phòng trừ ruồi đục quả hữu hiệu; quy trình trồng ổi xen cây ăn trái có múi nhằm xua rầy chổng cánh gây bệnh vàng lá Greening; quy trình bảo quản và xác định chỉ số thu hoạch trên xoài cát Hòa Lộc, nhãn, chôm chôm, thanh long, bưởi...

Qua đó vừa góp phần hình thành tư duy canh tác khoa học đối với nhà vườn, vừa hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trái cây theo tiêu chí GlobalGAP, VietGAP... Theo SOFRI, tại ĐBSCL, thông qua sự hợp tác giữa Viện và các địa phương đã tổ chức được 25 mô hình sản xuất trái cây theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP với tổng diện tích 400 ha.

Thông qua việc tổ chức các tổ hợp tác (THT) và hợp tác xã (HTX) chuyên canh theo hướng GAP đã góp phần xây dựng thương hiệu mạnh và củng cố được mối liên kết “4 nhà”, giúp giải quyết đầu ra cho trái cây Việt Nam nói chung và trái cây đồng bằng nói riêng.

Đơn cử như chôm chôm (Bến Tre), thanh long (Tiền Giang và Long An) được Cơ quan Kiểm dịch Thực vật Hoa Kỳ (APHIS) cấp mã code xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Cuối năm 2012, xoài và thanh long cũng được cấp phép sang thị trường Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Dự kiến trong năm 2013 sẽ có thêm một số trái cây đặc sản khác được Hoa Kỳ cấp mã số nhập khẩu như: nhãn, xoài, vú sữa.

Ngoài ra, thông qua hoạt động của mình, các THT và HTX trồng cây ăn trái còn liên kết cung ứng hàng cho các doanh nghiệp, siêu thị... thông qua hợp đồng tiêu thụ sản phầm, giúp xã viên an tâm đẩy mạnh sản xuất, hiệu quả kinh tế cao. Điển hình có HTX Hòa Lộc (Tiền Giang), HTX Sơ ri Gò Công (Tiền Giang), HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), THT chôm chôm Phú Phụng và Tiên Phú (Bến Tre), Câu lạc bộ Bưởi Năm Roi GlobalGAP (Hậu Giang)...

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu cho biết, dự kiến kim ngạch xuất khẩu trái cây tăng trưởng không dưới 10% so năm 2012. Đến nay, trái cây Việt Nam được xuất khẩu sang 76 nước. Trung Quốc, Hà Lan, Nga, Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... là những thị trường xuất khẩu lớn của trái cây Việt Nam.

Trong số những trái cây chủ lực có lượng xuất khẩu lớn, thu về nhiều ngoại tệ có sự góp mặt của nhiều loại trái cây đặc sản vùng ĐBSCL: Thanh long (chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), dừa (chiếm 27,2% tổng kim ngạch), khóm (16% tổng kim ngạch), mít (3,5%), bưởi (1,6%), xoài (chiếm 1,5%), sơ ri (chiếm 1,1%)...

Trong 6 tháng đầu năm 2013, nhà vườn trồng trái cây chủ lực thu nhập cao gấp 2- 3 lần so với trồng lúa năng suất cao. Một số trái cây chủ lực có giá cả ổn định và tăng như thanh long có lúc đạt 25.000 đồng - 27.000 đồng/kg, bưởi da xanh luôn giữ giá ổn định ở mức kỷ lục: 50.000 đồng - 55.000 đồng/kg. Trước diễn biến thị trường và những nỗ lực phát triển trái cây theo hướng bền vững, hy vọng ĐBSCL duy trì và phát huy lợi thế, nâng cao kim ngạch xuất khẩu trái cây.

MINH TRÍ

.
.
.