Hạt gạo & những điều cần bàn
Xoay quanh câu chuyện tiêu thụ lúa gạo khó khăn hiện nay và những chính sách trong việc thu mua tạm trữ đã nảy sinh những vấn đề cần phải mổ xẻ và phân tích một cách cụ thể.
1. Phân tích của một giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu gạo lâu năm và là thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới thấy rằng câu chuyện hạt gạo khó khăn trong khâu tiêu thụ hiện nay là hệ lụy của một chuỗi những tác động.
Trước hết là từ nhu cầu của thế giới. Thực tế cần phải nhìn nhận ngay là hầu hết các nước có sản xuất lúa gạo đều được mùa, nên có xu hướng tự lực được lương thực. Chẳng hạn, Philippines thông báo tự lực được lương thực và thậm chí là xuất khẩu; Indonesia, Malaysia cũng thế. Cụ thể nhất là Malaysia năm 2012 mua của Việt Nam 750.000 tấn gạo, năm nay chỉ mua 360.000 tấn và đến nay đã kết thúc giao dịch. Indonesia đến thời điểm hiện nay chưa mua hạt gạo nào, trong khi Philippines mới chỉ mua 187.000 tấn gạo.
Có điều thực tế trong giao dịch lúa gạo của Việt Nam năm nay là thiếu những hợp đồng gạo tập trung để dẫn dắt thị trường. Thường những hợp đồng tập trung có giá rất tốt, sẽ chi phối và dẫn dắt được thị trường lúa gạo trong nước. Đến thời điểm hiện nay, hợp đồng gạo tập trung chỉ chiếm 10%, trong khi những năm trước ở mức 50-60%.
Giá lúa vụ hè thu khó ở mức cao. Ảnh: Nguyễn Sự |
Điểm thứ hai cần nhìn nhận là 2 kho lương thực lớn của thế giới là Thái Lan và Ấn Độ luôn đầy ắp gạo. Chẳng hạn, Ấn Độ hiện tại đã tồn kho 36 triệu tấn gạo, trong khi với mức bình thường chỉ cần tồn kho 14 triệu tấn là đảm bảo an ninh lương thực. Điều này xuất phát từ những năm trước do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mất mùa, nên Ấn Độ tập trung mua gạo vào để dự trữ và hạn chế xuất khẩu. Do vậy, hiện tại Ấn Độ tuyên bố xả hàng và đáp ứng đủ nhu cầu gạo của thế giới.
Thái Lan sau khi thực hiện chính sách nâng giá đến nay không bán được gạo, nên còn tồn kho 16 triệu tấn. Hiện Thái Lan đang vào vụ thu hoạch lúa, nếu mua thêm vào trữ thì lượng gạo tồn kho sẽ lên đến trên 20 triệu tấn, bắt buộc phải tính đến phương án bán bớt lượng gạo trong kho.
Với 2 kho lương thực lớn của thế giới hiện đã tồn kho 50 triệu tấn gạo; trong khi đó theo tính toán của các chuyên gia, mậu dịch thương mại toàn cầu mỗi năm chỉ từ 35-37 triệu tấn gạo, năm nay lại có xu hướng giảm hơn do một số nước được mùa. Như vậy, lượng gạo trong 2 kho lương thực lớn đang chi phối và dẫn dắt thị trường lúa gạo thế giới.
Một thực tế khác cần nhìn nhận là gạo của Myanmar hiện có giá rẻ nhất thế giới và sẽ là đối thủ tiềm năng của Việt Nam. Trong khi gạo trong nước đang nằm trong kho của các doanh nghiệp nên áp lực kinh doanh rất lớn, dẫn đến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam những ngày gần đây có xu hướng giảm.
Sở dĩ có thực tế này là do các thương nhân nước ngoài biết áp lực của các doanh nghiệp muốn xả hàng và chuẩn bị thu hoạch mùa vụ mới. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trong nước có quy mô vừa và nhỏ, đa phần là vốn vay nên bị áp lực lớn từ lãi suất ngân hàng.
Mặt khác, theo thống kê của VFA, đến ngày 30-4, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, so với cùng kỳ năm trước tăng 10%, lượng gạo đã giao cũng tăng hơn so với cùng kỳ năm trước, xấp xỉ 2 triệu tấn.
Nhưng trong 2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng chưa giao hàng, chỉ có vài trăm ngàn tấn gạo nằm trong hợp đồng tập trung, còn hơn 1 triệu tấn là hợp đồng thương mại. Trong các hợp đồng thương mại với giá cao trước đây có tình trạng khách hàng không muốn lấy hàng, nên tiềm ẩn khả năng hủy hợp đồng. Trong khi đó, số lượng gạo đã ký với Philippines có khả năng bị hủy 200.000 tấn. Do vậy, tiến độ giao hàng đối với các hợp đồng đã ký sẽ khó khăn.
Từ những yếu tố trên dẫn đến thực tế là giá gạo Việt Nam những ngày trước còn xoay quanh 400USD/tấn, sau đó bị giảm xuống còn 375 USD/tấn. Giao dịch của các doanh nghiệp trở nên trầm lắng hơn. Tuy nhiên, hiện tại có nghịch lý là giá gạo nội địa rất cao nhưng giá xuất khẩu lại rất thấp.
2. Gạo thế giới đang trong tình trạng mất cân đối, cung vượt quá cầu, nên nguy cơ thiệt hại quay lại đối với người sản xuất. Tức là sản lượng lương thực hiện nay bắt đầu có dấu hiệu dư thừa.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho rằng, vấn đề còn lại đang đặt ra là có nên tiếp tục duy trì 3 vụ sản xuất lúa hay không; trong đó vụ 2 có chi phí sản xuất rất cao nhưng chất lượng lại kém và nguy cơ có giá bán thấp hơn nên khó đảm bảo hiệu quả cho người nông dân. Do vậy, có ý kiến cho rằng Nhà nước nên cân đối lại sản xuất, những vùng không có lợi thế không nhất thiết phải làm 3 vụ lúa mà có thể hướng dẫn cho bà con luân canh một vụ màu nhằm tránh đi lượng lúa gạo hàng hóa dư thừa và góp phần cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất đai.
Cũng có điều nghịch lý là những năm gần đây lại khuyến khích làm lúa chất lượng cao nhưng thực tế lại khó bán, thậm chí bán với giá chênh lệch không bao nhiêu so với lúa thường dẫn đến thua lỗ. Ở đây cần xem xét lại thực tế của quản lý điều hành sản xuất. Bởi theo VFA, hàng năm Việt Nam chỉ xuất khẩu được vài trăm ngàn tấn gạo thơm. Năm 2012 là năm xuất khẩu gạo thơm cao nhất cũng chỉ có 600.000 tấn (gạo Jasmine).
Trong khi đó, các tỉnh lại thấy làm gạo Jasmine năm 2012 có giá cao, “ùn ùn” chuyển đổi nhưng không tham khảo được thông tin từ VFA hay ngành Công thương để tìm hiểu địa chỉ tiêu thụ. Khi số lượng gạo thơm quá lớn mà thiếu thị trường thì ắt dẫn đến hệ lụy về giá cả - giá trị.Cụ thể như vụ đông xuân lượng lúa hàng hóa chất lượng cao trên 1 triệu tấn và không đồng bộ về chất lượng. Nếu như trước đây tỷ lệ lẫn lộn đối với lúa chất lượng cao từ 10-15%, hiện nay có những vùng lên đến 20-30%.
Do đó, những ngày gần đây có tình trạng thương nhân nước ngoài do dự mua gạo thơm của Việt Nam vì chất lượng không đảm bảo. Do đó giá bán gạo chất lượng cao cũng bị kéo xuống.
Cái khó hiện nay là chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo về lãi suất ngân hàng trong những tháng mua tạm trữ, trong khi đó doanh nghiệp vẫn phải tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp mua vào là phải bán được dựa trên giá giao dịch của thương mại thế giới. Những năm trước đây, nhu cầu gạo của thế giới lớn nên vòng quay của hạt gạo luân chuyển nhanh. Nhờ đó gạo của Việt Nam luôn tươi mới và không tạo áp lực lớn đối với chi phí lưu kho.
Từ năm 2012 khi nhu cầu thế giới chững lại và có những thay đổi, lúc đó làm cho hạt gạo mất lợi thế bán nhanh nên phát sinh thêm một số vấn đề. Nếu trữ gạo lâu doanh nghiệp sẽ chịu lãi suất ngân hàng và chi phí xử lý tái chế (từ 200-300 đồng/kg) vì gạo đến lúc nào đó bị bó cám, kém phẩm chất.
Đặc thù của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo chủ yếu là mua gạo chứ không phải mua lúa. Tất cả những yếu tố này càng làm cho doanh nghiệp đang gặp khó khi tồn kho nhiều phải “bán đổ, bán tháo” để giải phóng bớt lượng hàng và quay nhanh đồng vốn lưu động…
THẾ ANH