Diễn biến chỉ số giá bán sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (PPI)
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang cho biết chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản (PPI) tại tỉnh Tiền Giang quý 2 tăng 0,97% so với quý trước. So với cùng quý năm 2012 tăng 4,48%. Trong đó nhóm hàng nông nghiệp tăng 0,70%, nhóm hàng thủy sản tăng 1,86%. Riêng nhóm hàng hóa lâm sản khác giảm 3,77%.
Ảnh minh họa. Ảnh: Vân Anh |
Trong tổng số 33 nhóm các sản phẩm hàng hóa nông, lâm nghiệp và thủy sản thì có 5/33 nhóm hàng có giá giảm mạnh và 4/33 nhóm hàng có giá tăng mạnh làm cho chỉ số giá chung tăng nhẹ 0,97% so quý trước. Cụ thể một số nhóm mặt hàng chủ yếu sau:
- Giá mặt hàng thóc giảm 4,50% do từ tháng 4 năm 2013 đến nay sau khi kết thúc đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, giá lúa địa phương tiếp tục sụt giảm bình quân khoảng 310 đồng/kg so với quý trước; mặt khác giá gạo xuất khẩu quý 2 đang ở mức thấp (gạo 5% tấm giá xuất khẩu 440 USD/tấn, giảm 30 USD/tấn so quý trước). Dự báo quý 3 giá lúa sẽ tăng trở lại do thực hiện chính sách thu mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo vụ hè thu của Chính phủ được triển khai thu mua từ 15-6 đến 31-7-2013.
- Một số loại cây có chất bột lấy củ (chủ yếu khoai mở) giảm 18,43% do đang vào thời điểm thu hoạch rộ, sản lượng hàng hóa nhiều, cung lớn hơn cầu, giá giảm.
- Thịt heo hơi giảm 7,85% so quý trước, do ảnh hưởng dịch bệnh và việc thông tin có sử dụng hoá chất gây ung thư (chất cấm trong chăn nuôi), tác động đến tâm lý của người tiêu dùng e ngại làm cho giá heo hơi liên tục giảm.
Từ đầu năm đến nay bình quân giá heo hơi tháng 1 giá 4,198 triệu đồng/tạ, tháng 2 giá 4,1 triệu đồng/tạ, tháng 3 giá 3,922 triệu đồng/tạ, tháng 4 giá 3,840 triệu đồng/tạ, tháng 5 giá 3,8 triệu đồng/tạ và đến tháng 6 giá chỉ còn 3,630 triệu đồng/tạ. Nếu tính chỉ số giá liên hoàn thì tháng 2 so tháng 1 giảm 2,33%, tháng 3 so tháng 2 giảm 4,34%, tháng 4 so tháng 3 giảm 2,12%, tháng 5 so tháng 4 giảm 1,02% và tháng 6 so tháng 5 giảm 4,47%.
- Mặt hàng gia cầm giảm 4,21% so quý trước do sức mua giảm, tình hình gia cầm nhập lậu nhiều, giá rẻ đã ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa của địa phương.
- Cây ăn quả (quả tươi): tăng 5,14% chủ yếu là cam, chanh, bưởi, thanh long... do sau tết sản lượng thấp, một phần do thời tiết nắng nóng nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như xuất khẩu tăng mạnh.
- Quả chứa dầu (chủ yếu là dừa khô): tăng 87,5% so quý trước. Năm 2011 giá dừa liên tục tăng cao, các thương lái đến tận vườn thu mua. Trước mắt, dừa có hiệu quả kinh tế cao hơn so với các loại cây trồng khác nên người dân đua nhau trồng tự phát, đến khi thu hoạch thì giá giảm mạnh như ở thời điểm quý 3 năm 2012 giá chỉ còn 1.460 đồng/kg không đủ chi phí nhân công thu hoạch. Từ đầu năm 2013 đến nay giá dừa được cải thiện và có dấu hiệu tăng trở lại.
- Dịch vụ nông nghiệp (công lao động) tăng 1,62% so với quý trước, do lực lượng lao động nông thôn tại chỗ ngày càng khan hiếm và công việc có tính chất thời vụ nên giá công lao động tăng lên.
- Lâm nghiệp: So với quý trước giảm 2,12%. Sản phẩm nhóm này ở Tiền Giang chủ yếu là củi, cừ tràm và măng tươi, trong đó nhóm củi, cừ tràm giảm 3,77%, măng tươi tăng 13,93% so quý trước. Nguyên nhân tăng, giảm do tính thời vụ và nhu cầu tiêu dùng của người dân.
- Thủy sản: Chỉ số giá bình quân chung tăng 1,86% so quý trước. Trong đó chỉ số giá sản phẩm thủy sản khai thác biển tăng 1,80%, thủy sản khai thác nội địa giảm 3,90%. Thủy sản nuôi trồng tăng 2,28%, nguyên nhân do ảnh hưởng thời tiết và cung cầu hàng hóa trên thị trường nội địa và xuất khẩu.
NGUYỄN THỊ TRIỀN
(Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang)